Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ấn Độ 'sốt' bất động sản xa xỉ

Bất chấp suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản cao cấp tại Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ và thu hút sự chú ý của tầng lớp giàu có trong nước cùng người Ấn Độ ở nước ngoài.

Toàn cảnh thành phố Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Shutterstock.

SCMP đưa tin, theo công ty bất động sản CBRE, doanh số bán các căn hộ cao cấp có giá từ 40 triệu rupee (tương đương 470.000 USD) trở lên tại Ấn Độ đã tăng 38% trong 9 đầu năm nay.

Bất động sản xa xỉ tăng vọt

Các loại hình ất động sản từ căn hộ có hồ bơi riêng đến penthouse với tầm nhìn toàn cảnh các thành phố lớn như Mumbai đã được bán hết trong vài năm qua. Một số ngôi nhà sang trọng chiếm trọn một tầng, thậm chí có cả sân đỗ trực thăng.

Anshuman Magazine, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Đông và Châu Phi tại CBRE, cho biết làn sóng mua sắm các căn hộ này vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.

“Xu hướng này đã hồi sinh thị trường nhà ở cao cấp, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm trở lại từ những người mua đang tìm kiếm trải nghiệm sống nâng cấp”, ông Magazine nhận xét.

Theo dữ liệu từ CBRE, doanh số bất động sản cao cấp khu vực thủ đô Delhi-NCR đã ghi nhận mức tăng trưởng 72%, trong khi doanh số tại Mumbai tăng 18%, đồng thời cho biết Mumbai chiếm một nửa tổng doanh số bất động sản cao cấp trên toàn Ấn Độ.

Tỷ lệ các căn hộ cao cấp đã tăng lên 28% tổng doanh số bán nhà ở vào năm 2024, so với 16% trước đại dịch, theo công ty tư vấn bất động sản Anarock.

Các bất động sản cao cấp tại Mumbai, Delhi và Bengaluru là lựa chọn hàng đầu của người mua, trong khi các điểm nghỉ dưỡng như Goa, Alibaug và Jaipur trở thành những điểm đến ưa chuộng cho ngôi nhà thứ hai.

“Triển vọng của thị trường bất động sản cao cấp Ấn Độ vẫn rất khả quan trong những năm tới. Ngành này có khả năng duy trì nhu cầu ổn định nhờ thu nhập tăng, lối sống xa hoa và môi trường kinh tế ổn định”, ông Anuj Puri, Chủ tịch Anarock Group, nhận định.

Nhu cầu đối với bất động sản cao cấp dự kiến tiếp tục mạnh mẽ khi số lượng người giàu tại Ấn Độ không ngừng tăng.

Tương lai của thị trường bất động sản xa xỉ

Số lượng cá nhân siêu giàu tại Ấn Độ - những người sở hữu tài sản lớn hơn 30 triệu USD - đã tăng 6% lên 13.600 người vào năm 2024, và dự báo tăng 50% từ mức hiện tại vào năm 2028, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 30%, theo nghiên cứu của Anarock.

Hiện tại, Ấn Độ là quê hương của hơn 850.000 cá nhân sở hữu tài sản ròng ít nhất 1 triệu USD. Anarock ước tính con số này dự kiến gần gấp đôi, đạt 1,65 triệu người vào năm 2027.

Đáng chú ý, 20% trong số những triệu phú này dưới 40 tuổi, cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của thế hệ trẻ giàu có trong việc định hình thị trường.

“Những người trẻ tạo dựng tài sản đang thúc đẩy nhu cầu, đặc biệt là với các bất động sản tích hợp công nghệ và yếu tố chăm sóc sức khỏe”, ông Prashant Thakur, Giám đốc khu vực kiêm Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Anarock, nhận xét.

Một giao dịch nổi bật là căn hộ cao cấp rộng 11.000 ft2 (tương đương hơn 1.000 m2) do DLF phát triển, được bán với giá 1 tỷ rupee (11,8 triệu USD) - mức giá thường dành cho các biệt thự thời thuộc địa Anh.

Bên cạnh đó, nhà ở cao cấp có thương hiệu cũng đang trở thành xu hướng khi các nhà phát triển hợp tác với những tên tuổi lớn như Armani, Trump và Four Seasons để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của giới thượng lưu.

Bat dong san cao cap anh 1

Những bất động sản cao cấp mang thương hiệu của ông Trump ngày càng tăng tại Ấn Độ và được săn đón từ giới thượng lưu. Ảnh: The New York Times.

Ngoài ra, đà mất giá của đồng rupee - hiện dao động quanh mức thấp kỷ lục là 85 rupee đổi 1 USD - đã thúc đẩy các cá nhân giàu có gốc Ấn Độ ở nước ngoài quay về đầu tư vào bất động sản xa xỉ tại quê nhà.

Các kiều bào Ấn Độ không chỉ mua nhà mà còn đầu tư vào các sản phẩm xa xỉ khác như trang sức và xe hơi, phản ánh xu hướng gia tăng của tầng lớp siêu giàu tại đất nước đông dân nhất thế giới này.

“Với thế hệ trẻ đầy tham vọng, ngành công nghệ phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng toàn cầu ngày càng lớn, hành trình của Ấn Độ hướng tới vị thế cường quốc về giàu có chỉ mới bắt đầu”, ông Thakur khẳng định.

Đối lập với bức tranh kinh tế

Trong khi thị trường bất động sản cao cấp phát triển mạnh, nền kinh tế tổng thể của Ấn Độ lại đang đối mặt với khó khăn. Tăng trưởng GDP của của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đã giảm xuống còn 5,4% trong quý vừa qua, mức thấp nhất trong hơn 7 quý.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman của nước này vẫn lạc quan và kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ tăng tốc trong quý hiện tại, mặc dù nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Bất chấp những thách thức kinh tế, nhu cầu về nhà ở cao cấp vẫn tăng mạnh tại Ấn Độ. Từ những căn penthouse với tầm nhìn toàn cảnh đến biệt thự sang trọng tại các điểm nghỉ dưỡng như Goa và Jaipur, thị trường này tiếp tục là nơi tỏa sáng, khẳng định vị thế của Ấn Độ trên bản đồ giàu có toàn cầu.

TP.HCM tồn kho hơn 54.000 bất động sản nhà ở

Theo HoREA, TP.HCM đang đối mặt hơn 54.000 sản phẩm nhà ở tồn kho, chủ yếu do vướng mắc pháp lý. Điều này đã làm tăng giá nhà và giảm cơ hội sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp.

'Đại gia' nào đang ôm đất quanh sân bay Long Thành?

Trong bán kính 5 km quanh sân bay Long Thành, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang hiện diện với các dự án từ vài ha đến cả trăm ha. Các "ông lớn" KCN cũng không đứng ngoài cuộc.

Giá nhà mới Trung Quốc giảm chậm nhất 17 tháng

Những số liệu mới nhất phản ánh dấu hiệu khởi sắc trong bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản Trung Quốc sau các biện pháp hỗ trợ của chính phủ nước này.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm