Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Baemin bán mỹ phẩm

Thay vì cạnh tranh với các siêu ứng dụng khác thông qua tích hợp dịch vụ tài chính, bảo hiểm..., ứng dụng giao đồ ăn từ Hàn Quốc này quyết định ra mắt một thương hiệu mỹ phẩm.

Trao đổi với Zing, ông Jinwoo Song, Tổng giám đốc Baemin Việt Nam cho biết đã bắt đầu dự án này từ 1,5 năm trước với những cuộc khảo sát người tiêu dùng và phân tích thị trường mỹ phẩm một cách kỹ lưỡng. Đến nay, doanh nghiệp chính thức ra mắt thương hiệu mỹ phẩm đầu tiên mang tên Lazy Bee, với các sản phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc.

"Nhiều người thắc mắc sao một ứng dụng giao đồ ăn như Baemin lại ra mắt thương hiệu mỹ phẩm. Nhưng tôi muốn khẳng định chúng tôi không chỉ là một ứng dụng giao đồ ăn mà là một nền tảng phong cách sống, chúng tôi muốn mang đến nhiều trải nghiệm hơn cho người tiêu dùng, cụ thể là những khách hàng trẻ của chúng tôi", ông Jinwoo Song nói.

Trước câu hỏi liệu kỳ lân công nghệ Hàn Quốc còn tiếp tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực giao đồ ăn ở Việt Nam nữa hay không, vị lãnh đạo nhấn mạnh đây vẫn là mảng đem lại tệp người dùng chính cho ứng dụng. Trên cơ sở tệp người dùng này, hãng mới có thể phát triển các dịch vụ khác để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

baemin ban my pham anh 1

Các sản phẩm mỹ phẩm mới ra mắt được bán trực tiếp trên ứng dụng Baemin. Ảnh: Lan Anh.

Như vậy, tham vọng siêu ứng dụng tại Baemin ngày càng rõ ràng hơn và có phần khác biệt. Những năm gần đây, Grab, Gojek, be liên tục tích hợp hàng loạt dịch vụ từ gọi xe công nghệ, giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ tới các dịch vụ về tài chính, bảo hiểm, du lịch...

Trong khi đó, Baemin lại mở Baemin Studio - các sản phẩm sáng tạo và đồ dùng quen thuộc, và bây giờ là mỹ phẩm Lazy Bee, bên cạnh các dịch vụ giao đồ ăn, đi chợ hộ và thực phẩm sơ chế.

Những động thái này diễn ra trong bối cảnh ngành giao đồ ăn dần tăng trưởng chậm lại sau đại dịch. Theo báo cáo từ Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa của mảng này chỉ tăng 5% lên 16,3 tỷ USD vào năm 2022 so với năm trước đó.

Tại Việt Nam, Baemin chiếm 12% thị phần ngành giao đồ ăn năm 2022, xếp thứ ba nhưng hoàn toàn lép vế trước hai ông lớn GrabFood (45%) và ShopeeFood (41%). Momentum Works cho rằng thách thức thời gian tới sẽ tập trung ở những ứng dụng chưa có nhiều vị thế trên thị trường, sân chơi sẽ chỉ dành cho 1-2 ứng dụng do chỉ những doanh nghiệp này mới có đủ tiềm lực để cạnh tranh với nhau.

Chưa rõ quyết định đặt chân vào lĩnh vực làm đẹp của Baemin lúc này có đúng đắn hay không, khi thị trường mỹ phẩm cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu cùng phân khúc. Sự tự tin của hãng đến từ những số liệu cho thấy quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện khoảng 2,63 tỷ USD và được dự đoán tăng trưởng với tốc độ 3,32% hàng năm đến năm 2027.

Baemin cho biết trong 1-2 tháng đầu tiên ra mắt, Lazy Bee chỉ được bán thông qua ứng dụng Baemin ở TP.HCM, trước khi đa dạng hóa kênh phân phối và mở rộng tới các thành phố khác như Hà Nội hay Đà Nẵng.

Baemin là ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến có mặt tại Việt Nam từ tháng 5/2019, được vận hành bởi Woowa Brothers Việt Nam, một thành viên của Woowa Brothers (Hàn Quốc). Năm 2021, Woowa Brothers gia nhập Delivery Hero - tập đoàn công nghệ giao đồ ăn đang cung cấp dịch vụ tại hơn 50 quốc gia, trong đó có 16 nước châu Á.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Cuộc đua giao đồ ăn ngày càng khốc liệt

Tình trạng kinh tế vĩ mô bất ổn và áp lực gia tăng lợi nhuận đang thay đổi cách hoạt động của các công ty công nghệ đối với lĩnh vực giao đồ ăn.

Người Việt chi 1,1 tỷ USD cho ứng dụng gọi đồ ăn

Tại Việt Nam, tổng giá trị chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn trong năm 2022 đạt 1,1 tỷ USD. Hiện dịch vụ của Grab và ShopeeFood là phổ biến nhất.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm