Công ty TNHH một thành viên Bóng đá Quảng Ninh đứng trước nguy cơ phá sản. Hậu quả là hàng chục cầu thủ của đội bóng đất mỏ không được trả 70 tỷ đồng tiền lương, thưởng, lót tay từ năm 2019 đến nửa mùa giải 2021.
70 tỷ đồng là con số lớn. Chủ tịch Phạm Thanh Hùng của CLB Quảng Ninh đã 5 lần xin trả đội bóng lại cho tỉnh Quảng Ninh do doanh nghiệp của ông không thể kham nổi khoản nợ quá lớn. Hiện tại, CLB Quảng Ninh đã ngưng hoạt động, kéo theo nguy cơ mất trắng số tiền nợ với các cầu thủ.
Văn Lâm đang có cuộc sống bóng đá mới ở Nhật Bản sau khi bị Muangthong United trả chậm 2 tháng lương. Ảnh: Cerezo Osaka. |
Trường hợp của cầu thủ CLB Quảng Ninh có những nét tương đồng với vụ việc của Đặng Văn Lâm ở Muangthong United. Đội bóng Thái Lan bị cho là tự ý giảm và trả lương chậm 2 tháng cuối năm 2020 của Văn Lâm. Thủ môn tuyển Việt Nam và người đại diện căn cứ trên hợp đồng, đưa vụ việc lên FIFA. FIFA công nhận sự việc này và cấp cho thủ môn sinh năm 1993 giấy chuyển nhượng tạm thời đến Cerezo Osaka.
"Số tiền trên này quá lớn. Nếu CLB giải thể, cầu thủ không có cách nào đòi được dù chỉ một đồng. Để đội bóng giải thể thì không ai cứu được", ông Andrey Grushin nhận định với Zing. Andrey là người đại diện của thủ môn Văn Lâm, giám đốc công ty môi giới cầu thủ Young Football Talents.
Vị này nói thêm: "Bây giờ có ra tòa án, cầu thủ cũng chỉ mất tiền thêm mà cơ hội chiến thắng là số 0. Chuyện bị vỡ nợ, phá sản bây giờ trễ rồi, cầu thủ có biết quyền lợi của mình lúc này cũng không giải quyết được gì. Họ phải ý thức việc đó sớm hơn".
Luật FIFA có điều khoản cho phép cầu thủ đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bị nợ lương. Điều 14bis được FIFA cập nhật vào 1/2021. Nếu CLB không trả lương đúng hạn trong vòng 2 tháng, cầu thủ có lý do chính đáng chấm dứt hợp đồng với điều kiện thông báo bằng văn bản cho CLB trước 15 ngày.
Đây là cơ sở pháp lý để nhà môi giới Andrey giúp Văn Lâm rời CLB Muangthong United đến Cerezo Osaka một cách hợp pháp. Vụ việc này khi đó gây chấn động bóng đá Thái Lan và Việt Nam, tạo tranh luận dữ dội giữa phía Văn Lâm và CLB Muangthong.
Vụ việc này vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cầu thủ, FIFA cho phép họ hoàn thành chuyển nhượng trước. Sau khi có đầy đủ bằng chứng, FIFA sẽ phạt bên nào vi phạm luật. Đến thời điểm này, ưu thế vẫn nghiêng về phía công ty của Văn Lâm.
Các cầu thủ Quảng Ninh lúc này không biết làm sao đòi lại số tiền hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trường hợp của Văn Lâm khác các cầu thủ Quảng Ninh ở chỗ CLB Muangthong United không phá sản. Nếu đội bóng này sai, họ phải thanh toán lương đầy đủ cho Văn Lâm kèm thêm khoản tiền phạt từ FIFA. Nhưng điểm chung của hai trường hợp là đều xuất phát từ việc nợ lương.
Nhiều cầu thủ Quảng Ninh bị nợ lương kéo dài và chấp nhận sống chung với việc bị trả lương chậm. Họ thậm chí không tiết lộ chuyện này một thời gian dài vì tâm lý ngại đụng chạm với các ông chủ. Cầu thủ còn sợ ảnh hưởng đến số tiền lót tay, cơ hội chơi bóng, ngại va chạm, làm mất tình cảm với giới chủ.
Nếu như Văn Lâm chỉ bị trả lương chậm 2 tháng là công ty đại diện đã vào cuộc thì cầu thủ Quảng Ninh chấp nhận chờ đợi suốt gần 3 năm. Khoản nợ khổng lồ 70 tỷ đồng bao gồm lương từ tháng 4-7/2021, 40% tiền lót tay năm 2019, 100% lót tay của năm 2020 và lót tay nửa mùa giải 2021.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh chia sẻ với Zing: "Hai vụ việc của Văn Lâm và cầu thủ Quảng Ninh nằm ở cách ứng xử. Một bên dùng luật để bảo vệ quyền lợi, một bên dùng tình cảm để giải quyết. Đáng tiếc là cái kết buồn có thể dành cho người dùng tình cảm".
Văn Lâm đang chơi cho Cerezo Osaka. Ít ngày tới, anh sẽ sang Saudi Arabia hội quân cùng tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Trong khi đó, các cầu thủ Quảng Ninh vẫn còn nhiều việc phải làm sắp tới.
CLB Quảng Ninh đang làm thủ tục thanh lý cho các cầu thủ. Ai ký vào giấy thanh lý sẽ nhận lương và tiền chế độ nhưng khoản nợ tiền tỷ thì không được đề cập đến. Lúc này, nhiều cầu thủ cho biết đã thuê luật sư làm việc nhưng chưa ai gửi đơn kiện lên VFF.