Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

Tiếng vọng từ trái tim

“Tiếng vọng” là một bài thơ giàu suy tưởng của Nguyễn Quang Thiều. Từ bài thơ, chúng ta có những khoảnh khắc nhìn lại chính mình.

Con chim sẻ nhỏ chết rồi

Chết trong đêm cơn bão về gần sáng

Đêm ấy tôi nằm trong chăn nghe cánh chim đập cửa

Sự ấm áp gối chăn đã giữ chặt tôi

Và tôi ngủ ngon lành đến lúc bão vơi.

Chiếc tổ cũ trong ống tre đầu nhà chiều gió hú

Không còn nghe tiếng cánh chim về

Và tiếng hót mỗi sớm mai trong vắt

Nó chết trước cửa nhà tôi lạnh ngắt

Một con mèo hàng xóm lại tha đi

Nó để lại trong tổ những quả trứng

Những con chim non mãi mãi chẳng ra đời.

***

Đêm đêm tôi vừa chợp mắt

Cánh cửa lại rung lên tiếng đập cánh

Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ

Tiếng lăn như đá lở trên ngàn.

Lời bình

Thơ Nguyễn Quang Thiều mạnh về suy tưởng. Tuy nhiên, chất suy tưởng đó không phải được khai triển bằng các mệnh đề duy lý hay những cấu trúc nghị luận mà bằng hình tượng. Hình tượng trong thơ Nguyễn Quang Thiều lại thường được đặt trong một cấu trúc truyện kể. Thế nên, về căn bản, thơ Nguyễn Quang Thiều dài. Dài do yêu cầu mở rộng biên độ văn bản từ trong tư duy, dài để đi hết chuyện, để tỏ bày hết nỗi lòng và cũng để suy tưởng đến được tận cùng ý nghĩ.

Bài thơ Tiếng vọng không tiêu biểu cho độ dài của thơ Nguyễn Quang Thiều, nhưng lại khá tiêu biểu cho tính chất truyện kể, suy tưởng bằng hình ảnh và tư duy ẩn dụ - liên tưởng của ông.

Cái chết trong đêm mưa bão của chú sẻ nhỏ, tiếng gõ cửa cầu cứu, sự ấm áp của gối chăn, những ban mai vắng tiếng hót trong lành, những quả trứng bỏ lại bơ vơ, những con chim non mãi mãi không được sinh ra… là hình ảnh trong một câu chuyện về sự vô tâm của con người trước lời khẩn cầu được cứu vớt.

Tứ thơ ẩn sau câu chuyện. Đó là những ám ảnh, dằn vặt, thậm chí là lời cáo buộc bản thân vì những vô tâm, bằng an giữa cuộc đời. Những hình ảnh trong bài thơ, qua cấu trúc truyện kể và tính chất suy tưởng ẩn dụ đã đặt tất cả chúng ta vào một cuộc truy vấn chính mình. Có lúc nào, chúng ta đã vô tâm, vô tình như thế?

Búp bê ơi, đừng khóc!

“Mẹ đừng đi xa nữa” của Đỗ Xuân Bình nói về tình cảm trẻ thơ làm lòng người buốt nhói.

Lệ khuya đọng tự kiếp nào?

Bài thơ “Giọt bình sinh” của Nhụy Nguyên có thể là một sẻ chia đầy kín đáo cho mỗi người về ước nguyện và đức tin của chúng ta trong cuộc đời.

Nguyễn Quang Thiều

Bạn có thể quan tâm