Hàng bánh cuốn tại lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Nằm trong Tủ sách Hà Nội - Phố và người - tập hợp tác phẩm của những tác giả đến từ nhiều nơi, viết về Thăng Long - Hà Nội; với nhiệm vụ lưu truyền những nét đẹp của mảnh đất thủ đô thông qua những nét ký ức của nhiều thế hệ - bộ sách Hà Thành hương xưa vị cũ của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung có một vị trí đặc biệt.
Trải nghiệm ẩm thực Hà Nội của một người phụ nữ
Văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội đã được đúc kết khá đầy đủ trong các cuốn sách viết về chủ đề này. Trên văn đàn thập niên 1940-1950 có Hà Nội băm sáu phố phường (1943) của Thạch Lam, Miếng ngon Hà Nội (1959) của Vũ Bằng… Tuy nhiên, những cuốn sách của các nam văn nhân này được viết dưới tư cách của người thưởng thức, người hưởng thụ, chứ chưa phải tư cách của người chế biến.
Còn ở Hà Thành hương xưa vị cũ, chúng ta được tìm hiểu, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội được viết theo cách riêng của một người phụ nữ gốc phố cổ Hà Nội am hiểu nữ công gia chánh (biết tự tay làm ra, mua sắm, nấu nướng, bày biện hàng ngày).
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất trọng nếp nhà, trọng lễ nghĩa, tinh tế trong nếp sinh hoạt hàng ngày. Từ nhỏ, bà đã rất thích theo mẹ đi chợ, vào bếp.
Sau này, bà đi làm báo và làm việc cả đời viên chức với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Trong suốt thời gian gắn bó với mảng nghiên cứu, bà thực hiện nhiều chương trình về văn hóa Hà Nội, về vẻ đẹp phố phường, về con người và đặc biệt là về những đặc sản ẩm thực của Hà Nội xưa và nay.
Bà cũng đã xuất bản những tác phẩm về các món ăn ngon của Hà Nội được độc giả yêu mến như Đặc sản bốn phương hội tụ (Nhà Xuất bản Hà Nội), Hà Nội mến thương (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn)…
Hà Thành hương xưa vị cũ đã ra mắt độc giả từ năm 2021. Tuy nhiên để đưa sách vào Tủ sách Hà Nội - Phố và người do Tri thức trẻ Book thực hiện, tác giả đã tách cuốn sách thành 2 tập, đồng thời nới rộng cả về số lượng các món ăn và điểm nhìn.
Các món ăn không còn chỉ giới hạn ở trong căn bếp phố cổ gắn liền với những người thân thương, những món ăn do người Hà Nội chế biến, mà còn có cả những món đặc sản của các miền đất khác được đưa về Hà Nội, như giò cua, giò nây Thái Bình…
Tác giả cũng bổ sung nhiều ảnh món ăn do bà tự làm theo đúng hương vị xưa cũ. Bởi bộ sách không chỉ hướng đến độc giả trong nước mà còn mong muốn chinh phục độc giả nước ngoài.
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung và bộ sách Hà Thành hương xưa vị cũ. Ảnh: Tri Thức Trẻ Books. |
Từ Ký ức từ căn bếp đến Món ngon từ làng ra phố
Tập 1 tạp văn mang tên Ký ức từ căn bếp gồm 41 tạp bút viết về những kỷ vật, những nếp cũ, người xưa ở phố cổ; là sự tài khéo của những người phụ nữ Hà thành, thể hiện tinh thần sống của người Tràng An.
Độc giả được biết rõ về những món ngon được bày biện trong bữa cơm thường nhật, ngày giỗ và đặc biệt là cỗ Tết của người dân phố cổ, nơi tụ hội những nét tinh hoa của ẩm thực Hà Nội. Theo đó, mâm cỗ Tết này thường gồm 4 bát và 8 đĩa, ngày nay có thể phong phú hơn nữa vì người vùng miền khác về Hà Nội sinh sống mang theo đặc sản quê mình vào ngày Tết Hà Nội. Tác giả cho biết cỗ Tết Hà Nội bắt buộc phải có món canh bóng thả nấm, xôi gấc, nem Hà Nội, giò lụa, chả quế và đĩa rau thơm gia vị… được bày biện đẹp mắt, nhiều màu sắc.
Không chỉ nói về những món ăn từ căn bếp cũ, tác giả cũng cho biết những người đứng phía sau những món ăn đó, họ là những người phụ nữ phố cổ khéo léo, tận tình và dồn hết yêu thương vào từng món ăn nơi căn bếp nhỏ…
Tập 2 mang tên Món ngon từ làng ra phố gồm 44 tạp bút phản ánh sự phong phú, đa dạng và tinh tế của ẩm thực Hà Nội. Tác giả dẫn dắt người đọc thưởng thức những đặc sản mà mình đã trải nghiệm, từ món chính đến món ăn vặt, theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông…
Có thể nhắc đến một số món như bún Tứ Kỳ, bánh gai Yên Sở, bánh nhót Triều Khúc, hồng xiêm Xuân Đỉnh, dưa cà Đình Gừng, bún ốc Khương Thượng, đậu phụ Kẻ Mơ, măng mực Bát Tràng, bánh chưng Tranh Khúc, bánh dày Quán Gánh...
Có cả những thứ rất nhỏ nhưng đầy hương vị và tạo nên nét riêng cho ẩm thực Hà thành như: Quất chín, quất xanh, trám đen, trám trắng, mắm tôm, mắm rươi, giấm bỗng, riềng tỏi...
Tác giả cũng nhắc tỉ mỉ hơn với những món đặc sản dường như ngày nay đang dần bị lãng quên. Tác giả cũng khát khao tìm tòi và khôi phục lại những món ăn đó. Nhiều món ăn cầu kỳ, tinh tế đã bị thất truyền qua thời gian, do chiến tranh tàn phá và điều kiện kinh tế khó khăn như vịt dấm ghém, cháo cá ám. Có những món ăn tác giả đang cố gắng phục dựng nhưng chưa thành công, chẳng hạn như bánh sấy làng Vẽ.
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung chia sẻ để thực hiện được bộ sách khảo cứu này, bà đã dành nhiều năm đi khắp các ngóc ngách của thủ đô, tìm những địa chỉ tinh hoa nhất, danh tiếng nhất, nhằm vẽ nên bản đồ ẩm thực đất Hà thành…
Nhà phê bình Văn Giá nhận xét: “Những trang viết ẩm thực của Nhung về cơ bản cũng đi từ lai lịch, cách chọn nguyên liệu, cách chế biến, cách bày biện, cách thưởng thức, mời mọc. Nhưng thứ ẩm thực ấy gắn liền với những ký ức của tuổi thơ tác giả. Chị đem cả cái nhớ rưng rưng về một thời đã qua vào trang viết. Chị khoe cả cái nếm náp sung sướng của người làm lụng ra mỗi món ăn, món uống. Chị cũng không quên những phận người vất vả sớm khuya làm ra những thức ẩm thực tinh mỹ mà tình nghĩa”.