Công cụ dịch AI mới của Alibaba mang tên Macro MT. Ảnh: CNBC. |
Theo CNBC, Alibaba - gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc vừa chính thức ra mắt phiên bản nâng cấp của công cụ dịch sử dụng AI vào ngày 15/10.
Alibaba khẳng định theo khung chuẩn dịch thuật Flores, phiên bản mới của họ mang tên Marco MT đã vượt mặt các "ông lớn" như Google, DeepL và ChatGPT.
Macro MT được nâng cấp từ phiên bản đã được ra mắt từ 1 năm trước với 500.000 người bán đang sử dụng. Công cụ này giúp người bán tạo trang sản phẩm phù hợp với ngôn ngữ của thị trường mục tiêu.
"Phiên bản mới hoàn toàn dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn, cho phép dịch chính xác hơn nhờ vào các yếu tố ngữ cảnh như văn hóa và thuật ngữ chuyên ngành", ông Kaifu Zhang, Phó chủ tịch Tập đoàn Thương mại Điện tử Quốc tế Alibaba, đồng thời là người đứng đầu sáng kiến trí tuệ nhân tạo chia sẻ với CNBC.
Kể từ khi Alibaba ra mắt phiên bản đầu tiên vào mùa thu năm ngoái, công cụ dịch AI này đã được sử dụng cho hơn 100 triệu sản phẩm. Tương tự các dịch vụ AI khác, Macro MT sẽ tính phí dựa trên lượng văn bản được dịch.
Song, ông Zhang từ chối tiết lộ giá của phiên bản cập nhật và chỉ cho biết nó được tích hợp trong một số gói dịch vụ dành cho người bán muốn tiếp cận thị trường quốc tế.
Ông cho rằng dịch thuật theo ngữ cảnh sẽ giúp tăng quyết định mua sắm của người tiêu dùng.
"Một từ ngữ quen thuộc trong tiếng Trung dùng để mô tả đôi dép nếu dịch theo nghĩa đen sẽ không phù hợp với người dùng tiếng Anh và có thể khiến họ mất hứng mua hàng, nhưng khi dịch theo ý nghĩa ngữ cảnh, kết quả sẽ tốt hơn", ông Zhang đưa ra ví dụ.
"Công cụ dịch thuật mới sẽ giúp cải thiện trải nghiệm mua sắm trong sự kiện Ngày Độc thân 11/11 nhờ vào khả năng diễn đạt chân thực hơn", ông Zhang chia sẻ khi đề cập đến lễ hội mua sắm do Alibaba tổ chức vào ngày 11/11 hàng năm.
Hiện, lễ hội độc thân là ngày lễ mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới với tổng doanh số bán hàng năm 2023 lên đến 1,14 nghìn tỷ USD, tương đương 160 tỷ USD.
Theo Global Times, sự kiện này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của các nền tảng TMĐT mà còn được coi là một chỉ số quan trọng để các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả hoạt động tại Trung Quốc.
Hoạt động kinh doanh quốc tế của Alibaba bao gồm các nền tảng như AliExpress và Lazada, với mục tiêu chính là thị trường Đông Nam Á. Kết thúc quý II, đơn vị này báo cáo doanh thu đạt 4,03 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, doanh thu từ Taobao và Tmall - mảng thương mại điện tử chính của Alibaba tại Trung Quốc - đã giảm 1% so với năm trước, đạt 15,6 tỷ USD.
Ứng dụng Taobao cũng được ưa chuộng tại Singapore. Vào tháng 9, nền tảng đã ra mắt phiên bản tiếng Anh sử dụng trí tuệ nhân tạo cho người dùng tại quốc gia này.
Theo các nhà phân tích tại Nomura, doanh thu quốc tế của Alibaba có thể đã chậm lại, chỉ còn tăng 29% trong quý III, trong khi khoản lỗ hoạt động đã giảm. Hiện, Alibaba vẫn chưa công bố báo cáo thu nhập quý.
"Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng công cụ AI này để giúp tăng lợi nhuận cho người bán, vì nếu họ thành công, nền tảng cũng sẽ phát triển", ông Kaifu Zhang nói.
ChatGPT sử dụng nguồn dữ liệu khổng lồ để đưa ra những văn bản dịch tự nhiên. Ảnh: Shutterstock. |
Các mô hình ngôn ngữ lớn là nền tảng cho các ứng dụng AI như ChatGPT của OpenAI, có khả năng dịch thuật văn bản. Các mô hình này có thể tạo ra các phản hồi tự nhiên theo yêu cầu của người dùng nhờ được "huấn luyện" trên lượng dữ liệu khổng lồ.
Công cụ dịch thuật của Alibaba được xây dựng dựa trên mô hình riêng có tên Qwen, hỗ trợ 15 ngôn ngữ bao gồm tiếng Arab Saudi, Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật, Hàn, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine. Theo đó, ông Zhang dự đoán sẽ có nhiều nhu cầu lớn từ châu Âu, châu Mỹ và các thị trường mới nổi.
Trên Alibaba.com - trang bán hàng dành cho doanh nghiệp, các nước đang phát triển chiếm khoảng một nửa trong số 20 quốc gia sử dụng công cụ AI tích cực nhất, ông Zhang tiết lộ.
Doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng tìm kiếm cơ hội phát triển quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Các thương hiệu như Temu (PDD Holdings), Shein và TikTok đã tiến vào thị trường toàn cầu. Nhiều người bán tại Trung Quốc cũng kinh doanh trên Amazon.com.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.