Tàu sân bay INS Vikrant do Ấn Độ tự đóng mới và hạ thủy trong tháng 8/2013. Ảnh: Jeffhead |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến thăm Ấn Độ từ ngày 4 đến 5/6. Điểm quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc là thỏa thuận mở rộng hợp tác quốc phòng 10 năm giữa Washington và New Delhi, Asian Age cho hay.
Trong cuộc hội đàm, hai bộ trưởng nhất trí tăng cường chia sẻ công nghệ cao trong hợp tác quốc phòng. Theo một số nguồn tin, phía Mỹ đã thuyết phục Ấn Độ nhập khẩu hệ thống phóng điện từ EMALS và tiêm kích F-35C cho tàu sân bay INS Vishal của nước này.
New Delhi cũng ngỏ ý muốn mua lò phản ứng hạt nhân A1B đang sử dụng trên tàu sân bay lớp Ford. Theo Military Factory, lò phản ứng A1B sử dụng thanh nhiên liệu uranium làm giàu đến 93%, cho phép hoạt động liên tục đến 25 năm. Đây là công nghệ mà Ấn Độ đang thèm khát nhằm phát triển các tàu ngầm hạt nhân hay tàu sân bay.
Chi tiết về thỏa thuận giữa hai bên không được tiết lộ. Giới phân tích nhận định, nếu Washington đồng ý bán hệ thống EMALS, tiêm kích F-35C hay lò phản ứng A1B sẽ tạo ra bước đột phá trong việc phát triển sức mạnh quân sự của Ấn Độ.
Quyết vượt Trung Quốc
Tàu sân bay INS Vishal sử dụng máy phóng điện từ và tiêm kích F-35C sẽ mang lại sức mạnh vượt trội cho Hải quân Ấn Độ so với Trung Quốc. Ảnh đồ họa: Ytimg |
Những năm gần đây, Ấn Độ đầu tư rất mạnh cho hải quân. Theo Jane’s Defence Weekly, năm 2004, New Delhi đã nhập khẩu tàu sân bay INS Vikramaditya hoán cải từ tuần dương hạm trực thăng Admiral Gorshkov của Nga. Tàu sân bay phục vụ trong Hải quân Ấn Độ từ tháng 6/2014.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tiến hành đóng mới tàu sân bay hạng trung INS Vikrant tải trọng 40.000 tấn. Nhà máy đóng tàu Cochin hạ thủy tàu trong tháng 8/2013. Dự kiến, tàu sân bay Vikrant sẽ đi vào hoạt động từ năm 2018.
Ngoài tàu sân bay Vikrant đang hoàn thiện, New Delhi còn có kế hoạch tham vọng hơn với chương trình INS Vishal. Theo Military Factory, Vishal có lượng giãn nước khoảng 65.000 tấn. Điểm độc đáo của tàu sân bay mới là sử dụng hệ thống phóng điện từ EMALS đang hoạt động trên hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford (CVN-78) của Mỹ.
Các chuyên gia quân sự đánh giá, EMALS cho phép phóng các máy bay với tốc độ nhanh và êm hơn so với máy phóng hơi nước. Hệ thống phóng mới giúp tàu sân bay của Ấn Độ có thể khởi động các máy bay chiến đấu tải trọng lớn hay máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm.
Đánh giá về chương trình tàu sân bay của Ấn Độ, nhà phân tích Ashley J. Tellis, thuộc Trung tâm quốc tế Wilson, lập luận rằng quốc gia Nam Á muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ để đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quân đội.
Nhà phân tích từng là cựu cố vấn cấp cao của Đại sứ Mỹ tại New Delhi nhận định, ngoài việc nhập khẩu công nghệ phóng điện từ, Ấn Độ sẽ mua thêm tiêm kích F-35C, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2 Hawkeyes. Sự kết hợp giữa F-35C và E-2 sẽ mang lại cho Hải quân Ấn Độ sức mạnh vượt trội so với đối thủ, ông Tellis nhận xét.
Ông giải thích thêm, Hải quân Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm vận hành tàu sân bay hơn Trung Quốc. Do đó, New Delhi sẽ quyết tâm duy trì lợi thế này so với Bắc Kinh. Nếu quá trình hoàn thiện đúng tiến độ, đến năm 2018, Hải quân Ấn Độ sẽ có 2 tàu sân bay trong biên chế. Dự kiến đến năm 2020 hoặc 2022 có thêm tàu sân bay INS Vishal.
Trong vòng 10 năm tới, Hải quân Ấn Độ sẽ có ít nhất 3 nhóm tác chiến tàu sân bay đưa họ trở thành lực lượng số 1 châu Á sau Mỹ, nhà phân tích Tellis dự đoán. Một thuận lợi của Ấn Độ là họ có sự giúp đỡ từ phía Washington. Phía Mỹ cũng nhận thấy tiềm năng to lớn của Ấn Độ trong việc hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.
Tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ sẽ là "một mũi tên trúng 2 đích" trong chương trình tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của Washington, ông Tellis đánh giá.