Bắc Kinh đã cử hai quan chức cấp cao từ trung ương đến Vũ Hán để chỉ huy và giám sát việc chống dịch, giữa làn sóng chỉ trích mới nhằm vào giới chức sau cái chết của một bác sĩ từng cảnh báo về dịch bệnh ngay từ những ngày đầu.
Dịch bệnh, bùng phát do một chủng virus corona mới có nguồn gốc ở Vũ Hán, tỉnh lỵ tỉnh Hồ Bắc, đến nay đã làm ít nhất 805 người thiệt mạng với hơn 37.000 ca nhiễm trên toàn cầu, tập trung chủ yếu ở Trung Quốc đại lục.
Một trong hai quan chức là ông Trần Nhật Tân, tổng thư ký Ủy ban Chính Pháp Trung ương, người được xem là thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình. Việc chỉ định ông Trần là để tăng cường đội ngũ chống dịch ở tuyến đầu, theo báo Economic Daily.
Người còn lại là ông Vương Hạ Thắng, phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Ông Vương từng là lãnh đạo cơ quan tuyên truyền của thành phố Thiên Tân trong hai năm.
Thân tín của ông Tập
Theo ông Qin Qianhong, giảng viên luật tại Đại học Vũ Hán, kinh nghiệm về an ninh của ông Trần có thể giúp Bắc Kinh điều phối các nỗ lực chống dịch và đảm bảo sự ổn định của xã hội.
Ông Trần Nhất Tân được xem là thân tín của ông Tập. Ảnh: SCMP được cung cấp. |
"Cuộc chiến chống dịch hiện nay cần phối hợp nhiều hơn với lực lượng quân đội và cảnh sát, và nền tảng của ông Trần có thể có ích. Ông ấy cũng từng là bí thư đảng ủy (của Vũ Hán)", ông Qin nhận định.
"Lo lắng về ổn định xã hội cũng rất rõ ràng. Phản ứng từ phía bệnh nhân, gia đình họ và cuộc sống của những người bị ảnh hưởng bởi virus và việc phong tỏa thành phố đang tăng lên".
Ủy ban Chính Pháp Trung ương giám sát mọi cơ quan thực thi pháp luật ở Trung Quốc, bao gồm lực lượng cảnh sát, do đó có quyền lực rất lớn.
Ông Qin nói ông Trần nổi tiếng là người có tài ăn nói trước công chúng, cũng rất quyết đoán và năng động. Song ông đã không để lại nhiều thành tựu đáng nhớ ở Vũ Hán trong 2 năm làm bí thư.
Quá trình công tác của ông Trần cho thấy ông là một trong những thân tín lâu năm của Chủ tịch Tập và là chuyên gia về ổn định xã hội, theo South China Morning Post.
Ông Trần, 60 tuổi, đã có hơn 30 năm công tác tại tỉnh Chiết Giang, nơi ông Tập từng là tỉnh trưởng, sau đó là bí thư tỉnh ủy, từ năm 2002 đến năm 2007. Ông Trần lãnh đạo ban thư ký làm việc dưới quyền đội ngũ lãnh đạo tỉnh trong thời gian đó.
Năm 2015, ông Trần được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm chuyên trách Văn phòng Tổ lãnh đạo Cải cách Sâu sắc Toàn diện Trung ương, cơ quan đảng hàng đầu do ông Tập thành lập và lãnh đạo.
Sau đó, ông Trần có 2 năm làm bí thư Vũ Hán trước khi được bổ nhiệm vào Ủy ban Chính Pháp vào năm 2018.
Trong 2 năm qua, ông Trần nhiều lần nói việc nhu cầu đảm bảo an ninh chính trị, cũng như đối phó với những nguy cơ có thể gây tổn hại cho sự ổn định của xã hội.
Ổn định xã hội
Vai trò mới của ông được công bố sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng tại Vũ Hán, người đã bị công an địa phương triệu tập vì tiết lộ và cảnh báo bạn bè về sự nguy hiểm của "virus Vũ Hán" hồi cuối tháng 12.
Bác sĩ Lý nhiễm virus và cái chết của anh hôm 7/2 đã làm bùng phát sự giận dữ trên mạng xã hội Trung Quốc, kêu gọi trừng phạt những người đã tìm cách buộc anh phải im lặng.
Ngay trong buổi sáng sau sự ra đi của vị bác sĩ, Bắc Kinh đã cử đội ngũ từ Ủy ban Giám sát Quốc gia đến Vũ Hán để điều tra các vấn đề liên quan. Đội điều tra đã đến Vũ Hán hôm 8/2, theo truyền thông nhà nước.
Dịch bệnh xuất phát từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Trong tuần qua, Bắc Kinh đã tìm cách khống chế dịch bệnh cũng như làm dịu phản ứng của công chúng, vốn phần lớn nhằm vào giới lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc.
Hồi đầu tuần, ông Tập nói công tác phòng chống dịch bệnh không chỉ là vấn đề y tế, mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, xã hội của Trung Quốc.
Các nhà phân tích dự đoán chính quyền trung ương sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo trong những ngày tới để đảm bảo cuộc khủng hoảng không ảnh hưởng đến các mục tiêu chính sách của Bắc Kinh, bao gồm tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
"Song tác động kinh tế từ việc phong tỏa (thành phố) và các chính sách liên quan sẽ rất nghiêm trọng và đau đớn. Mức độ tồi tệ sẽ phụ thuộc vào việc các chính sách này sẽ được thực hiện trong bao lâu và nghiêm ngặt đến như thế nào", Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS ở London, nói.