Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điều ít biết về ông vua truyện cổ tích Andersen

Thế giới cổ tích của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen hấp dẫn trẻ em hàng trăm năm. Ít ai biết ông vua chuyện cổ tích có những thói quen và nỗi sợ kỳ lạ.

Nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen (1805-1875) bước vào thế giới cổ tích bằng những tác phẩm kinh điển như: Cô bé bán diêm, Vịt con xấu xí, Công chúa và hạt đậu, Nàng tiên cá…

Trong quá khứ, Andersen từng trải qua khoảng thời gian khó khăn, chật vật kiếm sống. Các tác phẩm dân gian được nghe từ khi còn nhỏ đã nuôi dưỡng tâm hồn, giúp ông biến nỗi đau thành nghệ thuật và trở thành ông vua chuyện cổ tích thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về cuộc đời của Andersen.

Ong vua co tich Andersen anh 1

Chân dung nhà văn Hans Christian Andersen (1805-1875). Nguồn: Christian Albrecht Jensen.

Thời thơ ấu khốn khó

Andersen sinh ra ở Odense, Đan Mạch - vùng đất của nhiều quý tộc. Ông từng có cuộc sống bình dân và giản dị cùng gia đình. Cha ông là thợ đóng giày, mẹ là thợ giặt mù chữ. Từ nhỏ, Andersen không có bạn bè và thường xuyên bị trêu chọc.

Là người lao động chân tay vất vả, cha của ông dành nhiều thời gian để đọc sách và lưu giữ nhiều cuốn sách văn học quý giá. Cha của Andersen còn dạy ông cách quan sát cảnh vật và hình tượng xung quanh bằng cách ra đường xem những người thợ làm việc chăm chỉ, những ông cụ, quý tộc ngồi trong xe ngựa.

Năm 11 tuổi, cha ông qua đời, Andersen phải đi làm thuê nuôi mẹ. Cũng trong khoảng thời gian này, ông bắt đầu đọc những tác phẩm mà cha để lại trên giá sách. Ở tuổi niên thiếu, ông đọc các vở kịch của William Shakepeare và Ludvig Holberg.

Tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những cuốn sách và câu chuyện dân gian được truyền miệng ở thị trấn nhỏ, dòng suối cổ tích bắt đầu khơi nguồn trong suy nghĩ của Andersen. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó cùng ý chí sắt đá càng khiến ông nỗ lực quyết tâm vươn mình trong xã hội.

Một số truyện cổ tích của Andersen là tự truyện

Mentalfloss cho hay nhiều học giả nghiên cứu về truyện cổ Andersen, nhận thấy câu chuyện Con vịt xấu xí đã phản ánh cảm giác bị xa lánh và cô lập của tác giả khi còn nhỏ.

Thuở thơ ấu, Andersen thường bị trêu trọc vì ngoại hình và giọng nói cao vút. Sau này, nhớ lại cảm giác cô đơn và buồn bã, tác giả người Đan Mạch đã viết câu chuyện về cậu bé tên Hans bị chọc cười khi còn nhỏ.

Giống như con vịt xấu xí trong tác phẩm cùng tên, Andersen trở thành nhà văn nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng, lột xác thành “con thiên nga” đầy kiêu hãnh. Trong cuốn The Annotated Hans Christian Andersen (Tạm dịch: Chú thích của Hans Christian Andersen, Maria Tatar dịch), bản thân nhà văn cũng từng thừa nhận Con vịt xấu xí phản ánh cuộc sống của ông.

Nhà phê bình văn học Paul Binding, trong cuốn sách nghiên cứu về Andersen, cũng đưa những dẫn chứng cho thấy nhà văn đặt các nhân vật vào tình huống tuyệt vọng như một cách để phản ánh tổn thương của chính mình. Cụ thể, mất cha, nghèo khó và phải làm việc trong nhà máy năm 11 tuổi để nuôi mẹ, là những điểm trùng khớp cuộc đời của nhà văn người Đan Mạch.

Trả lời phỏng vấn Guardian, nhà phê bình Paul cũng khẳng định rằng một số câu chuyện nổi tiếng của Andersen như Vịt con xấu xí, Chú lính chì dũng cảm, thậm chí là Nàng tiên cá phản ánh nội tâm của Andersen nhưng nó đã vượt qua tính cá nhân trong ngôn ngữ, khả năng quan sát và cấu trúc tác phẩm, để mang đến sự phổ quát, chạm đến trái tim nhiều độc giả.

Ong vua co tich Andersen anh 2

Nàng tiên cá của Andersen đã được biến thể khi Disney dựng thành phim hoạt hình. Ảnh: Deadline.

Andersen từng là biểu tượng của sự kỳ quặc

Nhà văn người Đan Mạch có rất nhiều nỗi ám ảnh. Một trong số đó là ông sợ chó và không ăn thịt lợn vì lo lắng bị nhiễm giun sán.

Ngoài ra, ông hoàng truyện cổ tích còn luôn mang theo bên mình sợi dây dài trong hành lý khi đi du lịch để thoát thân, phòng khi có hỏa hoạn.

Theo nhà viết tiểu sử Jackie Wullschlager, Andersen thậm chí còn sợ rằng mình có thể bị ban tội chết và chôn sống chẳng rõ lý do. Do đó, trước khi đi ngủ, ông thường để lại ghi chú như một dạng di thư, nếu chẳng may mình qua đời.

Theo UNESCO, Hans Christian Andersen là nhà văn có tác phẩm được dịch nhiều thứ tám trên thế giới. Các tác phẩm của ông được dịch ra 125 ngôn ngữ khác nhau nhưng không phải tất cả chuyển ngữ đều đảm bảo được ý nghĩa câu chuyện gốc mà nhà văn người Đan Mạch muốn kể.

Cụ thể, cuốn The Story of Hans Christian Andersen (tác giả Diana Crone Frank, Jeffrey Frank) có những bản dịch tồi của người Hồi giáo đã “xóa sổ” câu chuyện gốc. Kết quả là danh tiếng của Andersen tại một số quốc gia không phải là thiên tài, mà là biểu tượng cho nhà văn kỳ quặc của thế kỷ XIX.

Ong vua co tich Andersen anh 3

Tượng Hans Christian Andersen ở Rosenborg Castle Gardens, Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Unsplash.

Bản gốc Nàng tiên cá không giống phiên bản của Disney

Câu chuyện Nàng tiên cá mà Andersen sáng tác năm 1837 ban đầu có nội dung u ám và đen tối hơn nhiều so với bản chuyển thể của Disney.

Ở bản gốc, nàng tiên cá, sau khi hy sinh giọng hát và tiếng nói đổi lấy đôi chân, nhưng không có được tình cảm của hoàng tử. Quá đau khổ vì người mình yêu cưới cô gái khác, nàng định giết anh ta.

Nhưng sau đó, nàng quyết định chấp nhận số phận và gieo mình xuống biển. Linh hồn của nàng được giúp đỡ lên thiên đàng nếu làm việc thiện trong vòng 300 năm.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những đóng góp và tài năng của Andersen dành cho thế giới truyện cổ tích thiếu nhi. Với chính phủ Đan Mạch, ông là "kho báu quốc gia". Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Andersen, nước này cho xây dựng bức tượng đặt trong khu vườn của nhà vua ở Cophenhagen.

Hans Christian Andersen là nhà văn thiếu nhi nổi tiếng người Đan Mạch. Gia tài truyện kể của ông có tới hàng trăm tác phẩm như: Con vịt xấu xí, Nàng tiên cá, Cô bé bán diêm, Chú lính chì dũng cảm, Đôi giày màu đỏ, Chiếc va-li bay, Thiên thần, Chim phượng hoàng, Cây lanh, Sao chổi, Chim họa mi, Vườn địa đàng, Bà chúa tuyết, Người tuyết, Con bướm, Hai anh em, Cối xay gió…

Chúng ta học được gì từ thói quen của những nhà văn nổi tiếng?

Haruki Murakami hay Ernest Hemingway đều thức dậy từ rất sớm để bắt đầu một ngày làm việc. Trong khi đó, Kurt Vonnegut rèn luyện thể chất bằng việc chống đẩy thường xuyên.

Nhan Nhan

Bạn có thể quan tâm