Đã thành thông lệ, trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, anh Đỗ Mạnh Tùng (sinh năm 1989) lại lên kế hoạch cùng cả nhà về quê ở Ninh Bình. Gia đình với 4 người sẽ di chuyển trên chiếc ôtô 5 chỗ thông qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Hành trình dài hơn 93 km, thông thường chỉ mất khoảng 1,5h di chuyển, tuy nhiên họ thường không tận dụng tối đa số ngày nghỉ.
“Chúng tôi thường sẽ trở lại Hà Nội trước một ngày để tránh ùn tắc. Sợ nhất là ở cuối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn chuẩn bị vào vành đai 3”, anh Tùng nói.
Tuy nhiên thời gian gần đây, những tính toán này không còn giúp họ tránh được cảnh ùn ứ và chờ đợi. Dịp Tết Quý Mão vừa qua, gia đình anh Tùng đã mất tới gần 40 phút để thoát khỏi nút giao vành đai 3 dù đã đi sớm một ngày trước khi kết thúc kỳ nghỉ.
Nhìn sang các làn đường bên cạnh, anh Tùng thấy hàng nghìn chiếc xe cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Tuyến cao tốc cho phép xe chạy 100-120 km/h vì thế mất đi nhiều ý nghĩa khi tài xế phải chôn chân hàng chục phút tại lối ra cuối tuyến.
Ám ảnh nút giao vành đai 3
Trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 khoảng 2 tháng, anh Lê Anh Tuấn (sinh năm 1992) đã hoàn thành việc lên kế hoạch cùng gia đình đi du lịch. Năm nay, giá vé máy bay tăng cao, họ chọn biển Hải Tiến (Thanh Hóa) là điểm đến. Để chủ động di chuyển và tránh cảnh đông đúc, gia đình 3 người chọn đi lại bằng ôtô cá nhân. Việc lựa chọn này được tiếp thêm động lực khi anh Tuấn đọc được thông tin tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 nối Ninh Bình - Thanh Hóa sẽ thông xe vào đúng kỳ nghỉ này.
“Như vậy sẽ chỉ mất khoảng 2-2,5 giờ đi lại thôi, lại tránh được điểm tắc kinh niên ở Tam Điệp, Bỉm Sơn trên quốc lộ 1, rất thuận tiện”, anh Tuấn nói và cho hay gia đình mình sẽ xuất phát từ Hà Nội vào sáng 30/4 và trở lại thủ đô vào chiều 2/5.
Về lý do không tận dụng hết thời gian của kỳ nghỉ, anh Tuấn nói cả nhà cùng lo sợ khi trở lại Hà Nội sẽ gặp cảnh ùn tắc, đặc biệt tại nút giao cao tốc Pháp Vân với vành đai 3. “Có lần tôi đi từ Ninh Bình lên đến đầu cao tốc phía Hà Nội mất khoảng 1 giờ nhưng lại mất tới 30-40 phút để thoát khỏi đoạn 4-5 km cuối do tắc đường”, anh nói.
Còn đối với Phạm Nguyễn Tất Thành (sinh năm 2002, quê Nam Định) quãng đường 3 km cuối tuyến cao tốc đã trở nên ám ảnh với anh kể từ kỳ nghỉ lễ 2/9 năm ngoái. Dưới tiết trời nắng nóng 35-36 độ C, chiếc xe khách nhích từng chút để tiến về Hà Nội. Nhiều người tỏ ra sốt ruột, nam phụ xe thông báo sẽ dừng tại khu vực Tứ Hiệp để hành khách trèo rào ra khỏi cao tốc, bắt xe ôm hoặc taxi trở về nhà.
Khoảng 7-8 người đã đồng ý phương án trên trước cam kết của nhân viên phụ xe cho rằng “đây là đoạn rào thấp nhất, nhiều người từng trèo qua rồi”.
Thành kể lại khi xuống xe, có sẵn 4-5 xe ôm đợi sẵn. “Tôi cảm giác như việc phải trèo qua cao tốc đã trở thành một điều thường xuyên đối với hành khách. Xe ôm họ cũng quen với cảnh này rồi nên hét giá rất cao”, nam sinh viên năm 2, Đại học Quốc gia Hà Nội nói và cho hay mình đã phải đi bộ khoảng 3 km trước khi gặp được người xe ôm có mức giá phải chăng hơn.
Việc trèo rào thoát khỏi cao tốc, xe đón trả khách không đúng nơi quy định vì ùn ứ kéo dài khiến giao thông thêm phần hỗn loạn. Ảnh: Hồng Quang. |
CSGT sẵn sàng phương án
Nhiều năm gắn bó với tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, trung tá Nguyễn Viết Nhiên (Phó đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, Cục CSGT), cho biết kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, công việc của toàn đội có khác hơn khi đoạn đường tuần tra, kiểm soát sẽ được nối dài thêm khoảng 60 km bởi tuyến Mai Sơn - quốc lộ 45 sắp thông xe. Nhiệm vụ của họ vì thế cũng nặng nề hơn.
Phụ trách tuyến cao tốc lưu lượng lớn nhất, là cửa ngõ về phía nam vào thủ đô, trung tá Nhiên đánh giá có 2 yếu tố khiến CSGT khó khăn khi xử lý, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ.
Thứ nhất, lượng xe cộ trên tuyến tăng cao khiến phương tiện khó giữ được khoảng cách an toàn từ đó dễ dẫn tới va chạm, thậm chí va chạm liên hoàn nhiều ôtô. Đặc thù của đường cao tốc là ít điểm giao cắt, lối ra do vậy khi xảy ra tai nạn rất dễ gây ùn tắc kéo dài bởi CSGT phải phong tỏa khu vực để khám nghiệm hiện trường. Trong dịp nghỉ lễ, lượng xe cộ tăng cao, tình trạng ùn ứ vì thế thêm phần nghiêm trọng.
Thứ hai, vị trung tá CSGT cũng chỉ ra nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 đã quá tải. Hơn nữa, tại nút giao này có một điểm thắt cổ chai, nơi xe cộ sẽ tỏa đi các hướng nhưng chỉ có 3 làn đường. Do vậy, các luồng ôtô dễ gặp xung đột, gây ùn kéo dài.
“Đồng thời từ khi triển khai thu phí không dừng thì xe cộ cũng thoát từ trạm thu phí Pháp Vân về phía vành đai 3 nhanh hơn khiến nút giao này càng quá tải”, trung tá Nhiên nói và cho rằng CSGT rất chia sẻ khó khăn với người tham gia giao thông trước những bất cập về hạ tầng.
CSGT dựng rào chắn phân luồng tại điểm thắt cổ chai, nơi xe cộ từ cao tốc tỏa đi các hướng vào vành đai 3. Ảnh: Hồng Quang. |
Dự báo lượng xe cộ qua tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình trong dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới có thể tăng đột biến tới 100.000 lượt xe/ngày đêm, Phó đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 cho biết đơn vị đã chuẩn bị mọi phương án để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Cụ thể, CSGT nhận định đặc thù kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài, do vậy lượng người dân có thể không dồn về cục bộ như dịp Tết mà dàn trải qua các ngày. Tuy nhiên, việc thông xe tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45 cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy tài xế đi lại nhiều hơn về tuyến này để trải nghiệm và du lịch.
“Chúng tôi ứng trực 100%, đặc biệt sẽ bố trí quân số tại tất cả nút giao trên tuyến từ Hà Nội tới điểm cuối tuyến cao tốc mới thông xe tại Thanh Hóa”, trung tá Nhiên nói đồng thời cho biết CSGT cũng tuần tra lưu động để nhanh chóng tiếp cận hiện trường nếu có sự cố xảy ra.
Về nỗi lo nút giao vành đai 3, trong hai ngày cuối của kỳ nghỉ lễ (2-3/5), lực lượng của Cục CSGT sẽ phối hợp với Phòng CSGT Công an Hà Nội ứng trực đến hết đêm. Tại điểm thắt cổ chai gây ùn, CSGT sẽ dựng hàng rào giữa các luồng xe để tránh xảy ra xung đột.
Trung tá Nguyễn Viết Nhiên, Phó đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Cục CSGT), trao đổi với Zing. |
Về tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 chuẩn bị thông xe, qua khảo sát, CSGT khuyến cáo tài xế tuân thủ tốc độ và đảm bảo khoảng cách an toàn. Hiện, tốc độ tối đa cho phép trên tuyến này là 80 km/h. Đồng thời, việc không có làn dừng khẩn cấp liên tục cũng được nhận định gây nguy hiểm cho xe nếu gặp sự cố và gây khó cho lực lượng chức năng khi tiếp cận hiện trường để xử lý.
Theo dự kiến, cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ có 54/64 km được thông xe vào ngày 29/4. Do vậy, toàn bộ lưu lượng đi từ Hà Nội về các tỉnh phía nam sẽ phải thoát khỏi cao tốc từ nút giao Đông Xuân kết nối qua quốc lộ 47 để vào quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường Nghi Sơn - Thọ Xuân.
Tuy nhiên, với dự báo lưu lượng phương tiện trên tuyến sẽ đạt trên 22.000 lượt ngày/đêm cộng với lưu lượng hiện tại trên quốc lộ 47 khiến tuyến đường này khó đáp ứng. Do vậy, CSGT dự kiến phân luồng xe trọng tải lớn thoát ra khỏi cao tốc từ những nút giao trước đó như nút giao quốc lộ 217, thậm chí hạn chế xe trên 10 tấn đi vào tuyến cao tốc mới.
Trường hợp có va chạm xảy ra trên tuyến từ Hà Nội tới Thanh Hóa, CSGT ứng trực tại nút giao gần nhất có thể đóng tạm thời cao tốc và hướng dẫn xe cộ đi ra đường gom hoặc chuyển hướng về phía quốc lộ 1.
“Chúng tôi khuyến cáo tài xế lựa chọn khung giờ di chuyển hợp lý. Khi lái xe phải thật sự tập trung, giữ khoảng cách an toàn và tuân thủ sự điều tiết của CSGT”, trung tá Nguyễn Viết Nhiên nói đồng thời ông cho rằng việc kiểm tra xe cộ trước khi vào cao tốc dịp lễ là rất cần thiết bởi khi xe xảy ra sự cố sẽ gây ảnh hướng rất lớn tới người lưu thông trên tuyến vốn đã rất đông trong kỳ nghỉ.
Toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ phải đấu nối vào Hà Nội thông qua nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3. Đồ họa: Tiến Hoàng. |
Trong khi đó, khoảng hơn một tuần trước kỳ nghỉ lễ, những tài xế như anh Mạnh Tùng, Anh Tuấn tiếp nhận thông tin rằng Hà Nội sẽ khởi công dự án xây dựng hoàn chỉnh đường dẫn và nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 vào tháng 6 năm nay.
Vốn không có nhiều kiến thức chuyên ngành, nhưng những người lái xe nhiều trên tuyến như họ cũng tỏ ra vui mừng bởi lý do đơn giản: "Từ một nút giao san ra làm 2 thì chắc chắn sẽ bớt ùn tắc hơn" và như vậy niềm vui khi những đoạn cao tốc Bắc - Nam được nối dài sẽ thêm phần trọn vẹn.