Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chúng ta học được gì từ thói quen của những nhà văn nổi tiếng?

Haruki Murakami hay Ernest Hemingway đều thức dậy từ rất sớm để bắt đầu một ngày làm việc. Trong khi đó, Kurt Vonnegut rèn luyện thể chất bằng việc chống đẩy thường xuyên.

Không phải lúc nào ý tưởng cũng tràn ngập trong bộ óc của các nhà văn vĩ đại. Để làm việc hiệu quả, cho ra đời những áng văn chương kiệt xuất, các tác gia nổi tiếng đều đặt ra cho mình quy định, thời gian biểu hợp lý, khoa học.

Haruki Murakami chạy bộ và đọc sách hàng ngày

Trong một cuộc phỏng vấn trên Paris Review, Haruki Murakami chia sẻ về thời gian biểu của ông khi ở “chế độ viết”.

Cha đẻ của Rừng Nauy, 1Q84, Biên niên ký chim vặn dây cót… thường thức dậy từ 4h sáng và làm việc liên tục trong 5-6 tiếng đồng hồ.

Buổi chiều, ông chạy 10 km hoặc bơi 1,5 km, đôi khi là cả hai. Sau đó, Haruki Murakami đọc sách, nghe nhạc nhẹ và lên giường đi ngủ lúc 21h hàng ngày.

“Tôi giữ thói quen đọc sách đều đặn. Sự lặp lại hàng ngày trở thành điều quan trọng. Nó là một hình thức của sự mê hoặc, giúp tôi đạt đến trạng thái sâu sắc hơn trong tâm trí”, nhà văn người Nhật Bản nói.

Ông cũng cho rằng để duy trì sự lặp lại như vậy trong 6 tháng đến 1 năm đòi hỏi một sức mạnh tinh thần và thể chất tốt. Viết một cuốn tiểu thuyết dài cũng như đào tạo sinh tồn. Sức mạnh thể chất là điều cần thiết, giống như sự nhạy cảm nghệ thuật.

Thoi quen cua nhung nha van noi tieng anh 1

Haruki Murakami - nhà văn 70 tuổi giữ thói quen chạy 10 km/ngày. Ảnh: Guardian.

Ernest Hemingway quen viết sách từ sáng sớm

Tiểu thuyết gia người Mỹ tiết lộ thói quen hàng ngày của mình trong bài phỏng vấn với George Plimpton năm 1958 rằng ông thường thức dậy từ rất sớm, viết tác phẩm của mình ngay khi bình minh vừa ló rạng.

“Không ai làm phiền bạn. Không khí mát mẻ hay lạnh lẽo đều dừng chân sau cánh cửa khi bạn viết những trang sách. Bạn đọc lại điều mình viết, cảm giác ấm áp dâng lên”, ông nói.

Những ngày làm việc của Hemingway bắt đầu từ 6h, thường kéo dài đến quá trưa hoặc thậm chí lâu hơn thế. Ông say mê trong những áng văn chương, thỉnh thoảng nhấm nháp vài ly nước trái cây và thưởng thức các tình tiết truyện mà mình tâm đắc.

Mỗi khi viết một tác phẩm, Hemingway miêu tả “giống như làm tình với người mình yêu”, luôn tràn ngập cảm xúc. Và ông đắm chìm trong những xúc cảm đó, khó lòng dứt ra để nghỉ ngơi. Mỗi giây phút chờ đến ngày hôm sau là thời gian nhà văn háo hức mong đợi.

Chính sự say mê đó đã giúp cho ông tạo nên những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ. Gia tài mà Ernest Hemingway để lại vẫn khiến nhiều thế hệ độc giả thổn thức như: Ông già và biển cả, Vườn địa đàng, Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai…

Năm 1953, ông được trao tặng giải Pulitzer (với tác phẩm Ông già và biển cả). Một năm sau, tiểu thuyết gia nhận giải Nobel Văn học cho những cống hiến trọn đời của ông.

Thoi quen cua nhung nha van noi tieng anh 2

Ernest Hemingway say mê viết những trang bản thảo. Ảnh: Business Insider.

E.B White thích viết lách trong phòng khách

Trong một cuộc phỏng vấn với Paris Review, E.B White - cha đẻ của loạt truyện thiếu nhi Charlotte và Wilbur, Nhắt Stuart - nói về thói quen viết lách đặc biệt của mình.

“Tôi không bao giờ nghe nhạc khi làm việc nhưng lại có thể tập trung tối đa ngay cả ở những nơi ồn ào nhất”, ông cho hay.

Tác giả truyện thiếu nhi được yêu thích cho biết thêm, căn phòng ông chọn để làm nơi viết sách là phòng khách.

“Nhà tôi có một phòng khách rộng, tràn ngập ánh sáng. Và ngay cả khi có lễ hội, tiệc tùng xung quanh, tôi vẫn có thể viết được”, ông nói.

E.B White tiết lộ, các thành viên trong nhà thường không quan tâm việc giữ yên lặng trong căn phòng này. Họ có thể làm bất kỳ điều gì, phát ra bất kỳ âm thanh nào mà họ muốn.

“Một nhà văn chờ đợi không gian lý tưởng để làm việc thì đến chết cũng chẳng viết được từ nào trên giấy”, E.B White bày tỏ quan điểm.

Kurt Vonnegut thường chống đẩy và vận động nhẹ

Năm 1965, Kurt Vonnegut viết lá thư cho vợ của mình, bà Jane, về những gì ông làm mỗi ngày. Sau này, lá thư được in trong cuốn sách Kurt Vonnegut: Letters (2014).

Tác giả của Slaughter-house five (tạm dịch: Lò sát sinh số 5) thường thức dậy lúc 5h30, làm việc liên tục không nghỉ tới 8h. Sau đó, ông ăn sáng tại nhà và tiếp tục làm việc đến 10h.

Để bộ não nghỉ ngơi, Kurt Vonnegut bắt tay vào làm vài việc vặt, đi đến bể bơi thành phố và vẫy vùng trong dòng nước mát khoảng nửa giờ. Đúng 11h45, ông có mặt tại nhà để đọc thư và ăn trưa.

Buổi chiều là khoảng thời gian Kurt Vonnegut dành cho việc dạy học. Cha đẻ của Mẹ Đêm, Chiếc nôi cho mèo con, Bữa sáng của các nhà vô địch… từng làm đủ nghề như biên tập viên, đại lý quảng cáo, phóng viên báo cảnh sát ở Chicago và đại diện thương mại của hãng xe hơi Thụy Điển “Saab”.

Trong đó, khoảng thời gian làm giáo viên tiếng Anh tại trường tư dành cho trẻ em chậm phát triển trí tuệ là những tháng ngày ông nhớ nhất.

Đến 17h30, sau khi tan lớp, ông “giã đông” khối óc bằng chút rượu, nhạc jazz và nấu bữa tối.

22h, nhà văn khép lại một ngày làm việc bận rộn. Theo tiết lộ của tiểu thuyết gia người Mỹ, ông thường tập chống đẩy và vận động nhẹ mỗi khi rảnh để rèn luyện cơ thể thêm dẻo dai.

Chúng ta học được gì từ những nhà văn nổi tiếng?

Luyện tập thể chất, chăm sóc sức khỏe tinh thần: Vonnegut chống đẩy mỗi ngày, Murakami chạy 10 km và bơi. AJ Jacobs viết lách ngay cả khi chạy trên máy. Dù làm điều gì cũng đừng quên rèn luyện thể chất để khỏe từ bên trong.

Làm việc quan trọng đầu tiên, tập trung vào buổi sáng: Những nhà văn nổi tiếng và thành công thường dậy vào sáng sớm và làm việc trong khung giờ này.

Buổi sáng cũng là thời gian làm việc hiệu quả nhất trong ngày. Nhiều nghiên cứu phát hiện người thức dậy sớm là người lập kế hoạch tốt hơn, không cảm thấy thiếu thời gian. Từ đó, giải quyết công việc một cách dễ dàng, khoa học.

Vượt qua khó khăn ban đầu để bước từng bước tới thành công: Không nhà văn nào đặt bút là viết nên những áng văn chương kiệt xuất.

Họ cần những mài giũa thời gian và sự bền bỉ để theo đuổi điều đó. Đừng nản chí khi vấp ngã bởi vượt qua nó, bạn sẽ tiến dần tới thành công.

Victor Hugo dạy chúng ta những gì về ‘căn bệnh’ trì hoãn?

Từ cổ chí kim, thói quen trì hoãn khiến không ít người mất cơ hội. Đại thi hào Victor Hugo đã buộc phải thay đổi thói quen để hoàn thành cuốn sách để đời.

Dao song va dao nghe phai hoa quyen voi nhau hinh anh

Đạo sống và đạo nghề phải hòa quyện với nhau

0

Rất hiếm ai có một cuộc sống hạnh phúc mà lại không hạnh phúc với việc mình làm. Nếu “đạo sống” và “đạo nghề” của một người không hòa quyện với nhau hay thậm chí trái ngược nhau thì người đó rất khó có được một cuộc sống hay cuộc đời trọn vẹn. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Co giao 'cham sach' hinh anh

Cô giáo 'chạm sách'

0

“Chạm sách” là hoạt động khuyến khích học sinh trường THPT Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long) đọc sách, yêu quý sách do thạc sĩ Văn học nước ngoài Trần Huỳnh Nhị chủ trương.

Nhan Nhan

Bạn có thể quan tâm