Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

App gọi xe 'đua' chiêu mộ, giữ chân tài xế

Các app gọi xe, giao hàng đang đẩy mạnh mở rộng thị phần với hàng loạt dịch vụ mới. Một số ứng dụng cũng tăng cường chiêu mộ tài xế để bổ sung lực lượng hoạt động.

Việc di chuyển quãng đường dài với tần suất liên tục thường tiêu tốn nhiều sức lực của các tài xế công nghệ. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ không có nơi phù hợp để dừng chân. Thậm chí, không ít lao động chọn phương án nghỉ ngơi ngay trên vỉa hè, công viên nhằm tiết kiệm, hạn chế phát sinh chi phí.

Trước tình trạng này, ứng dụng gọi xe công nghệ Be đã quyết định triển khai 25 trạm dừng chân dành cho các tài xế tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM từ đầu tháng 10.

Khác với những hàng quán thông thường, những địa điểm này được trang bị đầy đủ tiện ích như sạc pin điện thoại, phòng tắm hay võng xếp. Ngoài ra, tài xế Be cũng có thể sử dụng một số dịch vụ như nước uống, đồ ăn với giá ưu đãi.

Chương trình mới được kỳ vọng tạo điều kiện giúp các tài xế hoạt động trong trạng thái và hiệu quả tốt nhất. Đây cũng là một trong những động thái mới nhất mà ứng dụng này đưa ra nhằm nâng cao chất lượng công việc và quyền lợi cho tài xế.

chinh sach ung dung be,  ung dung goi xe,  tai xe cong nghe,  sieu ung dung be anh 1

Các ứng dụng đang đẩy mạnh quyền lợi, chính sách thưởng để thu hút tài xế. Ảnh: Be.

Bổ sung lực lượng

Sau khi Gojek rời Việt Nam vào đầu tháng 9, thị trường xe công nghệ Việt Nam bắt đầu chứng kiến làn sóng “di cư” của hàng nghìn tài xế, chủ yếu qua các ứng dụng hàng đầu hiện nay như Be, Grab, ShopeeFood hay Xanh SM.

Theo tuyên bố của Gojek trước thời điểm dừng hoạt động, ứng dụng này có khoảng 200.000 đối tác tài xế tại Việt Nam. Trong mắt các đối thủ, lực lượng tài xế của Gojek là “nguồn tài nguyên” quan trọng giúp ứng dụng mở rộng quy mô cũng như thị phần.

Trong một khảo sát của công ty nghiên cứu Q&Me, 49% khách hàng lựa chọn ứng dụng gọi xe phù hợp dựa trên tốc độ tìm thấy tài xế. Yếu tố này thậm chí chi phối quyết định của người dùng Việt Nam nhiều hơn cả vấn đề khuyến mại hay giá thành giữa các ứng dụng.

Bên cạnh đó, độ phủ tài xế và thời gian chờ đợi cũng là khía cạnh được 1/4 người dùng quan tâm.

NHỮNG YẾU TỐ KHIẾN NGƯỜI DÙNG CÂN NHẮC LỰA CHỌN APP GỌI XE
Nguồn: Q&Me.
NhãnDễ dàng có xeKhuyến mại hấp dẫnGiá cả cạnh tranhĐộ phủ sóng tài xếThái độ tài xếThời gian chờ đợi nhanhGiá cả minh bạchỨng dụng dễ dùng
Yếu tố % 4941362727232222

Với lực lượng tài xế đông đảo, các ứng dụng có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng cả trong khung giờ cao điểm lẫn thấp điểm. Không chỉ có lợi thế giữ uy tín, trải nghiệm tốt với khách hàng, sự xuất hiện của các tài xế trên đường phố cũng giúp thương hiệu tăng độ nhận diện trên thị trường.

Để thu hút thêm tài xế, các ứng dụng gọi xe đang chạy đua tung ưu đãi dành cho đối tác mới cũng như nâng cao quyền lợi của đối tác cũ.

Điển hình trong tháng 9 vừa qua, ứng dụng Be đã tung loạt chương trình hỗ trợ cho tài xế mới. Trong đó, tài xế beCar mới kích hoạt tài khoản có cơ hội nhận thưởng nóng 100.000-500.000 đồng sau khi hoàn thành tương ứng 10-50 chuyến xe đầu tiên. Từ chuyến xe thứ 100, các lái xe thậm chí được hãng chia hoa hồng 10% cước phí chuyến đi.

Be còn tập trung phát triển mảng đặt đồ ăn trực tuyến beFood thông qua các chương trình thưởng dựa trên số lượng đơn hàng giao thành công, dao động 120.000-300.000 đồng.

Một năm trở lại đây, ứng dụng này liên tục đẩy mạnh mở rộng quy mô tài xế khi nhu cầu ngày càng gia tăng. Tính đến nay, hãng đã ghi nhận hơn 400.000 đối tác tài xế đăng ký qua nền tảng.

Ngoài các dịch vụ gọi xe công nghệ truyền thống, Be cũng hướng tới việc trở thành siêu ứng dụng thuần Việt kết hợp nhiều dịch vụ, tiện ích khác nhau như đặt vé (máy bay, tàu hỏa), bảo hiểm hay viễn thông.

Trong khi đó, Grab triển khai chương trình tặng đồng phục và chính sách thưởng riêng dành cho tài xế 2 bánh mới đăng ký. Hãng này cùng Be, Xanh SM trước đó cũng có chính sách thưởng "nóng" tiền mặt lên tới 300.000 đồng cho các tài xế giới thiệu đối tác mới.

Thu nhập từ các ứng dụng ra sao?

Hiện nay, thu nhập chính của các tài xế xe công nghệ đến từ 2 nguồn là hoa hồng từ các chuyến xe và phần thưởng hiệu suất. Để đảm bảo quyền lợi cho tài xế, các chính sách thưởng được các ứng dụng cập nhật thường xuyên.

Đối với dịch vụ 2 bánh, Be áp dụng chính sách thưởng hàng ngày dựa trên số điểm mà tài xế thu thập được. Tùy vào khung giờ, dịch vụ và khu vực hoạt động, số điểm có được từ mỗi chuyến xe lại khác nhau, thường là 2-4 điểm.

Ở thị trường Hà Nội, ứng dụng này chia làm 3 mốc thưởng cho tài xế 2 bánh là 30.000 - 130.000 - 230.000 đồng/ngày trong tuần và 40.000 - 140.000 - 250.000 đồng/ngày cuối tuần.

Các cuốc xe beBike từ Hà Nội đi tỉnh cũng sẽ được hãng thưởng thêm 10% cước phí.

Trong khi đó, tài xế 4 bánh có 3 mốc điểm thưởng với giá trị tối thiểu 60.000 đồng và tối đa là 600.000 đồng. Ước tính để đạt phần thưởng cao nhất, tài xế beCar cần hoàn thành khoảng 25 chuyến xe/ngày.

chinh sach ung dung be,  ung dung goi xe,  tai xe cong nghe,  sieu ung dung be anh 2

Các tài xế công nghệ 2 bánh có thể được thưởng tối đa trên 1,5 triệu đồng/tuần. Ảnh: Thạch Thảo.

Với Grab, ứng dụng này áp dụng chính sách thưởng tính theo tuần với tài xế 2 bánh với 2 mức là 120.000 đồng và 420.000 đồng. Bên cạnh đó, tài xế có thể nhận thêm 100.000 đồng/tuần nếu hoàn thành 35 chuyến xe trong tuần và 150.000 đồng/tuần nếu hoàn thành 60 chuyến.

Ngoài ra, dịch vụ giao đồ ăn và đi chợ hộ được thưởng 50.000 đồng và 200.000 đồng trong ngày hôm đó nếu hoàn thành lần lượt 20 và 35 chuyến.

Mặt khác, các tài xế GrabCar được chia 3 mốc thưởng là 50.000 - 100.000 - 335.000 đồng/ngày trong tuần và 60.000 - 155.000 - 540.000 đồng/ngày cuối tuần ứng với số điểm tích lũy.

Với Xanh SM, ứng dụng này có cơ chế thưởng tương đối khác biệt so với nhóm còn lại do chủ động về nguồn cung phương tiện.

Riêng các tài xế Xanh SM Bike được khoán doanh số tối thiểu 250.000 đồng/ngày. Trường hợp đối tác không đạt mức tối thiểu, công ty sẽ tiến hành thu 20% phần doanh số khoán chưa đạt bằng hình thức trừ ví tài xế hàng ngày.

Hiện tài xế Xanh SM Bike được hưởng 69,1% hoa hồng từ chuyến xe. Ngoài ra, tài xế tại khu vực Hà Nội có thể được thưởng 200.000-1,5 triệu đồng mỗi tuần sau khi tích lũy đủ số điểm. Để nhận được phần thưởng cao nhất, ước tính người lao dộng phải hoàn thành trên 160 chuyến xe trong tuần đó.

Xanh SM không công bố cụ thể chính sách thu nhập cho tài xế chạy dịch vụ taxi. Tuy nhiên, dựa trên chia sẻ của một số tài xế, hãng này áp dụng chính sách lương cứng kèm tiền thưởng hiệu suất và hoa hồng dao động 25-60%/tháng.

App gọi xe Việt muốn giành lại mảng giao đồ ăn

Các app gọi, đặt xe của Việt Nam như Be, Ahamove đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng giao đồ ăn. Đây vốn là lĩnh vực bị các app nước ngoài chi phối bấy lâu nay.

Gojek rời Việt Nam, Grab còn đối thủ nào?

Sau đợt xáo trộn này, chỉ còn các ứng dụng nội địa như Xanh SM, Be và các hãng taxi truyền thống trên cuộc đua với Grab.

Ai đủ sức chen chân giữa Grab và ShopeeFood ở mảng giao đồ ăn?

Thị trường giao đồ ăn vừa chứng kiến sự rời đi của Gojek hay trước đó là Baemin. Hiện không còn nhiều ứng dụng Việt có thể cạnh tranh với Grab hay ShopeeFood trên chính sân nhà.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm