Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những chiếc đồng hồ công cộng đầu tiên ở Hà Nội

Thời Pháp thuộc, đồng hồ còn là vật dụng hiếm quý, nên Hà Nội chỉ có dăm cái đồng hồ công cộng để báo giờ cho dân chúng.

Dong ho cong cong anh 1

Cột đồng hồ xưa tại Hà Nội, nay là nút giao thông Chương Dương. Nguồn: Hanoimoi.

Ngày xưa, dân ở Đàng Ngoài chưa sử dụng đồng hồ vì những nhà truyền giáo phương Tây đến nước ta có mặt ở Đàng Trong sớm hơn.

Dân Đàng Ngoài chia thời gian một ngày thành ba buổi: buổi sáng, buổi trưa và buổi tối. Muốn cụ thể hơn họ xác định thêm là nửa buổi sáng, hoặc nửa buổi chiều, ban đêm được chia nhỏ làm năm canh. Chỉ có nhà các quan lại mới có đồng hồ, nhưng là các loại đồng hồ nước hoặc đồng hồ cát kiểu đồng hồ Hồi giáo.

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn lên ngôi năm 1802, Nguyễn Ánh đã cho chuyển kinh đô từ Thăng Long vào Huế, phá bỏ thành Thăng Long, xây lại thành mới nhỏ hơn và cho đặt một chiếc đồng hồ lớn ở cổng thành, trông ra đường Nguyễn Tri Phương ngày nay. Vẫn là loại đồng hồ nước kiểu Hồi giáo, có lính canh bên ngoài.

Khi gáo đồng đầy nước, rơi xuống đáy bể, người trực canh báo cho lính đánh trống biết là canh mấy để đánh trống báo giờ. Đây là chiếc đồng hồ công cộng đầu tiên của Hà Nội tính theo giờ âm lịch của Trung Hoa.

Năm 1882, trước lúc quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội, dân chúng vẫn còn nghe tiếng trống canh báo giờ. Người Pháp chiếm thành, đã phá bỏ nhiều công trình trong Hoàng thành để xây dựng trại lính, cả chiếc đồng hồ công cộng đầu tiên cũng bị phá bỏ.

Sau khi hoàn thành việc đánh chiếm Hà Nội vào năm 1883, người Pháp bắt tay ngay vào việc mở mang đường phố. Khu vực xung quanh Hồ Gươm được chọn để xây dựng khu trung tâm, đầu não của thành phố bao gồm các công trình phục vụ cho bộ máy cai trị và sinh hoạt của người Pháp. Bờ phía đông Hồ Gươm là tòa Đốc lý, tòa Công sứ, nhà Bưu điện, Nhà máy Đèn… Bờ phía tây là một nhà thờ Công giáo phục vụ cho sinh hoạt tín ngưỡng của giáo dân, đó là Nhà thờ Lớn Hà Nội trên phố Nhà Chung, được khánh thành vào đêm Noel năm 1887.

Một điều đặc biệt của Nhà thờ Lớn là ở tháp giữa, ngay dưới chân thánh giá có đặt một chiếc đồng hồ. Đúng 12 giờ đêm hôm khánh thành nhà thờ, nó gióng lên 12 tiếng chuông ngân vang làm các tín đồ Công giáo và cư dân quanh khu vực ngạc nhiên. Đồng hồ của nhà thờ Công giáo để con chiên biết giờ hành lễ, song nó là chiếc đồng hồ công cộng theo kiểu phương Tây đầu tiên ở Hà Nội. Mặt đồng hồ quay ra ngoài đường, ai cũng nhìn thấy, hơn nữa, đồng hồ này không tính theo giờ âm lịch của Trung Hoa mà tính giờ dương lịch theo múi giờ Quốc tế GMT.

Tuy vậy, ở nông thôn, ông bà nhà ta vẫn quen nghe tiếng gà gáy để đếm canh trời sáng, nhìn bóng mặt trời để biết giờ nghỉ cày, chứ mấy ai biết đồng hồ như thế nào.

Ngay cả ở Hà Nội, đồng hồ còn là vật dụng hiếm quý, nên Hà Nội chỉ có dăm cái đồng hồ công cộng để báo giờ cho dân chúng. Đầu tiên, vào năm 1905, một cái đặt ở đầu phố Hàng Đậu, gần đường dẫn lên cầu Long Biên; sau đó một cái đặt trên nóc hãng Godard, mà sau là Bách hóa Tổng hợp, nay là Tràng Tiền Plaza; một cái nữa đặt trên nóc hãng Anpo chuyên bán đồng hồ ở ngã bảy Cửa Nam và một cái đồng hồ gắn ở mặt chính ga Hàng Cỏ…

Tuy nhiên, chỉ duy nhất chiếc đồng hồ loại hai mặt tròn được người Pháp đặt chơ vơ giữa khoảng không gian rộng, nơi gặp nhau của các con phố Trần Nhật Duật - Phan Thanh Giản - Lương Ngọc Quyến - Hàng Muối - Hàng Chĩnh (nay là vị trí chân cầu Chương Dương) trên một cái cột gang với họa tiết rất tinh tế, là ấn tượng nhất đối với dân chúng Hà Nội. Vị trí cột đồng hồ này là một khoảng đất rộng kề bên một trục đường rất quan trọng của Hà Nội. Đó là con đường chạy dọc sông Hồng và có điểm rẽ vào khu phố cổ, cửa ngõ để vào nội thành.

Ngày đó, ngay phía dưới cột đồng hồ là bến tàu thuyền khá sầm uất, một của người Pháp, một của người Hoa và một là của hãng Giang hải Bạch Thái công ty của ông vua đường sông Bắc Kỳ Bạch Thái Bưởi. Ngay kề bên cái cột đồng hồ về phía phố Hàng Tre bây giờ, chính là tòa trụ sở của hãng với căn nhà ba tầng, tầng dưới bằng đá xanh. Đồng hồ đặt ở đây chính là để phục vụ cho những khách lên bến xuống thuyền xem giờ cho khỏi lỡ chuyến.

Từ sau vụ lụt năm 1925-1926, chính quyền khi đó mới đắp con đê chạy dọc sông và mở những cửa khẩu đi ra ngoài các bến bãi. Kể từ đó, quanh cột đồng hồ không còn là một bến tàu, thuyền sầm uất nữa và dần trở nên hoang vắng. Cái địa danh “cột Đồng Hồ” trở thành điểm hẹn của giới giang hồ, nơi diễn ra những vụ tỉ thí võ nghệ hoặc thanh toán lẫn nhau. “Một chọi một lên cột Đồng Hồ” trở thành một lời thách đấu. Thế hệ học sinh Hà Nội chúng tôi rất quen thuộc và cũng từng sử dụng cụm từ này. Đối với dân chúng Hà Nội cũ, khi nói đến địa danh cột đồng hồ là mặc nhiên nói đến địa điểm này.

Sau ngày tiếp quản Hà Nội, ngoài những đồng hồ công cộng có từ thời Pháp thuộc, vào khoảng từ năm 1960-1975, thành phố cho đặt thêm nhiều đồng hồ công cộng ở các địa điểm như: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, chợ Hàng Da, Ngã tư Sở… Do không được chăm chút, lúc nhớ thì lên dây cót, lúc quên thì bỏ mặc, nên đồng hồ khi chạy, khi chết, lúc nhanh, lúc chậm và có khi mỗi mặt đồng hồ, kim lại chỉ một giờ. Cho nên hầu hết cột đồng hồ công cộng đều được dỡ bỏ vào khoảng cuối những năm 80 để đi vào miền ký ức của những người Hà Nội già nua.

Riêng cây cột đồng hồ ở cạnh đê sông Hồng, đến khi thành phố xây dựng cầu Chương Dương vào năm 1983 mới bị dỡ bỏ. Khi thi công cầu Chương Dương, cây cột đồng hồ có từ thời Pháp đã được giám đốc Công ty Cầu 12 mang về cất giữ bảo quản nguyên vẹn trong kho vật tư.

Đến dịp hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Công ty Cầu 12 xin bàn giao lại cây cột đồng hồ cổ đó cho thành phố, để đặt tại vị trí giao nhau giữa cầu và nút giao thông như chúng ta trông thấy ngày nay. Tất nhiên là trên cây cột cổ có hoa văn rất đẹp này là một chiếc đồng hồ chạy bằng pin mặt trời do chúng ta chế tạo.

Nguyễn Việt Cường / Tri thức Trẻ Books - NXB Hà Nội

SÁCH HAY