Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cuộc đua giao đồ ăn ngày càng khốc liệt

Tình trạng kinh tế vĩ mô bất ổn và áp lực gia tăng lợi nhuận đang thay đổi cách hoạt động của các công ty công nghệ đối với lĩnh vực giao đồ ăn.

Theo Tech in Asia, thay vì vung tiền để khuyến khích tăng trưởng, Grab, GoTo, Foodpanda hay Shopee đang dần thu hẹp ngân sách dành cho ưu đãi. Bên cạnh đó, các công ty đang tìm cách mở rộng nguồn thu thông qua những tính năng như quảng cáo và dịch vụ đăng ký.

“Các tay chơi trong thị trường giao đồ ăn bắt đầu siết chặt ngân sách giảm giá. Nhưng giá cả vẫn là một trong những yếu tố quyết định trong cuộc đua trên thị trường”, Nailul Huda, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính Indonesia, cho biết.

Khi đại dịch kết thúc vào năm ngoái và người dân chuyển sang dùng bữa trực tiếp tại các nhà hàng, ngành giao đồ ăn dần chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại. Theo báo cáo từ Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của mảng này chỉ tăng 5% lên 16,3 tỷ USD vào năm 2022 so với năm trước đó.

GMV MẢNG GIAO ĐỒ ĂN TẠI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á NĂM 2022
Nguồn: Momentum Works
NhãnIndonesiaThái LanSingaporePhilippinesMalaysiaViệt Nam
GMV tỷ USD 4.53.62.52.42.21.1

Tiết giảm ưu đãi, cải thiện dòng tiền

Grab hiện dẫn đầu tại 6 thị trường lớn trong khu vực. Tại mỗi thị trường ứng dụng này lại có đối thủ riêng, đơn cử như GoFood (GoTo) tại Indonesia, ShopeeFood ở Việt Nam hay Foodpanda ở Singapore, Philippines và Malaysia.

Momentum Works cho biết giao đồ ăn vốn là ngành kinh doanh có biên lợi nhuận thấp, phát sinh thông qua khối lượng, mật độ và hiệu quả hoạt động. Đây là lý do tại sao các công ty đang thay đổi chiến lược khuyến khích khách hàng. GoTo và Foodpanda thậm chí còn sa thải một số nhân viên để giảm chi phí.

Mở rộng nguồn doanh thu được xem là phương án hữu ích thúc đẩy lợi nhuận cho các công ty. Một số công ty triển khai dịch vụ quảng cáo giúp người bán hay các gói đăng ký cung cấp chiết khấu đặc biệt cho người tiêu dùng như Pandapro, GrabUnlimited.

Jakob Angele - CEO Foodpanda - cho biết công ty hiện tập trung cải thiện hiệu quả đặt hàng và cung cấp các ưu đãi có ý nghĩa hơn để khiến khách hàng hào hứng và gắn bó. Ngoài Pandapro, công ty còn đưa ra ưu đãi đặc biệt khi người dùng chọn dùng bữa trực tiếp tại nhà hàng.

THỊ PHẦN GIAO ĐỒ ĂN TẠI VIỆT NAM NĂM 2022
Nguồn: Momentum Works.
NhãnGrabFoodShopeeFoodBaeminGoFood
Thị phần % 4541122

Vị lãnh đạo cũng tiết lộ các dịch vụ mới cho phép công ty thu hút nhóm khách hàng mới, được kỳ vọng trở thành người dùng thường xuyên. Khách hàng trung thành là yếu tố quan trọng để đảm bảo lợi nhuận.

GoTo thời gian gần đây cũng triển khai thuật toán máy học để hướng các chương trình khuyến mãi đến khách hàng mới lẫn hiện tại tiềm năng nhất với mục tiêu giảm chi phí và tăng doanh thu.

“Điều này giúp nâng cao lòng trung thành của khách hàng và cũng đảm bảo rằng gian hàng có thể phát triển kinh doanh bền vững, ít phụ thuộc hơn vào các chương trình khuyến mãi của GoFood”, đại diện ứng dụng này cho biết.

Dẫu vậy, chuyên gia Huda cho rằng các công ty không thể ngừng khuyến mãi hoàn toàn bất chấp áp lực về hiệu quả và lợi nhuận. Thay vào đó, ứng dụng có thể sử dụng dịch vụ giao đồ ăn để hỗ trợ tăng trưởng cho những dịch vụ khác trong hệ sinh thái.

Mảng kinh doanh khó nhằn

Trong báo cáo kết quả quý IV/2022, Grab cho biết 2/3 khách hàng đã sử dụng ít nhất hai trong số các dịch vụ của nền tảng. Năm 2020, tỷ lệ này chỉ là 1/2.

Tổng GMV của Grab quy mô toàn Đông Nam Á đạt 8,8 tỷ USD vào năm ngoái, vượt xa Foodpanda và GoFood. Grab ghi nhận lợi nhuận EBITDA điều chỉnh dương cho mảng giao hàng trong hai quý liên tiếp cuối năm 2022.

“Chúng tôi duy trì vị trí dẫn đầu trong mảng giao đồ ăn với trọng tâm là thúc đẩy các giao dịch chất lượng cao, giảm chi phí phục vụ và liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ cho người dùng”, COO Alex Hungate chia sẻ.

Bằng cách tăng mức độ sử dụng, tỷ lệ lợi nhuận cho ứng dụng sẽ tăng lên. Vì vậy, các khoản ưu đãi có thể được thu hẹp lại

Nailul Huda, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính Indonesia

Dịch vụ đăng ký GrabUnlimited chiếm hơn 1/4 GMV giao hàng của công ty trong quý IV/2022. Đáng chú ý, những người đăng ký chi tiêu nhiều hơn gấp 3 lần so với người dùng dịch vụ cơ bản.

Cũng nhờ những sáng kiến trên, Grab có thể cắt giảm ngân sách ưu đãi giao hàng xuống 12% GMV trong quý IV/2022 từ mức 18% của cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Shopee dường như đã giảm bớt sự tập trung vào giao đồ ăn từ năm ngoái. Mặc dù chứng kiến lợi nhuận hàng quý đầu tiên vào quý IV/2022, hãng không đề cập đến bất kỳ đóng góp đáng kể nào từ phân khúc giao đồ ăn.

Momentum Works cho biết Shopee đã thu hẹp quy mô hoạt động và trợ cấp cho dịch vụ giao đồ ăn từ năm 2022 để tập trung hơn vào hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi. Năm ngoái, Shopee đã sa thải 7.000 nhân viên và ảnh hưởng đến một phần bộ phận ShopeeFood.

Hiện tại, thị trường tiềm năng nhất cho ShopeeFood là Việt Nam, nơi ứng dụng này chiếm 41% thị phần, chỉ thấp hơn 45% của Grab. Nhưng thị phần ở các thị trường khác không đáng kể.

ung dung giao do an,  mang giao do an anh 1

Việt Nam là thị trường có chỗ đứng nhất của ShopeeFood. Ảnh: ShopeeFood.

Dù không có tốc độ tăng trưởng nhanh như thời kỳ đại dịch, nhưng ngành giao đồ ăn vẫn được dự đoán tiếp tục mở rộng. GMV của ngành dự kiến đạt 24 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo mới nhất của Google e-Conomy SEA.

Dẫu vậy, thách thức sẽ tập trung chủ yếu với những ứng dụng chưa có nhiều vị thế trên thị trường. Ngay cả một công ty lớn như ShopeeFood cũng gặp khó khăn, trong khi Traveloka của Indonesia đã đóng cửa dịch vụ giao đồ ăn vào năm ngoái.

AirAsia Food (có mặt ở Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia) dường như vẫn gặp khó khăn khi cạnh tranh với các công ty dẫn đầu thị trường, kể cả ở quê nhà Malaysia. Foodpanda cũng được đồn đại rời Thái Lan và bán các hoạt động cho doanh nghiệp địa phương là Line Man Wongnai.

Indonesia, thị trường giao đồ ăn lớn nhất trong khu vực, chứng kiến GoFood cạnh tranh trực tiếp với GrabFood. GoTo đang cố gắng để giành chiến thắng ở quê nhà, do thị phần mảng này ở Việt Nam tương đối nhỏ, trong khi ứng dụng cũng thiếu sự hiện diện ở các quốc gia khác.

Vion Yau, người đứng đầu bộ phận phân tích tại Momentum Works, cho biết mảng giao đồ ăn sẽ là sân chơi của 1-2 ứng dụng do chỉ những doanh nghiệp này có đủ tiềm lực để cạnh tranh với nhau.

'Mỏ vàng' của các ứng dụng gọi đồ ăn

Thị trường F&B Việt Nam đang sở hữu nhiều dư địa phát triển cho các ứng dụng đặt đồ ăn. Theo một báo cáo, có khoảng 46% cơ sở kinh doanh chưa tham gia kênh bán hàng trực tuyến.

Người Việt chi 1,1 tỷ USD cho ứng dụng gọi đồ ăn

Tại Việt Nam, tổng giá trị chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn trong năm 2022 đạt 1,1 tỷ USD. Hiện dịch vụ của Grab và ShopeeFood là phổ biến nhất.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Ngọc Phương Linh

Bạn có thể quan tâm