Nụ hôn giúp Bạch Tuyết sống lại. Ảnh: Disney. |
Nụ hôn phá vỡ lời nguyền, nụ hôn biến người chết thành người sống, nụ hôn đã làm cho tình yêu cổ tích đích thực thăng hoa. Giờ đây khi nhớ đến những nụ hôn trong các câu chuyện cổ tích, mọi người nhanh chóng nhớ đến ba nụ hôn nổi tiếng nhất thế giới cổ tích: Hoàng tử Ếch, Bạch Tuyết và Công chúa ngủ trong rừng.
Như mọi câu chuyện cổ tích khác, ba câu chuyện này cũng có nhiều phiên bản. Disney và truyền thông càng làm cho các nụ hôn cổ tích trở nên phổ biến, khiến nhiều người nghĩ rằng mọi lời nguyền đều được phá vỡ bằng một nụ hôn. Trong một số câu chuyện cổ tích nụ hôn chẳng giúp ích được gì, bên cạnh đó là những tình tiết khác hẳn những gì chúng ta vẫn quen thuộc.
Bạch Tuyết thoát khỏi miếng táo độc nhờ người hầu
Chúng ta đều biết câu chuyện nàng Bạch Tuyết. Walt Disney đã làm cho nhiều thế hệ người xem tưởng rằng nụ hôn của hoàng tử đã giúp Bạch Tuyết sống lại. Ý tưởng ở đây rất rõ ràng: Nụ hôn của tình yêu đích thực đã đánh thức Bạch Tuyết”.
Nụ hôn trong phim của hoạt hình Walt Disney không có trong câu chuyện nguyên tác Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn của anh em nhà Grimm, và cách thức công chúa sống lại đã được anh em nhà Grimm sửa lại nhiều lần. Có nhiều khác biệt giữa câu chuyện nhà Grimm viết ra và xuất bản năm 1812 với câu chuyện được xuất bản vào năm 1857.
Như chúng ta đã biết chính quả táo độc của bà phù thủy đã giết chết Bạch Tuyết. Nàng chết, nhưng cơ thể vẫn chỉ như đang ngủ, các chú lùn thì chẳng biết phải làm cách nào để cứu cô. Thế là họ đặt cô ấy vào một quan tài thủy tinh và giữ nó trong nhà.
Cho đến khi có một hoàng tử tình cờ đi ngang nhìn thấy, chàng ngay lập tức yêu cô gái đã chết và cầu xin những chú lùn cho mình mang chiếc quan tài về hoàng cung.
Hoàng tử đã mang quan tài thủy tinh của Bạch Tuyết về lâu đài của mình, ngồi bên nó cả ngày, gần như không chịu rời mắt. Bất cứ khi nào chàng phải ra ngoài và không thể nhìn thấy Bạch Tuyết chàng trở nên buồn bã, không thiết ăn uống gì, trừ khi có quan tài thủy tinh bên cạnh. Và đi đâu thì đi, hoàng tử đều cho người hầu khiêng Bạch Tuyết theo mình.
Đi đến đâu phải khiêng theo Bạch Tuyết khiến những người hầu mệt mỏi. Một lần nọ, một người hầu mở quan tài, lôi Bạch Tuyết ra và nói: “Chúng tôi đã phải chịu đựng cả ngày dài, chỉ vì một cô gái đã chết”, rồi anh ta đánh bôm bốp vào lưng Bạch Tuyết để trút cơn giận. May sao, nhờ những cú đánh vào lưng, miếng táo độc khủng khiếp mà nàng đã nuốt văng ra khỏi cổ, Bạch Tuyết sống lại.
Trong phiên bản đã được anh em nhà Grimm sửa đổi năm 1857, Bạch Tuyết bị đánh thức khi một trong những người hầu khiêng quan tài vấp ngã, quan tài bị rung lắc, miếng táo độc đã văng ra khỏi miệng cô.
Hình ảnh trong phim The Princess And The Frog. Ảnh: Disney. |
Công chúa không hôn hoàng tử Ếch
Hoàng tử Ếch lại là một câu chuyện khác. Một hoàng tử bị nguyền rủa biến thành ếch, công chúa thương hại trao cho ếch một nụ hôn. Ếch biến thành hoàng tử đẹp trai, công chúa và hoàng tử sống hạnh phúc trọn đời.
Đấy là câu chuyện mà chúng ta nghĩ đến, nhưng nguyên bản chưa hẳn đã thế. Trong truyện The Frog King or the Iron Henry của anh em Grimm viết lần đầu, cô công chúa trong câu chuyện khá hư hỏng, cô đánh rơi quả bóng vàng trong hồ và một con ếch đề nghị sẽ lấy lại bóng cho cô. Đổi lại, cô sẽ phải xem ếch như một người bạn chơi cùng, cho ếch ở bên cạnh, ăn trên đĩa vàng của cô, uống nước từ cốc của cô và ngủ chung giường với cô.
Công chúa chấp nhận lời đề nghị này, nhưng ngay sau khi lấy lại quả bóng, cô đi về, bỏ mặc con ếch. Nhưng ếch xuất hiện ở cửa, nhắc nhở cô về lời hứa của mình.
Vua cha răn dạy con gái phải giữ lời hứa của mình, ông khuyên nhủ: “Không nên khinh thường người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn”.
Công chúa vâng lời, nhưng rất bực bội về việc phải mang con ếch đi khắp nơi, cho ếch ăn cùng bàn. Khi đến giờ đi ngủ, cô đặt con ếch vào một góc và leo lên giường ngủ một mình. Khi ếch nhảy đến và nhắc nhở công chúa về lời hứa của mình “nếu không cho ngủ cùng sẽ mách cha của cô”. Công chúa nổi cơn tức giận, túm lấy con ếch và dùng sức ném mạnh con ếch vào tường.
Nhưng khi rơi xuống, ếch đã biến thành một chàng hoàng tử với đôi mắt đẹp thân thiện. Đó là cách lời nguyền bị xóa bỏ, nhưng các phiên bản sau này đã được sửa đổi để cô công chúa trao một nụ hôn cho hoàng tử ếch.
Hình ảnh trong phim Sleeping Beauty. Ảnh: Disney. |
Sự thức tỉnh của Người đẹp ngủ trong rừng
Trước khi có Người đẹp ngủ trong rừng của anh em nhà Grimm, từng có vài phiên bản người đẹp ngủ trong rừng khác được xuất bản và không phiên bản nào có nụ hôn đánh thức.
Phiên bản sớm nhất từng được biết đến của câu chuyện này là trong Perceforest sáng tác từ khoảng năm 1330 đến năm 1344. Câu chuyện được Giambattista Basile xuất bản lần đầu trong tuyển tập truyện có tựa đề The Pentamerone, xuất bản năm 1634, câu chuyện không là “công chúa ngủ trong rừng” mà là Sun, Moon, và Talia trong đó Talia là tên công chúa, còn Sun và Moon là tên hai người con của công chúa.
Sau đó Charles Perrault dựa trên phiên bản của Basile đã viết Người đẹp ngủ trong rừng, xuất bản năm 1697. Phiên bản của anh em nhà Grimm là Little Briar Rose, câu chuyện được nhà Grimm sưu tầm và in là một phiên bản truyền miệng dựa trên câu chuyện của Perrault.
Phần đầu của các phiên bản, câu chuyện đa số giống nhau, nhưng ta hãy xét từ lúc công chúa ngủ trong rừng và cách người đẹp được đánh thức. Trong Sun, Moon, và Talia, có một vị vua đi vào rừng, lạc vào lâu đài, anh trông thấy cô ngủ, nhưng gọi kiểu gì cô cũng không tỉnh, khi nhìn thấy cô gái quyến rũ, anh “cảm thấy dòng máu của mình nóng ran trong huyết quản. Anh bế cô trên tay và bế cô lên giường, hái những trái ngọt đầu tiên của tình yêu”.
Chín tháng sau, Talia đã sinh hai đứa con, một trai và một gái. Khi hai đứa trẻ con đói, chúng bắt đầu mút ngón tay của Talia, và mút nhiều đến mức mảnh lanh bắn ra. Talia thức dậy như thể sau một giấc ngủ dài. Câu chuyện sau đó là cả nhà bốn người sống hạnh phúc bên nhau.
Còn phiên bản người đẹp ngủ trong rừng của Charles Perrault lại khác biệt một chút. Hoàng tử đi vào lâu đài, chỉ cần quỳ gối xuống trước giường thì công chúa đã tỉnh.
Ai lại thức chỉ vì tiếng động của việc quỳ gối chứ? Anh em nhà Grimm có lẽ thấy việc quỳ này không hợp lý lắm. Thế là chúng ta có câu chuyện cổ tích Grimm, hoàng tử quỳ xuống và hôn công chúa, nàng tỉnh lại, cả lâu đài cũng thức tỉnh, mọi người làm tiếp công việc của mình, còn hoàng tử và công chúa thì sống hạnh phúc trọn đời.
Trong thế giới thực, không có nụ hôn phá vỡ lời nguyền, cũng chẳng có phép thuật xảy đến nhưng cuộc sống vẫn luôn có nhiều điều kỳ diệu. Như Charles Dickens từng nói: “Trong thời đại thực dụng, điều cốt yếu là những câu chuyện cổ tích cần được tôn trọng”.
Truyện cổ tích giúp người ta tin rằng hãy luôn làm việc tốt rồi bạn sẽ được đền đáp, luôn có một bà tiên tốt bụng ở ngoài đó đang dõi theo, giúp người ta vượt qua những khó khăn. Khi thế giới là một mớ bòng bong, người ta có thể hòa mình vào những câu chuyện cổ tích, những kết thúc có hậu sẽ góp phần giúp nhận thức của chúng ta được định hình và sống tốt hơn.