Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhịp sống ở Hà Nội hơn 100 năm trước

“Hà Nội chuyện xưa phố cũ” gồm 39 đoản văn, bài viết biên khảo về các hoạt động của thành phố Hà Nội khoảng giữa thế kỷ 20 trở về trước.

Thầy đồ viết câu đối trên phố Hà Nội xưa. Ảnh: Albert Kahn/VPN.

Hà Nội chuyện xưa phố cũ là cuốn sách thứ ba, sau cuốn Tiếng thét Yên Bái (2020) và Hà Nội một thân (2021) của tác giả Tạ Thu Phong - một nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm sách báo cũ có tiếng tại Hà Nội.

Một biên khảo công phu

Theo nhà văn Đỗ Phấn, đây là một biên khảo công phu, toàn diện, đáng tin cậy. Đặc biệt, nó được viết bởi một người không sinh ra ở Hà Nội, nhưng đã sống và dành cho mảnh đất này một tình yêu sâu đậm tha thiết.

Chính vì tình yêu đậm đà tha thiết đó mà tác giả đã bỏ ra nhiều công sức để thực hiện cuốn sách, cũng như cố gắng tái hiện một phần nào diện mạo của Hà Nội hàng trăm năm trước.

Tác giả khai thác một khối tư liệu tương đối lớn về Hà Nội qua các thời kỳ, chủ yếu từ văn khố, thư viện của Pháp, được xử lý, đối chiếu cẩn thận. Cuốn sách không chỉ kể về những mặt sáng tối của Hà Nội, hay vẽ lên một bức tranh sinh động về nơi chốn linh thiêng hào hoa, mà còn cung cấp nhiều thông tin giá trị, không phải cuốn sách nào viết về Hà Nội cũng có được.

Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn, bài viết biên khảo về các hoạt động của thành phố Hà Nội khoảng giữa thế kỷ 20 trở về trước, từ chuyện phố xá, chợ búa, quy hoạch thành phố, đến chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện chơi… của người dân Hà thành.

Những hoạt động này được tác giả trình bày mạch lạc, sáng sủa, có độ dài vừa đủ để người đọc có thể hình dung ra cả bề rộng lẫn chiều sâu nhịp sống của Hà Nội - vùng đất mang nhiều trầm tích lịch sử, văn hóa.

Ha Noi anh 1

Sách Hà Nội chuyện xưa phố cũ. Ành: T.T.T.B.

Bức tranh sinh động về Hà Nội xưa

Nói về chuyện phố xá, chợ búa, quy hoạch thành phố, Hà Nội chuyện xưa phố cũ có các bài: Đường phố Hà Nội trước năm 1954, Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm lối cũ, Xe kéo tay, Chuyện nước sạch thời Pháp, Rì rầm cầu Dốc Gạch…

Bài Đường phố Hà Nội trước năm 1954 cho biết sau khi tiếp quản thủ đô năm 1954, chính quyền Hà Nội đã thay đổi một số tên đường phố thời Pháp tạm chiếm về tên cũ, như phố Mỹ Quốc đổi tên thành phố Tràng Thi, phố Pháp Quốc đổi tên thành phố Tràng Tiền, Đồng Khánh đổi tên thành Hàng Bài…

Không dừng lại ở đó, bài viết còn cho biết việc quy hoạch đường phố Hà Nội theo hướng xây dựng một đô thị phương Tây hiện đại dưới thời Pháp thuộc và xa hơn là những khu phố mang dáng dấp của đô thị châu Á của Kinh thành Thăng Long dưới thời Lê - Trịnh và đầu thời Nguyễn.

Còn bài Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm lối cũ thì cho biết lịch sử đường Thanh niên (xưa là đường Cổ Ngư) - một trong những con đường lãng mạn nhất Hà Nội.

Đường Cổ Ngư vốn là đê Cổ Ngư nằm ngăn chia Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch. Thế kỷ 17, hai hồ này chỉ là một. Sau này người dân đổ đất, đóng cọc tre ngăn một phần hồ Tây và hồ Trúc Bạch như bây giờ.

Ha Noi anh 2

Đường Cầu Giấy, đoạn dẫn xuống phủ Hoài Đức. Nguồn: gallica.bnf.fr.

Những năm đầu thế kỷ 20, đê Cổ Cổ Ngư chưa mang dáng dấp một con phố. Năm 1931, con đê này được cải tạo, không còn ngoằn ngoèo nữa mà mang dáng dấp một con đường…

Còn bài Xe kéo tay thì gợi lại hình ảnh chiếc xe kéo tay - một phương tiện giao thông ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, được du nhập từ Nhật Bản.

Đề cập đến chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện chơi ở Hà Nội, sách có bài Cao lâu tửu điếm, Chợ hoa phố Hàng Lược, Chụp ảnh ở Hương Ký, Tản mạn mái tóc Hà Thành, Gập ghềnh chiếc áo dài Việt Nam, Từ Septo đến sân Hàng Đẫy, Món “Pagpag” Cửa Đông…

Bài Cao lâu tửu điếm cho biết đầu thế kỷ 20 Hà Nội có nhiều tiệm cao lâu của người Hoa. “Cao lâu” có nghĩa là nhà ngôi nhà có lầu cao, dùng để chỉ những quán ăn của người Hoa. Nói đến cao lâu là gợi nhớ đến hình ảnh những tiệm ăn bóng nhờn mỡ, với những món thịt quay hay mằn thắn thơm phức. Hà Nội xưa có những tiệm cao lâu nổi tiếng như Quảng Sinh Long trên phố Hàng Bài, Tự Hưng Lâu ở 18 Hàng Bông, Đông Hưng Viên Đại Tửu Gia, số 90 phố Hàng Buồm…

Còn bài Tản mạn mái tóc Hà Thành thì nói đến sự giao thoa giữa văn hóa Đông - Tây, làm thay đổi thẩm mỹ của người Việt, mà điều dễ nhận biết nhất chính là mái tóc của người Hà Thành.

Bài viết cho biết những năm 1907-1908, xuất phát từ phong trào Duy Tân, vận động đàn ông cắt tóc ngắn diễn ra rất sôi nổi chẳng khác gì phong trào bỏ tục bó chân ở Trung Quốc sau cách mạng Tân Hợi.

Đối với phụ nữ thì sự cách tân diễn ra chậm chạp hơn. Những năm 1930, khi phong trào cải tiến y phục cho phụ nữ được phát động thì phụ nữ Hà Thành mới dần thoát khỏi chiếc áo tứ thân truyền thống để mềm mại trong chiếc áo LeMur. Hàm răng đen được thay bằng hàm răng trắng tân thời. Đi đôi với trang phục tân thời thì phải có mái tóc phù hợp. Thiếu nữ Hà Thành không còn bỏ tóc đuôi gà như trước mà búi tròn sau gáy hoặc kẹp ghim, kẹp ba lá cho tóc phủ kín cổ.

Thập niên 1940 đánh dấu sự xuất hiện của kiểu tóc phi-dê (Frisés), tóc uốn xoăn. Sự kiện tiếp quản Thủ đô năm 1954 mang đến một trào lưu thay đổi kiểu tóc của phụ nữ Hà Nội. Lần đầu tiên thiếu nữ Hà Thành nhìn thấy tóc cắt ngắn ngang vai hoặc kết thành bím tóc như đuôi sam…

Không dừng lại ở đó, cuốn sách còn đề cập đến những nhân vật người Việt nổi tiếng (có không ít giai thoại) trong xã hội lúc bấy giờ như doanh nhân Bạch Thái Bưởi trong bài Chuyện ông Ký Bưởi, cô Vũ Thị Nghĩa trong bài Cô Đốc Sao - Nàng Lý Sư Sư đất Hà Thành…

Ngoài ra, cuốn sách còn có một số bài đề cập đến những mặt tối của Hà Nội trước năm 1945, như bài Ăn chơi cho đủ mọi mùi, Chuyện điếm thời Pháp, Việc xử trảm ngày xưa… Hay một số bài nói về những công trình mang tàn tích của thời Pháp thuộc…

Hà Nội bốn mùa hương sắc

Với “Mùa đi qua phố” bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Vườn hoa Con Cóc và 'Hà Nội dấu xưa, phố cũ'

Thăng Long - Hà Nội trở thành kinh đô chính thức của nước Việt đã hơn một nghìn năm.

Hieu ve trai tim: The nao la tinh yeu? hinh anh

Hiểu về trái tim: Thế nào là tình yêu?

0

Tình yêu cũng như một loại cây xanh, nếu chúng ta không biết cách chăm sóc dưỡng nuôi, có khi là quá thừa hoặc có khi là quá thiếu, thì nó sẽ héo tàn và chết đi. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm