Người thổi sáo thành Hamelin: Trong nguyên tác, sau khi giải cứu ngôi làng khỏi sự tấn công của lũ chuột, chàng trai thổi sáo bị từ chối trả tiền thù lao như đã hứa. Để trả thù, anh ta dùng cây sáo dụ dỗ toàn bộ lũ trẻ của ngôi làng bỏ đi vào một hang động. Sau đó dân làng đã cầu xin và trả đủ số tiền còn thiếu để chàng trai thổi sáo cho những đứa trẻ trở về. Ảnh: Kate Greenaway. |
Người đẹp và quái vật: Nhà văn Jeanne-Marie Leprince de Beaumont đã viết lại câu chuyện của nàng Belle và quái vật với kết thúc có hậu. Thế nhưng, trong những phiên bản ban đầu, nguyên nhân hoàng tử biến thành quái vật là hai chị gái của Belle hãm hại. Thậm chí, Belle cùng quái vật còn nhiều lần bị dân làng săn đuổi. Quái vật phải đánh đổi sự khỏe mạnh, tràn đầy sức sống để có thể trở lại làm người. Ảnh: Warwick Goble. |
Nàng bạch Tuyết và 7 chú lùn: Trước khi câu chuyện này trở thành kinh điển, rất nhiều chi tiết được cho là không phù hợp của phiên bản gốc đã được hãng Walt Disney lược bỏ. Theo nguyên bản của anh em nhà Grimm, hoàng hậu hãm hại Bạch Tuyết 3 lần bằng cách lần lượt gửi cho nàng một chiếc áo mặc vào không thở được, một cái lược sắc nhọn và cuối cùng là quả táo tẩm độc. Tuy nhiên, vì độc ác, hoàng hậu phải trải qua kết cục đau khổ là nhảy múa với đôi giày sắt nung đỏ. Ảnh: Franz Jüttner Schneewittchen. |
Công chúa ngủ trong rừng: Cốt truyện phổ biến của Công chúa ngủ trong rừng là nàng sẽ được đánh thức bởi nụ hôn của hoàng tử. Thế nhưng, bản gốc của câu chuyện lại không ngọt ngào như vậy. Một vị vua đem lòng yêu công chúa và có với nàng hai đứa con. Mẹ của nhà vua lại cho rằng hai đứa trẻ mang điềm gở nên không muốn đón về. Sau này, nhà vua cứu được công chúa và đón cả ba mẹ con về hoàng cung. Ảnh: Viktor Vasnetsov. |
Nàng tiên cá: Trong phim hoạt hình của Disney, nàng tiên cá Ariel đã theo đuổi và tìm thấy hạnh phúc bên cạnh hoàng tử. Thế nhưng, trong phiên bản mà nhà văn Hans Christian Andersen kể, hoàng tử không nhận ra người đã cứu mình, lựa chọn kết hôn với công chúa láng giềng. Còn Ariel thì tuyệt vọng và tan thành bọt biển. Nàng tiên cá cũng được xem là bức thư tình tuyệt vọng Andersen viết cho mối tình của mình và chàng trai trẻ Edvard Collin. Ảnh: Edmund Dulac. |
Cô bé quàng khăn đỏ: Phiên bản mà hầu hết đều quen thuộc là cô bé được thợ săn cứu, con sói bị giết. Tuy nhiên, trong bản tiếng Pháp ban đầu của nhà văn Charles Perrault, người thợ săn không hề xuất hiện. Cô bé quàng khăn đỏ gặp sói trên đường đến thăm bà và trải qua hoàn cảnh khó khăn. Câu chuyện nhắc nhở trẻ em không nên nói chuyện với người lạ. Ảnh: Gustave Doré. |
Công chúa tóc mây: Chuyện tình của nàng Rapunzel vốn không có kết thúc êm đẹp như trên phim hoạt hình của “nhà Chuột”. Công chúa tóc mây, trong những phiên bản đầu tiên, bị mụ phù thủy cắt tóc, ném vào rừng sau khi phát hiện cô lén lút yêu hoàng tử. Hoàng tử bị mù vì ngã vào bụi cây có gai. Thậm chí, có dị bản hoàng tử sau đó bỏ mặc Rapunzel để cưới công chúa giàu có nước láng giềng. Ảnh: Ksenia Kareva. |
Cinderella: Dù trong phiên bản gốc hay hiện đại, hoàng tử và Cinderella vẫn hạnh phúc bên nhau. Tuy nhiên, anh em nhà Grimm lại cho hai chị của Lọ Lem có kết thúc bi thảm. Để đánh lừa hoàng tử, dì ghẻ bắt hai con mình cắt bớt gót chân để đi vừa chiếc giày thủy tinh. Nhờ chim bồ câu, hoàng tử nhận ra sự thật và đón Lọ Lem về cung. Ảnh: Alexander Zick. |
Chú bé người gỗ Pinocchio: Pinocchio của phiên bản gốc do nhà văn người Italy Carlo Collodi sáng tạo, là cậu bé ngỗ nghịch, thích bịa chuyện và nói dối khiến người cha đã cứu mình phải ngồi tù. Thậm chí, tác giả còn để Pinocchio gặp không ít rắc rối như bị bỏ đói, đánh đòn. Tuy nhiên, vì nhiều chi tiết không phù hợp trẻ em, hãng Walt Disney sửa lại phần lớn cốt truyện để đưa lên màn ảnh. Ảnh: Diane Goode. |