Theo VOV, hai tác giả nhận giải với các tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín và Một ví dụ xoàng.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương (trái) và nhà văn Nguyễn Một (phải) với Chủ tịch Hội nhà văn Thái Lan. Ảnh: TTXVN. |
Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận Giải thưởng Nhà văn Đông Nam Á 2022 với tiểu thuyết Một ví dụ xoàng. Tác phẩm từng được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.
Nguyễn Bình Phương vốn gắn với lối viết thiên về kỹ thuật, tìm tòi cách biểu đạt mới cho tiểu thuyết. Một ví dụ xoàng được GS.TS Trần Đình Sử đánh giá có cốt truyện đơn giản, chuyện không mới, "nhưng không xoàng". Tác phẩm là lời cảnh báo về tình trạng thiếu vắng lương tâm, tình người, tính người, sự lên ngôi của cái ác…
Trong diễn từ nhận giải lần này, Nguyễn Bình Phương hé lộ suy tư của ông về nghiệp viết, về văn chương: "Ở mỗi câu chuyện mà văn học kể, bao giờ cũng ẩn tàng rất nhiều câu hỏi. Vì thế, truy tới ngọn nguồn thì văn học là câu hỏi, những câu hỏi day dứt. Còn trả lời hay không trả lời, trả lời ở mức độ nào, quyền ấy thuộc về từng độc giả".
Bìa sách Một ví dụ xoàng (trái) và Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. |
Nhà văn Nguyễn Một nhận Giải thưởng Nhà văn Đông Nam Á 2023 với tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Tác phẩm từng được Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2023 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đồng Nai.
Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín là tiểu thuyết hậu chiến, trong đó tác giả đưa ra góc nhìn mới về những thân phận con người từ cả hai bên chiến tuyến trong chiến tranh qua lối kể chuyện hấp dẫn và miêu tả tâm lý nhân vật sâu sắc.
Trong diễn từ nhận giải, nhà văn Nguyễn Một cho biết: “Giải thưởng văn học ASEAN là sự ghi nhận những trang viết chứa đựng tâm trạng của đời sống trong thời đại chúng ta đang sống để làm cầu nối giữa con người với con người, làm cho thế giới trở nên gần gũi và yêu thương hơn”.
Ông tin rằng mỗi trang sách sẽ giúp con người hiểu nhau, thông cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn: "Ngày nay, chiến tranh Việt Nam đã lùi xa gần nửa thế kỷ, tuy nhiên trên thế giới vẫn còn chiến tranh ở nhiều nơi, cướp đi hàng vạn sinh mạng, tàn phá tình yêu thương. Vậy nên, tôi mượn bối cảnh chiến tranh để viết về thân phận con người và cũng để người đọc biết rằng mỗi phút, mỗi giây được sống trong hòa bình thật đáng quý biết bao".
Nhà văn Nguyễn Bình Phương (ngoài cùng bên phải), nhà văn Nguyễn Một (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà văn Đông Nam Á. Ảnh: VOV. |
Nguyễn Bình Phương hiện là Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội. Nguyễn Bình Phương ghi dấu trên văn đàn ở cả hai địa hạt tiểu thuyết và thơ.
Các tác phẩm đã xuất bản của ông bao gồm các tiểu thuyết Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thủy (2004), Mình và họ (2014), Kể xong rồi đi (2017) và các tập thơ Buổi câu hờ hững, Lam chướng, Từ chết sang trời biếc, Xa xăm gõ cửa… Một số sáng tác của ông đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc.
Nguyễn Một là tác giả của gần 20 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau, bao gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu thuyết ngắn, bút ký, kịch bản phim tài liệu… Tác phẩm tiêu biểu của ông bao gồm Trước mặt là dòng sông; Đất trời vần vũ và Ngược mặt trời.
Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (The S.E.A. Write Award) do Hoàng gia Thái Lan khởi xướng, trao từ năm 1979 cho các nhà thơ và nhà văn của khu vực Đông Nam Á. Giải thưởng đôi khi được trao cho một tác phẩm cụ thể của tác giả, hoặc cũng có thể được trao nhằm ghi nhận thành tựu trọn đời. Đa dạng thể loại tác phẩm từng được vinh danh, bao gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, truyện dân gian, tác phẩm học thuật và tôn giáo.
Những năm trước đây một số tác giả Việt Nam từng nhận giải thưởng này như Tố Hữu (năm 1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Ngọc Tư (2008), Nguyễn Nhật Ánh (2010)...
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.