Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Victor Hugo dạy chúng ta những gì về ‘căn bệnh’ trì hoãn?

Từ cổ chí kim, thói quen trì hoãn khiến không ít người mất cơ hội. Đại thi hào Victor Hugo đã buộc phải thay đổi thói quen để hoàn thành cuốn sách để đời.

Zing trích dịch bài viết của James Clear - chuyên gia tâm lý học hành vi - đăng trên The Week. James Clear là tác giả cuốn sách Thay đổi tí hon - Hiệu quả bất ngờ.

Đây là tác phẩm nhiều lần đứng trong bảng xếp hạng sách được yêu thích của Wall Street Journal, USA Today, Publisher's Weekly… và nằm trong top 20 tựa sách non-fiction bán chạy nhất của Amazon suốt 40 tuần (tính đến tháng 9/2019).

Mùa hè năm 1830, Victor Hugo đối mặt hạn nộp bản thảo bất khả thi. Một năm trước, đại thi hào người Pháp thỏa thuận với nhà xuất bản rằng ông sẽ viết tác phẩm mới mang tên The Hunchback of Notre Dame (Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris).

Nhưng suốt một năm ròng, thay vì ngồi viết những trang sách, tác giả nổi tiếng theo đuổi các buổi tiệc tùng ngoại giao và công việc khác, trì hoãn nhiệm vụ sáng tác.

Điều đó khiến nhà xuất bản tỏ ra thất vọng, thậm chí khó chịu vì nhà văn liên tục trễ hẹn hết lần này đến lần khác.

Cuối cùng, họ yêu cầu Hugo hoàn thành bản thảo vào tháng 2/1831 - chỉ còn chưa đầy 6 tháng.

can benh tri hoan anh 1

"Căn bệnh" trì hoãn khiến Victor Hugo liên tục chần chừ hoàn thành tác phẩm Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris. Ảnh: Medium.

Để đánh bại sự trì hoãn, Victor Hugo gom toàn bộ quần áo ra khỏi phòng ngủ, giao cho người hầu. Trong hồi ký của vợ nhà văn, bà tiết lộ rằng ông chỉ mua một chiếc khăn choàng lớn màu xám, quấn quanh người.

Không có quần áo mặc, không thể ra ngoài, nhà văn không còn muốn rời khỏi nhà và bớt sự phân tâm. Việc chui vào chiếc khăn choàng cũng là cách để ông nhập vào thế giới tiểu thuyết mà mình tạo ra.

Chiến thuật của Victor Hugo đã có tác dụng. Ông chú tâm viết lách mỗi ngày, say mê trong những trang bản thảo. Nhà văn người Pháp sáng tác suốt mùa thu tới mùa đông năm 1830. Cuối cùng, The Hunchback of Notre Dame được xuất bản sớm hai tuần so với dự kiến, ngày 14/1/1831.

“Căn bệnh Akrasia” - hiệu ứng từ cổ chí kim

Nhân loại đã trì hoãn trong nhiều thế kỷ. Ngay cả những nghệ sĩ có năng lực sáng tác bền bỉ như Victor Hugo cũng không tránh khỏi xao nhãng vì những yếu tố của cuộc sống thường ngày.

Trên thực tế, đây là vấn đề không bao giờ chấm dứt, đến mức các nhà triết học Hy Lạp cổ đại như Socrates và Aristotle còn dùng một danh từ để diễn tả kiểu hành vi này - đó chính là Akrasia.

Akrasia là trạng thái con người bị thu hút vào một việc gì đó dù biết có việc khác cần phải làm. Một cách hiểu đơn giản, đây là sự trì hoãn hoặc thiếu tự chủ. Nó ngăn cản chúng ta theo đuổi đến cùng những gì mình đã đặt ra từ đầu.

Tại sao Victor Hugo cam kết viết một cuốn sách và sau đó bỏ ngỏ nó suốt năm ròng? Tại sao chúng ta lập kế hoạch, đặt thời hạn với các mục tiêu nhưng lại không thực hiện chúng?

Lời giải thích cho điều này đến từ thuật ngữ kinh tế học hành vi gọi là “sự không nhất quán về thời gian”. Tính không đồng nhất về thời gian đề cập xu hướng não bộ con người coi trọng phần thưởng trước mắt hơn giá trị đạt được trong tương lai.

Khi bạn lập kế hoạch cho bản thân - ví dụ như mục tiêu giảm cân hoặc viết sách, học ngoại ngữ - bạn đang lên kế hoạch cho tương lai của bản thân. Bạn hình dung về cuộc sống mà mình mong muốn ở phía trước. Và khi nghĩ về tương lai, não bộ dễ dàng bị thu hút bởi các giá trị đó.

Tuy nhiên, đến khi cần quyết định, bạn không còn đưa ra lựa chọn cho phiên bản tương lai của mình nữa. Bộ não bắt đầu trở về với thực tại, chỉ nghĩ về những gì đang diễn ra.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra, phiên bản ở thời điểm hiện tại thích những phần thưởng trước mắt, thay vì lợi ích lâu dài ở phía trước như chúng ta đã đặt ra, kỳ vọng.

Đó cũng là lý do bạn đi ngủ trong cảm xúc hưng phấn, tràn đầy động lực nhưng khi thức dậy, lại rơi vào khuôn mẫu cũ. Chính vì thế, khả năng chống lại cám dỗ của lợi ích trước mắt là yếu tố dự báo cho sự thành công trong cuộc sống. Nó sẽ giúp bạn thu hẹp khoảng cách giữa vị trí mình đang đứng và nơi bạn muốn đến, phiên bản bạn muốn trở thành.

can benh tri hoan anh 2

Trì hoãn, chần chừ với những kế hoạch đặt ra khiến chúng ta khó lòng đạt được mục tiêu. Ảnh minh họa: Pinterest.

"Liều thuốc" đánh bại sự trì hoãn

Dưới đây là 3 cách giảm trì hoãn mà tác giả James Clear giới thiệu cho độc giả:

- Lên kế hoạch hành động cho tương lai: Victor Hugo ném bỏ hết quần áo để tập trung cho viết lách. Ông tạo ra một thứ mà các nhà tâm lý học gọi là “chiến lược cam kết”.

Nó giúp cải thiện hành vi bằng cách gia tăng các trở ngại của hành vi xấu hoặc giảm mức nỗ lực cần bỏ ra để thực hiện hành vi tốt.

Bạn có thể hạn chế thói quen ăn uống trong tương lai bằng cách mua thực phẩm đã được phân chia trong các gói riêng lẻ, nhỏ thay vì gói lớn. Bạn có thể ngừng đốt thời gian trên điện thoại bằng cách xóa các trò chơi hoặc mạng xã hội.

- Giảm mâu thuẫn khi bắt tay vào làm: Cảm giác tội lỗi và thất vọng của việc trì hoãn thường tồi tệ hơn nỗi khổ khi thực hiện công việc. Vậy tại sao chúng ta chần chừ? Vì chướng ngại vật không nằm ở quá trình thực hiện mà ở thời điểm bắt đầu.

Người Việt thường có câu “đầu xuôi đuôi lọt”, hãy thu nhỏ mức độ của những thói quen xấu, tạo điều kiện cho mình thực hiện các thói quen khác một cách dễ dàng. Đừng vội nghĩ tới kết quả mà hãy duy trì thói quen trước.

- Sử dụng các ý định thực hiện: Ý định thực hiện là khi bạn nêu rõ thời điểm xác định trong tương lai. Ví dụ, “tôi sẽ tập thể dục ít nhất 30 phút vào (ngày tháng năm) tại (địa điểm)”.

Hàng trăm nghiên cứu thành công cho thấy ý định thực hiện tác động tích cực đến mọi thứ, từ thói quen tập thể dục đến tiêm phòng bệnh.

Bộ não của chúng ta thích phần thưởng ngay tức thì. Nó đơn giản chỉ là hệ quả của cách thức tâm trí chúng ta hoạt động.

Bên cạnh “Akrasia”, Aristotle còn đặt ra thuật ngữ "Enkrateia" - khả năng làm chủ chính mình. Hãy lập kế hoạch cho hành động, duy trì các thói quen tốt để chống lại sự trì hoãn, tiến gần hơn tới thành công của bạn.

Dan Brown treo ngược người, Victor Hugo khỏa thân để sáng tác

Cha đẻ của “Mật mã Da Vinci” xả stress bằng cách đầy đặc biệt – treo ngược người. Trong khi đó, Victor Hugo cởi bỏ toàn bộ quần áo và nhốt mình trong phòng để tập trung hơn.

Nhan Nhan

Bạn có thể quan tâm