Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai đã ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme?

Thủ tướng Olof Palme bị ám sát trên con phố đông đúc nhất Thụy Điển với hàng chục nhân chứng đã nhìn thấy hung thủ, nhưng sau 34 năm cảnh sát vẫn chưa tìm ra ai là thủ phạm.

Là người gây nhiều tranh cãi với tính cách thẳng thắn ở trong và ngoài nước, ông Olof Palme - vào thời điểm bị ám sát, đang trong nhiệm kỳ thứ 2 với tư cách là lãnh đạo đất nước Thụy Điển. Tuy là thủ tướng, nhưng Palme muốn có cuộc sống như người bình thường và bỏ qua việc sử dụng vệ sĩ, điển hình là đêm 28/2/1986 khi ông bị ám sát.

Hơn một chục nhân chứng đã nhìn thấy một người đàn ông cao lớn bắn những phát súng trước khi chạy trốn khỏi hiện trường. Giờ đây, 34 năm sau vụ ám sát, Văn phòng Công tố viên Thụy Điển tuyên bố sẽ đưa ra kết luận điều tra trong một cuộc họp báo dự kiến tổ chức vào ngày 10/6, BBC cho biết.

“Tôi lạc quan về việc có thể trình bày những gì đã xảy ra với vụ án và ai là người chịu trách nhiệm”, Công tố viên trưởng Krister Petersson nói với truyền hình công cộng Thụy Điển vào tháng 2.

Người ta vẫn chưa biết ai sẽ bị buộc tội, hoặc nghi phạm mới nào đó được nêu tên, nhưng mọi người đều hy vọng cảnh sát cuối cùng có thể giải quyết được vụ giết người đã ám ảnh đất nước này trong nhiều thập kỷ, sinh ra vô số thuyết âm mưu.

Olof Palme là ai?

Sinh năm 1927 trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu và có mối liên hệ quý tộc. ông Palme gia nhập đảng Dân chủ xã hội vào năm 1949 và vươn lên lãnh đạo đảng và trở thành cố vấn cho Thủ tướng Tage Erlander vào năm 1969.

Vu am sat thu tuong Thuy Dien anh 1

Cố Thủ tướng Palme là nhà phê bình thẳng thắn đối với các chính sách của nước ngoài. Ảnh: Getty.

“Palme là một trong những cậu bé của Erlander. Ông ấy được nuôi dưỡng như một chính trị gia bởi người được cho một trong những cha đẻ của hệ thống phúc lợi Thụy Điển. Ông ấy đã thực hiện và nâng cao chính sách của Tage Erlander”, Anna Sundstrom, Tổng thư ký Trung tâm quốc tế Olof Palme, nói với BBC.

Khi được bổ nhiệm làm thủ tướng thay thế Thủ tướng Tage Erlander vào tháng 10/1969, ông Palme đã tăng cường sức mạnh nghiệp đoàn, mở rộng đáng kể chăm sóc sức khỏe và phúc lợi nhà nước. Ông loại bỏ tất cả quyền lực chính trị khỏi chế độ quân chủ và đầu tư mạnh vào giáo dục.

Bà Sundstrom cho biết một trong những cải cách quan trọng nhất là tạo ra nhà trẻ và trường mầm non, cho phép phụ nữ lần đầu tiên tham gia lực lượng lao động và thúc đẩy bình đẳng giới ở Thụy Điển.

Ông cũng là người có tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề quốc tế, chỉ trích cả Mỹ lẫn Liên Xô. Palme phản đối mạnh mẽ cuộc xâm lược Tiệp Khắc của Liên Xô năm 1968. Điều này khiến mối quan hệ giữa Washington và Stockholm bị đóng băng.

Ông gọi nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi là “một hệ thống đặc biệt khủng khiếp” và tài trợ cho Đại hội Dân tộc Phi (ANC), tố cáo chế độ phát xít của tướng Franco ở Tây Ban Nha là “kẻ giết người đê tiện”.

Ông Palme vận động chống lại sự phổ biến của vũ khí hạt nhân. Ông cũng làm trung gian hòa giải trong cuộc chiến Iran - Iraq những năm 1980.

Hành động và lời nói của ông ở trong và ngoài nước được nhiều người ủng hộ, nhưng cũng tạo ra không ít kẻ thù. Các chủ doanh nghiệp và nhiều nhân vật ở Thụy Điển đã nổi giận vì những cải cách của ông. Những chỉ trích của ông đối với các chính phủ nước ngoài đã khiến nhiều nhà lãnh đạo trên toàn cầu tức giận.

“Người ta yêu và ghét Palme cùng lúc. Có sự phẫn nộ rất mạnh mẽ, nhất là về quyền chính trị. Nhưng ông cũng rất được kính trọng bởi một bộ phận lớn người dân Thụy Điển. Mọi người vẫn đến đặt hoa nơi ông qua đời”, bà Sundstrom nói.

Ông bị ám sát như thế nào?

Vào đêm xảy ra vụ án mạng ngày 28/2/1986, Palme đã không cho các vệ sĩ đi cùng khi ông về nhà và vợ ông đã đề nghị một chuyến đi xem phim đầy ngẫu hứng. Vợ chồng Thủ tướng Palme rời khỏi căn hộ mà không có vệ sĩ đi cùng.

Họ đi tàu điện ngầm từ phố cổ đến trung tâm và gặp con trai cùng bạn gái của anh ta bên ngoài rạp chiếu phim Grand vào lúc khoảng 21 giờ. Sau khi xem xong bộ phim, vợ chồng ông đi xuống Sveavagen được biết đến là con đường nhộn nhịp nhất Thụy Điển.

Vu am sat thu tuong Thuy Dien anh 2

Một cành hoa được đặt cạnh vết máu của Thủ tướng Palme tại hiện trường vụ án. Ảnh: Getty.

Ở góc đường Sveavagen và Tunnelgatan vào lúc 23h21, một người đàn ông cao lớn đã bắn 2 phát súng, một phát đạn trúng vào lưng ông Palme khiến ông tử vong tại chỗ, phát đạn thứ 2 trúng người vợ khiến bà bị thương nhẹ.

Kẻ giết người sau đó chạy bộ xuống đường, leo lên một số cầu thang đến con phố lân cận và biến mất. Cả Thụy Điển sững sờ trước vụ ám sát.

Cảnh sát dường như cũng trong tình trạng sốc. Các điều tra viên đã hành động không đúng cách ở hiện trường vụ án. Họ phong tỏa một khu vực quá nhỏ của trung tâm thành phố vài giờ sau khi kẻ giết người bỏ trốn.

Những người tiếc thương vị thủ tướng có thể vượt qua dây bao quanh hiện trường để đặt hoa nơi máu của ông Palme vẫn còn trên mặt đất. Vỏ đạn bắn ra từ khẩu súng của thủ phạm đã không được tìm thấy cho đến vài ngày sau bởi một người qua đường.

Ai có thể là thủ phạm?

Dù có rất nhiều nhân chứng tại hiện trường, cảnh sát lại có rất ít sự chỉ dẫn. Vỏ đạn thu hồi từ hiện trường cho thấy thủ phạm đã sử dụng khẩu súng lục ổ quay có cỡ đạn 9x33 mm, một vũ khí rất mạnh.

“Ngay cả khi ông Palme mặc áo chống đạn, ông ấy cũng sẽ chết. Vụ ám sát được thực hiện một cách có chủ đích và lên kế hoạch cẩn thận”, Jan Bondeson, tác giả cuốn sách “Máu trên tuyết: Cái chết của Olof Palme” nói với BBC.

Vu am sat thu tuong Thuy Dien anh 3

Christer Pettersson một nghi phạm từng bị kết án là hung thủ, nhưng sau đó đã được trả tự do vì không có bằng chứng. Ảnh: Getty.

Điều tra viên trưởng đầu tiên của vụ án đã theo đuổi ý tưởng rằng đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan đến vụ ám sát. Họ đang chiến đấu cuộc chiến chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và gần đó đã bị chính phủ của Palme tuyên bố là khủng bố.

Nhưng ông buộc phải từ chức vào năm 1987, khi cuộc đột kích vào cửa hàng sách, nơi được cho là căn cứ của tổ chức PKK ở Thụy Điển đã không tìm được bằng chứng liên quan nào.

Năm 1988, cảnh sát bắt giữ nghi phạm Christer Pettersson. Ông ta từng giết một người đàn ông trên đường phố Stockholm bằng lưỡi lê vào năm 1970 mà không có động cơ gì cả. Pettersson khớp với mô tả của một người được nhìn thấy có hành động đáng ngờ gần rạp chiếu phim vào đêm ông Palme bị giết.

Khi ở trong đồn cảnh sát, vợ cố thủ tướng Palme nói rằng ông ta là thủ phạm. Pettersson bị kết án chung thân vào năm 1989. Nhưng luật sư của ông ta đã kháng cáo ngay lập tức. Tòa án đã trả tự do cho Pettersson sau 3 tháng tù và khoản bồi thường trị giá 50.000 USD.

Chấn thương tâm lý tập thể và nỗi ám ảnh của Thụy Điển về vụ ám sát đã tạo ra vô số thuyết âm mưu, còn gọi là "Palmes sjukdom", hay bệnh Palme. Năm 1996, một cựu sĩ quan cảnh sát Nam Phi nói rằng Palme bị giết vì lập trường chống chủ nghĩa apartheid và tài trợ cho ANC.

Các nhà điều tra Thụy Điển đã đến Nam Phi năm đó, nhưng không tìm thấy mối liên hệ, dù một số người tin rằng chế độ phân biệt chủng tộc cũ ở Nam Phi vẫn nên được xem là nghi phạm.

Trong khi đó, Bondeson cho rằng vụ ám sát có liên quan đến thỏa thuận vũ khí giữa Công ty Bofors của Thụy Điển với quân đội Ấn Độ. Thụy Điển có thỏa thuận cung cấp pháo phòng không cho Ấn Độ giai đoạn 1980 - 1990, nhưng sau đó người ta phát hiện Công ty Bofors đã mua chuộc người trung gian để có được hợp đồng. Vụ bê bối liên quan đến cựu Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi.

“Có thể Thủ tướng Palme đã phát hiện vụ hối lộ của Công ty Bofors trước ngày xảy ra án mạng. Điều đó mang lại cho người trung gian một lý do mạnh mẽ để giết Palme, nhưng đó là điều mà cảnh sát luôn bỏ qua”, tác giả Bondeson nói.

Một nghi phạm khác là Stig Engstrom, còn được gọi là người đàn ông Skandia, ông là nhân viên tại công ty bảo hiểm Skandia có trụ sở gần hiện trường vụ án. Ông là một trong khoảng 20 người chứng kiến vụ ám sát. Ông ta đã tự sát vào năm 2000.

Cảnh sát bắt đầu điều tra về Engstrom vào năm 2018, sau loạt bài phóng sự điều tra kéo dài 12 năm của nhà báo Thomas Pettersson đã xác định Engstrom là nghi phạm. Nhà báo Pettersson cho rằng ông ta được huấn luyện sử dụng vũ khí và là bạn của một trong những nhà sưu tập vũ khí có niềm đam mê với súng lục ổ quay Magnum.

Engstrom cũng được chứng minh là đã nói dối về thời gian của mình tại hiện trường vụ án. Ông ta tuyên bố rằng đã cố gắng hồi sức cho cố thủ tướng, điều mà ông ta không hề làm.

“Nhiều người Thụy Điển tin rằng Engstrom sẽ được sử dụng như vật tế thần. Ông ta là người thấp và bình thường, trong khi thủ phạm thực sự là người cao lớn và khỏe mạnh”, tác giả Bondeson nói. Ông không tin thông báo sắp tới của Văn phòng Công tố viên sẽ cung cấp được nhiều thông tin mới mẻ.

“Tôi không mong đợi bất cứ điều gì, tôi không mong đợi sự rõ ràng, nhưng tôi nghĩ dù sao đi nữa cũng rất quan trọng để khép lại vụ án. Bạn cần tìm cách khép lại nó dù bạn không có câu trả lời thực sự nào”, bà Sundstrom nói.

Cái chết bí ẩn của vua cà phê

V.G. Siddhartha được mệnh danh là “vua cà phê” ở Ấn Độ nhưng cái chết đột ngột của ông hé lộ những đan xen bí ẩn giữa chính trị và tiền bạc.

Ám sát tướng Soleimani - kỷ nguyên nguy hiểm mới ở Trung Đông

Tổng thống Trump tweet “mọi chuyện vẫn ổn” sau khi Iran tấn công trả thù vào căn cứ Mỹ. Nhưng có lẽ chỉ mình ông nghĩ vậy. Giai đoạn đầy rủi ro đang đến với Trung Đông.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm