Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Họa sĩ Việt phóng tác truyện cổ tích kinh dị

"Cây bách xù" là tiểu thuyết đồ họa của họa sĩ sinh năm 1999, lấy cảm hứng từ truyện cổ Grimm và phóng tác theo hướng kinh dị.

Tốt nghiệp ngành đồ họa Đại học Kiến trúc TP.HCM, hiện làm việc trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Phan Hữu Khánh tận dụng thời gian rảnh để sáng tác truyện kinh dị kể bằng tranh. Tác phẩm của anh mang tên Cây bách xù, dựa theo truyện cổ tích cùng tên của anh em nhà Grimm.

Cây bách xù là ấn phẩm dành cho tuổi 16+, được phóng tác dưới hình thức graphic novel (tiểu thuyết đồ họa) độc đáo và sống động. Họa sĩ trẻ sinh năm 1999 đã sử dụng cách kể chuyện dồn dập, gay cấn, sử dụng nhiều tình tiết thắt mở, gợi sự tò mò từ độc giả.

Kết hợp cổ tích và kinh dị

Trả lời Zing, họa sĩ Phan Hữu Khánh chia sẻ: “Cá nhân mình thích những thứ hoài cổ, mang tính kỳ ảo, nên mình thích truyện cổ Grimm”.

Tieu thuyet do hoa "Cay bach xu" anh 1

Cây bách xù lấy cảm hứng từ truyện cổ Grimm và phóng tác theo hướng kinh dị. Ảnh: Kim Đồng

Các câu chuyện của anh em nhà Grimm sở hữu nhiều dị bản có phần tăm tối, nhiều người nhận xét là “không phù hợp với trẻ em”. Cây bách xù được mệnh danh là câu chuyện có nhiều tình tiết tàn độc, bạo lực nhất trong kho tàng truyện cổ Grimm.

Chuyện kể về một cậu bé bị mẹ ghẻ sát hại dã man, sau khi chết, cậu hóa thành một con chim và quay lại báo thù, vạch mặt người mẹ ghẻ độc ác. Nhiều dị bản được lan truyền, với những yếu tố rùng rợn như "giết hại trẻ nhỏ", "ăn thịt người", hay cả "chặt đầu".

Họa sĩ Phan Hữu Khánh cho rằng truyện cổ Grimm được kể từ xưa và đã quen thuộc với mọi người. Bằng cách tiếp cận theo hướng kinh dị, anh muốn tạo ra một cái nhìn vừa quen thuộc, lại vừa mới lạ.

Hữu Khánh cho biết hồi học đại học, anh cũng đã thực hiện nhiều dự án có tính kinh dị. Nhận thấy đây là sở trường của mình. Anh quyết định thử sức với Cây bách xù.

Tiểu thuyết đồ họa vốn là thể loại tiểu thuyết / truyện dài được kể dưới hình thức truyện tranh. Ở Việt Nam, đây vẫn là một thể loại còn khá mới mẻ. Chính vì lẽ này, Phan Hữu Khánh lựa chọn sáng tác tiểu thuyết đồ họa, để thử sức ở một lĩnh vực còn nhiều khoảng trống.

Bên cạnh đó, khi học đại học, anh cũng được các thầy cô giới thiệu cho loại hình tiểu thuyết này, được xem nhiều triển lãm, tiếp xúc với các tiểu thuyết đồ họa của nước ngoài và cảm thấy hứng thú.

Loại hình tiểu thuyết này tạo điều kiện cho người họa sĩ trực tiếp vẽ nên không gian câu chuyện. Phan Hữu Khánh sử dụng màu tranh u tối và mờ ảo, tạo cảm giác nửa thực nửa mơ. Hiệu ứng chữ tả thanh cũng được làm mờ, khiến độc giả không thể phân định rõ đấy là âm thanh thực hay ảo.

Bầu không khí quỷ dị một cách trực quan này chỉ gợi lên được qua hình thức graphic novel.

Tieu thuyet do hoa "Cay bach xu" anh 2

Các nhân vật trong phim của Tim Burton. Ảnh: Freaked.

Phong cách ma mị lấy cảm hứng từ Tim Burton

Bàn về phong cách đồ họa, Phan Hữu Khánh cho biết có hai người mà anh thấy “bị ảnh hưởng sâu sắc nhất”, đó là Tim Burton và Benjamin Lacombe.

Anh cho biết bộ phim đầu tiên của Tim Burton anh xem được là Nightmare before Christmas (Ác mộng trước Giáng Sinh). “Hồi nhỏ xem thì có hơi sợ, nhưng cũng ấn tượng với tạo hình các nhân vật. Không hiểu vì sao cái lối đồ họa ấy lại làm cho một đứa trẻ con như mình khi ấy hứng thú”, Phan Hữu Khánh chia sẻ.

Sau đó, anh có xem thêm các tác phẩm hoạt hình khác của Tim Burton như Frankenweenie (Chú chó ma) hay Corpse bride (Cô dâu ma). Anh say mê phong cách và tạo hình của các nhân vật.

Một họa sĩ thần tượng khác của anh là Benjamin Lacombe. Phan Hữu Khánh kể có lần, thầy giáo ở trường đại học cho anh xem một cuốn sách của họa sĩ này, anh thấy rất ấn tượng với phong cách và nét vẽ.

Benjamin Lacombe là một họa sĩ kiêm tiểu thuyết gia đồ họa người Pháp nổi tiếng với nét vẽ ma mị. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông là Frida, OndineLes amants papillons. Ông cũng từng vẽ minh họa tác phẩm Bạch Tuyết, dựa trên truyện cổ của anh em Grimm.

Cũng như các tác phẩm của Tim Burton và Benjamin Lacombe, họa sĩ trẻ Phan Hữu Khánh hướng Cây bách xù tới bầu không khí kỳ ảo pha chút rùng rợn, tạo nên điểm nhấn riêng.

Tieu thuyet do hoa "Cay bach xu" anh 3

Phan Hữu Khánh (1999) là một trong những họa sĩ tiên phong sáng tác graphic novel tại Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Chị Thùy Dung (biên tập viên mỹ thuật Nhà xuất bản Kim Đồng) chia sẻ: "Lần đầu nhìn thấy bản thảo Cây bách xù, tôi đã muốn được cầm trên tay bản in cuối cùng. Đây là một tác phẩm mà tôi ấn tượng. Vốn dĩ bản thân tôi đã yêu thích truyện cổ, nhưng sách cổ tích vui vẻ thì đã quá nhiều, còn Cây bách xù có thế mạnh độc đáo là hình thức graphic novel mới lạ so với các ấn bản khác trên thị trường".

Phan Hữu Khánh cho biết công việc thiết kế lấy mất 8 tiếng trong ngày của anh. Họa sĩ chỉ có thể dành thời gian buổi tối và cuối tuần để sáng tác.

Phan Hữu Khánh luôn muốn dành thời gian phát triển nghệ thuật riêng. Họa sĩ cho biết nếu Cây bách xù được đón nhận tốt, anh có ý tưởng phát triển một vũ trụ tác phẩm dựa trên truyện cổ Grimm. Anh tin rằng trong tương lai, tiểu thuyết đồ họa ở Việt Nam có triển vọng lớn. Cây bách xù chính là một bước đi táo bạo của anh, thử nghiệm với một thể loại còn nhiều lạ lẫm.

‘Truyện cổ Grimm’ không chỉ dành cho trẻ em

“Truyện cổ Grimm” với 215 truyện mới được phát hành tiếng Việt, mang tới nhiều điểm mới về ấn phẩm tưởng chừng đã quá quen thuộc với bạn đọc.

Nguyên bản gây tranh cãi của 9 truyện cổ tích

Khác với những phiên bản hiện đại, hầu hết truyện cổ tích trước đây chứa yếu tố kinh dị, gây tranh cãi và được cho là không phù hợp trẻ em.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm