Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Vì sao Hà Nội chi tới hơn 3.200 tỷ cho dự án nút giao Pháp Vân?

Không chỉ có một nút giao, dự án xây dựng hoàn chỉnh đường nối cao tốc Pháp Vân với đường vành đai 3 bao gồm 2 nút giao khác mức cùng một tuyến đường 10 làn xe dài hơn 3,4 km.

Đang chạy với tốc độ 100-120 km/h trên cao tốc hướng Ninh Bình đi Pháp Vân (Hà Nội), nhiều tài xế phải giảm tốc đột ngột khi tới gần nút giao với đường vành đai 3. Đoạn phân nhánh của nút giao có mặt cắt nhỏ hẹp trong khi lượng xe cộ lớn tỏa đi nhiều hướng dẫn tới xung đột giao thông và ùn tắc kéo dài. Tình trạng trên xảy ra nhiều năm và trở thành nỗi ám ảnh đối với người từ phía nam ra thủ đô, đặc biệt trong những ngày lễ, Tết.

Để giải quyết điểm đen về ùn tắc tại cửa ngõ thành phố, UBND Hà Nội cho hay dự kiến trong tháng 6, đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 sẽ được khởi công xây dựng. Dự án có nhiều hạng mục và được kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực cho nút giao hiện tại.

3 hạng mục khiến dự án tiêu tốn 3.200 tỷ

Theo kế hoạch ban đầu được Thủ tướng phê duyệt năm 2020, dự án đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 có tổng mức đầu tư 2.535 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của thành phố Hà Nội.

Tới tháng 4/2022, quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án được thông qua và chấp thuận việc tăng vốn lên mức 3.248,7 tỷ đồng. Mức đầu tư này cao hơn nhiều những nút giao trước đây được xây dựng tại Hà Nội như: Nút giao đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (hơn 400 tỷ đồng, hoàn thành năm 2020); nút giao hoa thị quốc lộ 5 - vành đai 3 (hơn 1.700 tỷ đồng, hoàn thành năm 2015)…

Tuy nhiên, dự án xây dựng nút giao và đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 có một số điểm khác biệt so với những dự án trên.

nut giao phap van anh 1

Vị trí xây dựng 3 hạng mục thuộc nút giao mới nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và vành đai 3. Ảnh: Hồng Quang.

Trong đó, tuyến đường kết nối từ Tứ Hiệp đến vành đai 3 sẽ được xây mới hoàn toàn với chiều dài hơn 3,4 km rộng 60 m bao gồm 6 làn xe cao tốc dành riêng cho ôtô rộng 3,5 m/làn. Hai bên làn cao tốc có thêm 4 làn xe hỗn hợp rộng 3,5 m/làn. Diện tích sử dụng đất của tuyến đường theo UBND Hà Nội là 31,05 ha. Con số này tương đương và có phần nhỉnh hơn so với các tuyến đường khác cùng quy mô như dự án vành đai 3 Mai Dịch - Cầu Thăng Long (dài khoảng 5,5 km, sử dụng đất khoảng 39,1 ha).

Theo ghi nhận của Zing, phần lớn tuyến đường sẽ chạy qua khu vực hiện trạng là hồ nước và ruộng. Đoạn giáp với đường vành đai 3 là khu vực sẽ phải giải tỏa nhiều nhà dân vốn đã xây dựng dày đặc trước đó. Cơ quan chức năng hiện chưa đưa ra phương án cụ thể dành cho GPMB.

Tại nút giao với đường vành đai 3, để kết nối với làn đường trên cao, cơ quan chức năng dự kiến xây dựng 2 cầu cạn chạy xuyên qua làn đường gom. Trong khi đó, nút giao Tứ Hiệp sẽ được xây dựng dạng bán hoa thị.

Về thiết kế chi tiết của dự án, UBND Hà Nội cho hay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố đang triển khai các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán các gói thầu và chuẩn bị mặt bằng trước khi khởi công.

Như vậy tổng thể dự án này không chỉ là một nút giao mà bao gồm 2 nút giao khác mức (Tứ Hiệp, vành đai 3) cùng một tuyến đường 10 làn xe dài hơn 3,4 km. Do vậy, đây được coi là một trong những dự án xây dựng nút giao hoàn chỉnh có quy mô đầu tư lớn nhất Hà Nội.

Khắc phục quy hoạch bất hợp lý

Từ phương án được phê duyệt, PGS.TS Hồ Anh Cương, giảng viên cao cấp tại Đại học GTVT, người có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về xây dựng cơ sở hạ tầng, đánh giá dự án khi hoàn thành sẽ giúp khắc phục điểm bất hợp lý trong quy hoạch của tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện tại.

Theo ông Cương, về nguyên tắc quy hoạch, khi kết thúc đường cao tốc, phương tiện phải được chuyển tiếp dần sang đường cao tốc đô thị, sang đường phố chính đô thị rồi sau đó mới tỏa đi các tuyến phố gom, đường phố nội bộ.

“Tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, lượng ôtô khổng lồ từ phía nam lao thẳng qua nút giao vành đai 3 rồi vào đường Giải Phóng, thậm chí tại điểm giao cắt Giải Phóng - vành đai 3 còn không có nút giao khác mức khiến luồng xe phải giảm tốc độ đột ngột, gây bất hợp lý về mặt khai thác tốc độ và quy hoạch hạ tầng”, ông Cương nói.

Về phương án xây dựng tuyến đường và nút giao mới, chuyên gia cho rằng đây là phương án hợp lý bởi hai lý do.

Thứ nhất, luồng xe cộ sẽ được phân ra làm 2 hướng, giảm tải cho nút giao hiện tại.

Thứ hai, dự án khi hoàn thành sẽ tiệm cận về tiêu chuẩn quy hoạch hạ tầng. Từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, xe cộ sẽ thông qua một nút giao khác mức (nút giao Tứ Hiệp) để sang tuyến cao tốc đô thị (tuyến đường nối dài 3,4 km) trước khi kết nối với đường vành đai 3 bằng một nút giao khác mức tiếp theo.

nut giao phap van anh 6

Điểm phân chia nhánh rẽ nhỏ, hẹp tạo thành nút thắt cổ chai. Ảnh: Hồng Quang.

Trước băn khoăn việc tuyến đường 10 làn xe mới nối thẳng vào vành đai 3 sẽ làm gia tăng lượng xe cho con đường vốn đã quá tải, chuyên gia cho rằng đây là điều không đáng ngại. Nguyên nhân được ông lý giải là lượng xe cộ từ cao tốc Pháp Vân vào vành đai 3 sẽ không đổi, chỉ là từ một nút giao san ra thành 2 nút giao.

Đồng thời, ngoài việc đưa xe cộ từ cao tốc vào vành đai 3 được thuận lợi thì tuyến đường và nút giao mới cũng giúp phương tiện thoát ra cao tốc Pháp Vân nhanh chóng hơn. “Dự án giúp xe vào nhanh hơn thì cũng giúp xe ra nhanh hơn bởi nó có tính 2 chiều”, ông lý giải.

Theo kế hoạch của UBND Hà Nội, dự án xây dựng nút giao, đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 sẽ thực hiện trong giai đoạn từ nay tới 2025. Đánh giá về các mốc thời gian, PGS.TS Hồ Anh Cương cho biết khi đã sạch mặt bằng và lý tưởng mọi mặt thì công trình sẽ cần khoảng 2 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, thời gian thi công có thể sẽ tăng lên nếu đơn vị thi công phải xử lý nền đất yếu bởi hiện trạng khu vực này đa phần là đồng ruộng và hồ nước. Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng cũng có thể là nguyên nhân khiến dự án bị chậm lại.

"Riêng việc xử lý nền đất yếu ở một số công trình có thể mất tới 6 tháng", ông Cương thông tin.

Ông cũng cho hay trong trường hợp nút giao, đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 khởi công vào tháng 6 năm nay thì thời điểm hoàn thành sẽ khá tương đồng với tuyến vành đai 4 - vùng thủ đô. Hai dự án này sẽ giúp giảm tải lớn cho tuyến vành đai 3 đồng thời mở ra thêm hướng kết nối cho cửa ngõ phía nam Hà Nội, nơi vốn có áp lực giao thông lớn nhất.

Theo phương án được phê duyệt, dự án vành đai 4 cũng có một nút giao liên thông với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Các xe không có nhu cầu đi vào trung tâm thành phố sẽ được phân luồng từ xa đi vào tuyến này.

“Với những giải pháp đó, tôi cho rằng đây là phương án hợp lý và sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ phía nam Hà Nội hiện nay”, TS Hồ Anh Cương đánh giá.

Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.

Hiện trạng nút giao cao tốc Pháp Vân trước khi được đầu tư 3.200 tỷ

Nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3 (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên là điểm nóng ùn tắc, đặc biệt trong dịp lễ, Tết bởi hạ tầng chưa hoàn chỉnh.

Cửa ngõ Hà Nội tắc từ sáng đến trưa, dân trèo rào thoát khỏi cao tốc

Dù đường ùn tắc gần 4 km trong ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4, hoạt động thu phí tại trạm BOT Pháp Vân vẫn diễn ra bình thường.

Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm