“Trong trường hợp này, tòa án Anh cho rằng việc dẫn độ ông Assange sẽ không gây ra sự áp bức, bất công và không phải sự lạm dụng quy trình pháp lý”, Bộ Nội vụ Anh thông báo trong một tuyên bố, theo Reuters hôm 17/6.
“Và các tòa án Anh cũng không cho rằng việc dẫn độ sẽ đi ngược lại các quyền con người, bao gồm quyền được xét xử công bằng và quyền tự do biểu đạt. Đồng thời, họ cũng cho rằng khi ở Mỹ, ông Assange sẽ được đối xử đúng mực, có cân nhắc yếu tố sức khỏe”, tuyên bố viết.
Nhà sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange tại trung tâm London, Anh vào năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Ông Assange bị nhà chức trách Mỹ truy nã vì 18 tội danh, bao gồm tội gián điệp. Theo Washington, những tội danh này có liên quan tới việc WikiLeaks công khai lượng lớn tài liệu quân sự và điện tín mật của Mỹ, làm đe dọa tới tính mạng người khác.
Trong khi đó, người ủng hộ xem ông Assange là người hùng bị biến thành nạn nhân vì ông bóc trần những sai trái của Mỹ trong cuộc xung đột tại Afghanistan và Iraq. Họ cũng khẳng định việc ông bị truy tố là đòn tấn công nhắm vào báo chí và tự do ngôn luận.
Bộ Nội vụ Anh cho biết lệnh dẫn độ của ông Assange vẫn có thể được kháng cáo. WikiLeaks cho biết ông Assange sẽ thực hiện quyền này.
Quyết định của Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel không đồng nghĩa với cái kết cho cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn 10 năm của ông Assange.
Ông vẫn có thể đệ đơn kháng cáo lên Tòa Cấp cao London. Nếu yêu cầu này được tòa án phê chuẩn, ông Assange có thể kháng cáo lên Tòa Tối cao Vương quốc Anh. Nhưng nếu yêu cầu bị bác bỏ, ông sẽ bị dẫn độ trong vòng 28 ngày.
Trước đó, một thẩm phán Anh ra phán quyết bác lệnh dẫn độ vì ông Assange, người mang bệnh tâm lý, có rủi ro tự sát nếu bị kết án và giam giữ trong nhà tù an ninh tối đa.
Nhưng phán quyết trên đã bị lật ngược sau khi phía Mỹ đưa ra một loạt đảm bảo, bao gồm lời cam kết ông Assange có thể được di lý tới Australia để chấp hành án tù.