Giữa những ống cống tắc nghẽn và bãi rác chất cao như núi ở Dharavi tại Mumbai - một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á - người nghèo Ấn Độ đang sống trong nỗi bất an ngày càng lớn trước mối đe dọa từ Covid-19.
Khu ổ chuột nằm giữa thủ đô tài chính của Ấn Độ là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu người, trong đó có nhiều người làm nhân viên bảo vệ hoặc làm công nhân tại các khu phố thượng lưu gần đó.
Ấn Độ đã áp dụng phong tỏa toàn quốc từ ngày 25/3, sau khi phát hiện nhiều ổ dịch lớn có nguy cơ lây lan cho hàng chục nghìn người trên toàn quốc. Lệnh phong tỏa tại Ấn Độ dự kiến kéo dài 21 ngày.
Tuy nhiên, tình trạng người dân sống chen chúc trong các khu nhà lợp mái tôn, căn hộ và nhà máy nhỏ ở khu ổ chuột Dharavi khiến việc cách ly xã hội gần như là điều không thể thực hiện, ngay cả khi họ chỉ ra khỏi nhà để mua thực phẩm.
Việc cách ly xã hội trong khu ổ chuột tại Mumbai gần như là điều không thể thực hiện. Ảnh: AFP. |
Khó thực hiện cách ly xã hội
Cơ sở vật chất thiếu thốn cũng buộc nhiều cư dân trong khu ổ chuột phải sử dụng phòng tắm công cộng, tạo điều kiện lý tưởng cho Covid-19 lan rộng. Năm trường hợp nhiễm virus corona chủng mới đã được xác nhận ở khu ổ chuột này, trong đó có hai trường hợp đã tử vong.
Vinod Shetty, giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận ACORN Foundation, cho biết không ai "muốn sống trong điều kiện hỗn loạn mà 80 người phải dùng chung nhà vệ sinh vào buổi sáng".
Nhưng "cuộc sống ở Dharavi là như vậy. Nếu mọi người phải giữ khoảng cách 2 m với nhau, họ cần phải có khu vực sống với diện tích rộng gấp 3 lần Dharavi", ông nói với AFP.
Mật độ dân số ở đây được cho là 270.000 người/km2, theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Khi lực lượng chức năng tiến hành khử trùng khu ổ chuột này hôm 6/4, người dân ở đây nói với AFP rằng họ cảm thấy mình như những con vịt đang ngồi yên một chỗ trong khi số ca nhiễm Covid-19 đang tăng lên.
"Chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi đang vệ sinh nhà cửa trong khi bị nhốt bên trong", Abdul Kadir, người làm việc tại một cửa hàng cung cấp, cho biết.
"Chúng tôi đang cố gắng giữ an toàn trong nhà của mình", người đàn ông 48 tuổi nói thêm.
Điều kiện vệ sinh ở khu vực này rất tồi tệ và từ lâu người dân đã chỉ trích chính phủ vì không có biện pháp cải thiện cơ sở hạ tầng.
Giờ đây, các quan chức đang đặt hy vọng vào kế hoạch gấp rút để tạo ra "khu vực hạn chế" trên khắp Mumbai, bao gồm cả ở Dharavi, để hạn chế sự lây lan của virus.
Một người phụ nữ đi trên đường cống qua khu ổ chuột Dharavi ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Meanest India. |
Thách thức ngăn chặn dịch bệnh trong khu ổ chuột
Tính đến ngày 8/4, số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ là 5.356 người và 160 trường hợp tử vong đã được ghi nhận tại nước này. Tác động của đại dịch lên Ấn Độ chưa bằng nhiều nước khác, nhưng các chuyên gia lo ngại nhiều ca nhiễm chưa được phát hiện do thiếu khả năng xét nghiệm.
Một trong những trường hợp tử vong vì Covid-19 ở đây là công nhân vệ sinh đô thị sinh sống ở nơi khác nhưng làm việc trong khu ổ chuột. Cảnh sát đã dựng rào chắn gần các khu vực nơi nạn nhân sống hoặc làm việc, để ngăn chặn người ngoài vào.
Các quan chức cũng đã tiến hành cải tạo một sân vận động thành một cơ sở kiểm dịch với 300 giường bệnh và tiếp quản một bệnh viện tư nhân để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
"Chúng tôi đang chuẩn bị trước và nếu virus lây lan... có thể sẽ có một cuộc khủng hoảng lớn", Kiran Dighavkar, trợ lý ủy viên chính quyền thành phố Mumbai, cho biết.
Nỗi sợ bị tẩy chay cũng khiến nhiều người trốn tránh việc điều tra, ông Dighavkar nói, nhấn mạnh các thách thức lớn mà quan chức nước này phải đối mặt khi theo dõi lịch sử di chuyển và tiếp xúc của người bệnh.
Nhiều người dân lo ngại cách ly xã hội sẽ không phát huy tác dụng ngăn chặn dịch bệnh tại khu ổ chuột Dharavi. Ảnh: PTI. |
"Những người thiếu hiểu biết sợ tiết lộ người mà họ gặp vì sợ kỳ thị. Chúng tôi đang cố gắng khiến họ tự tin để lên danh sách các trường hợp nghi nhiễm", ông nói.
Nhưng một số cư dân cho biết họ lo lắng rằng những nỗ lực này đã là quá muộn.
"Nếu các trường hợp nhiễm bệnh bắt đầu tăng lên, chúng sẽ tăng với số lượng rất lớn", Anil Sharma, cư dân tại khu ổ chuột Dharavi, nói.
Trong khoảng thời gian cách ly xã hội này, nhiều người vẫn đổ ra đường mua rau và sữa. Chỉ vào một người đàn ông đến cạo râu ở một tiệm cắt tóc ven đường, anh Sharma cho biết mọi người vẫn tụ tập dù quy mô có nhỏ hơn ngày thường, và điều này khiến anh lo lắng. "Tôi rất sợ", anh nói với AFP.