V.G. Siddhartha được mệnh danh là “vua cà phê” ở Ấn Độ nhưng cái chết đột ngột của ông hé lộ những đan xen bí ẩn giữa chính trị và tiền bạc.
Đầu năm 2019, khoảng 6 tháng trước khi thi thể của ông được tìm thấy ở sông Netravati, bang Karnataka miền Nam Ấn Độ, V.G. Siddhartha gặp gỡ các đại diện của Blackstone, một trong những công ty đầu tư hàng đầu thế giới.
Ông Siddhartha là nhân vật thành công và ảnh hưởng bậc nhất ở bang Karnataka, là người sáng lập Cafe Coffee Day, đối thủ cạnh tranh với Starbucks của riêng Ấn Độ. Ông sở hữu 1.700 quán trên cả nước và 4.500 ha trồng cà phê. Ông có cổ phần trong nhiều công ty, từ khởi nghiệp, nghỉ dưỡng, bất động sản, đến đồn điền trồng chuối.
Nhưng khi gặp gỡ công ty Blackstone, ông lại đang gấp rút muốn bán “vương miện” trong bộ sưu tập bất động sản của mình: khu công nghệ Global Village, trung tâm công nghệ 240.000 m2 ở Bangalore, thủ phủ của bang.
Ông làm vậy để xử lý các khoản nợ. Chuỗi Cafe Coffee Day của ông phát triển được là nhờ vốn vay, và các mảng kinh doanh khác của ông Siddhartha cũng vậy. Ông vay nhiều tới mức các ngân hàng không còn sẵn lòng cho vay nữa, và phải bước vào thị trường đầy mờ ám, không kiểm soát của những chủ nợ tự do.
Ông cũng bị giới chức thuế điều tra kể từ tháng 9/2017, và 20 bất động sản của ông bị chính quyền tới khám xét. Tâm sự với những người thân cận, ông Siddhartha tin rằng cuộc điều tra có động cơ chính trị - điều này càng làm tăng độ bí ẩn trong cái chết của ông, theo một bài điều tra của Nikkei Asian Review.
Thi thể của ông trùm cà phê V. G. Siddhartha được đưa lên từ sông Netravati. Ảnh: AFP. |
Dựa vào lời kể của những người biết về ông Siddhartha, Nikkei Asian Review cho biết ông đang gặp rắc rối với những sự thay đổi, đấu đá chính trị đầy sự độc hại ở bang Karnataka, nơi do một nhóm đảng liên minh kiểm soát và luôn có sự phản bội hay đổi trác quyền lực đắt đỏ.
Nhưng ông Siddhartha thích cuộc chơi này. “Ông ấy rất thích ván bài chính trị... trong đầu ông coi mình là người kiến tạo ngôi vua”, một cấp dưới nói.
Tuy nhiên, ông bị dàn trải trên mọi mặt trận. “Không ai làm kinh doanh có thể sống sót nếu không có các quan hệ chính trị”, cấp dưới của ông nói thêm. “Nhưng ông Siddhartha đã chơi nước ba. Ông ấy chọn cuộc chơi quá sức mình”.
Đến tháng 3/2019, ông Siddhartha và Blackstone gần đạt thỏa thuận bán khu công nghệ ở Bangalore, sẽ đỡ được phần nào khoản nợ, nhưng ông đột ngột rút lại.
Cuối tháng 7/2019, liên minh cầm quyền ở bang Karnataka sụp đổ, phải chuyển giao quyền lực cho đảng BJP. Đảng BJP vẫn đang trên đà củng cố vị thế sau khi chiến thắng bầu cử quốc hội năm 2014.
Cùng thời gian đó, một người có tên Jacob Mathew, thay mặt ông Siddhartha, liên hệ với công ty Blackstone, cho biết khách hàng của mình lại muốn bàn về thương vụ bất động sản.
Ngày 29/7, ông Siddhartha xuống xe ở trên cầu gần Mangalore. Hai ngày sau, các ngư dân phát hiện thi thể của ông. Cuộc điều tra của cảnh sát kết luận ông chết đuối vì tự tử.
Việc ông bỗng nhiên muốn thương lượng tiếp với Blackstone chỉ là một trong nhiều bí ẩn chưa được giải đáp. Cái chết của ông đặt cho giới kinh doanh Ấn Độ nhiều câu hỏi tự vấn, về tư bản thân hữu, tham nhũng, và đặc biệt là mối liên hệ vừa gần, vừa mong manh giữa các doanh nhân và chính trị gia.
Nếu một doanh nhân giỏi chính trị, đầy mối quan hệ như ông Siddhartha mà còn chịu sức ép đến mức không chịu nổi như vậy, còn ai được an toàn nữa - các doanh nhân tự hỏi?
“Ông ấy là một người giỏi và đã gây dựng một nhãn hàng tuyệt vời”, một giám đốc phụ trách Ấn Độ của một quỹ đầu tư quốc tế, nói. “Ông ấy gần như là người có nhiều mối quan hệ, nhiều ô dù nhất. Cái chết của ông ấy làm tôi rùng mình vì những cái nó phản ánh về Ấn Độ”.
Trong cuộc phỏng vấn với tuần san Outlook của Ấn Độ, ông Siddhartha từng kể về tuổi trẻ: thất vọng vì không vào được quân đội và sau đó quyết định theo đuổi kinh doanh. “Tôi muốn làm Robin Hood, lấy của người giàu chia cho người nghèo, nhưng tôi nhận ra Ấn Độ là một nước rất nghèo. Thực sự không có gì để lấy cả. Tốt hơn là nên tự làm ra tiền của mình, làm kinh doanh”, ông chia sẻ.
Năm 1983, thanh niên Siddhartha ngoài 20 tuổi tới Mumbai, “thành phố của những người giàu có, nổi tiếng”, theo lời ông kể lại. Sau đó ông gọi cho Mahendra Kampani, cựu chủ tịch Sàn giao dịch Chứng khoán Bombay, khi ấy đang là chủ công ty môi giới chứng khoán lớn, mà thanh niên Siddhartha đã đọc được trên một tạp chí đầu tư.
Trong lần đầu tiên lên văn phòng của ông Kampani, Siddhartha leo thang bộ 6 tầng, vì chưa bao giờ đi thang máy. Siddhartha học việc ở đó hai năm, học được nghệ thuật đầu tư tài chính.
Siddhartha dành tiền kiếm được để mua đồn điền trồng cà phê. Đầu thập niên 1990, chính phủ Ấn Độ cắt bớt kiểm soát ngành cà phê, cho người trồng bán trực tiếp cho người mua. Đến năm 1993, công ty của Siddhartha đã có khoảng 1.200 ha đất trồng cà phê. Sau đó, năm 1994, ông lại gặp thời: một đợt lạnh ở Brazil khiến giá cà phê hạt tăng gấp 4 lần. Đến năm 1996, Siddhartha là chủ của công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Ấn Độ.
Một cuộc gặp tình cờ với gia đình nhà Herz, sở hữu chuỗi cà phê Đức Tchibo, sau đó khiến Siddhartha nghĩ rằng tương lai của ông không chỉ nằm ở việc bán cà phê thô, mà phải chuyển thành chuỗi quán cà phê Internet, khái niệm mới và đắt đỏ với người dân Ấn Độ.
“Bạn có thể thất bại thảm hại, nhưng nếu không chấp nhận rủi ro, bạn đã không cho mình cơ hội thành công”, ông nói với tuần san Outlook. “Là doanh nhân, bạn không thể từ bỏ hy vọng”.
Nhưng ngay từ đầu, ông đã dàn trải. Ông đầu tư vào Nam Mỹ dù không biết nhiều về khu vực này. Ông đầu tư kinh doanh ngân hàng, rồi mở kinh doanh nội thất. Ông đầu tư vào công ty công nghệ khởi nghiệp và lập ra các công ty con không liên quan tới nhau, chẳng hạn công ty hậu cần Sical.
Ngày tồi tệ nhất đối với ông là một ngày tháng 10/2015 khi công ty Cafe Coffee Day của ông lên sàn giao dịch, để rồi cổ phiếu giảm giá 18%. Khi gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng, ông sẽ hỏi họ: “Các ông có cổ phiếu của tôi không? Các ông sẽ mua chứ?”, Rahul Chadha của công ty đầu tư Mirae Asset Global Investments, nói“Ông ấy rất táo bạo”.
Năm 1988, ông cưới Malavika Krishna, con gái của chính khách S.M. Krishna đầy quyền lực của đảng Quốc đại (Congress Party) - cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt.
Đó là cuộc kết hôn có lợi cho cả ông Siddhartha và người bố vợ. Ông Siddhartha tài trợ cho các hoạt động chính trị của bố vợ, đổi lại ông được gần hơn với hậu trường chính trị ở cả bang Karnataka và trung ương tại thủ đô New Delhi. Ông Krishna sau này trở thành thủ hiến bang Karnataka từ 1999-2004, và ngoại trưởng Ấn Độ từ 2009-2012.
Ông Siddhartha thân với giới lãnh đạo đảng Quốc đại, bao gồm chủ tịch đảng Sonia Gandhi. Ông tài trợ không chỉ các chiến dịch của bố vợ, mà còn cả các chiến dịch của đảng ở tầm quốc gia.
“Mọi người tưởng rằng S.M. Krishna giúp con rể làm nên sự nghiệp”, một nhà tư vấn chính trị gần với ông Siddhartha nói. “Nhưng trên thực tế là ngược lại”.
Quan hệ chính trị là cần phải có nếu muốn kinh doanh ở Ấn Độ, nhất là khi dính đến mua các khoảng đất lớn hay trong những ngành bị kiểm soát chặt. Ông Siddhartha, có 4.500 ha đất đồn điền, các khu nghỉ dưỡng, và các chuỗi quán cà phê, thuộc cả hai dạng trên.
Nhưng ông có vẻ thích thú cuộc chơi chính trị. Các khu nghỉ dưỡng và khu trồng cà phê của ông mở cửa miễn phí đối với các chính khách. Ông tài trợ cho các hoạt động công kích nhau của các đảng và tài trợ cho một số nghị sĩ chuyển từ đảng này sang đảng khác, theo một số người thân cận. Người kế nhiệm tạm thời của tập đoàn ông Siddhartha sau khi ông qua đời cũng là một chính khách.
“Mọi chính khách đều muốn ông Siddhartha tài trợ cho mình”, người sáng lập một công ty phần mềm ở Bangalore mà ông Siddhartha đã đầu tư nói. “Mọi người đều mong đợi như vậy”.
Ông Siddhartha tại một quán Cafe Coffee Day trong bức ảnh chụp năm 2015. Ảnh: AFP. |
Ông Siddhartha cũng dựa vào các mối quan hệ khi cần tiền. “Trong chính trị ở Karnataka, tiền chảy theo cả hai hướng”, một chủ nợ của ông cho biết. Ngoài việc gây quỹ cho các chính khách đảng Quốc đại, ông cũng “nhận tiền từ các chính khách để giải quyết vấn đề thanh khoản”.
“Nhưng chính trị là con dao hai lưỡi”, người chủ nợ này nói thêm. Việc ông quá gần với đảng Quốc đại sau này trở thành gánh nặng, khi đảng BJP của Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi thắng áp đảo trong bầu cử 2014.
Lời hứa của đảng BJP bao gồm việc “đánh” chủ nghĩa tư bản thân hữu đã quá phổ biến ở Ấn Độ. Trên thực tế, chiến lược đó có nghĩa đảng này sẽ gây áp lực lên các doanh nhân thân với các đảng đối lập.
Ông Siddhartha “ngày càng nhận ra mình cần một chính sách bảo hiểm”, người tư vấn chính trị trên cho biết.
Năm 2017, ông Krishna rời đảng Quốc đại để ủng hộ đảng BJP. Vào lúc đó, có tin đồn rằng ông đang bị các đồng nghiệp trong đảng gạt ra rìa. Tuy nhiên, hai người gần với ông Siddhartha nói chính ông đã gây áp lực để bố vợ mình chuyển đảng.
“Không có gì là vĩnh viễn trong chính trị”, ông Siddhartha nói với một đối tác kinh doanh vào thời điểm đó. “Mọi thứ thay đổi nhanh lắm”.
Một động lực để ông Siddhartha gần hơn với đảng BJP có thể là vì muốn tháo gỡ vấn đề mới ngáng đường ông: điều tra thuế.
Ở Ấn Độ, đất nước mà nạn trốn thuế là khá phổ biến, giới chức thuế thường có chọn lọc trong việc chọn ai để truy thu. Có những trường hợp, sự chọn lọc đó mang tính chính trị.
Cụm từ “khủng bố thuế” trở nên phổ biến trong giới kinh doanh. Ngay cả các quan chức thuế cao cấp cũng thừa nhận rằng họ bị các chính trị gia chỉ đạo điều tra các đối tượng cụ thể.
Hè năm 2017, họ nhắm đến ông Siddhartha. Văn phòng của ông Siddhartha và gia đình bị khám xét trong vài ngày.
Sau cái chết của ông, giới chức thuế liên tục phủ nhận ông Siddhartha bị điều tra vì nguyên nhân chính trị, và nói rằng chính ông cũng thừa nhận sai sót về thuế.
Điều tra thuế ở Ấn Độ là việc gây ra nhiều gián đoạn, khiến tài sản bị đóng băng trong thời gian dài và các cuộc thương lượng kéo dài. Dù cơ quan thuế không có quyền tống giam, nhưng ông Siddhartha cảm thấy mình bị sách nhiễu.
Sau cái chết của ông Siddhartha, các chính trị gia đối lập nhanh chóng cáo buộc giới chức thuế đã gây áp lực đến mức ông phải chết. “Ông ấy đã bị sát hại không thương tiếc bởi những kẻ khủng bố thuế, giờ đang muốn bôi nhọ ông”, người phát ngôn đảng Quốc đại nói với báo chí Ấn Độ.
Tuy vậy, một số người khác nói điều tra thuế có khiến ông Siddhartha đau đầu, nhưng cũng chỉ là một trong hàng loạt vấn đề đan xen mà ông Siddhartha đang đối mặt.
“Dù có sự sách nhiễu, chuyện thuế chỉ là một chú thích dưới trang trong câu chuyện (về ông Siddhartha)”, một cựu cố vấn của ông nói.
Vẫn chưa rõ chuỗi Cafe Coffee Day và bản thân ông Siddhartha nợ bao nhiêu, nhưng một thành viên hội đồng quản trị nói với Nikkei khoản nợ có thể lên đến 1 tỷ USD. Số công ty con và các đơn vị khác mà công ty kiểm soát đã lên đến 45, trong đó nhiều công ty được lập ra bằng tiền vay.
Khu tưởng niệm ông Siddhartha tại trụ sở công ty ở Bangalore, tháng 7/2019. Ảnh: AFP. |
Hơn nữa, các khoản nợ cũng không tách rõ giữa công ty và người sáng lập. Công ty không có một chuyên gia về tài chính đủ tầm để áp đặt một sự kỷ luật tài chính lên ông Siddhartha, người luôn thích mở rộng, tăng trưởng mà không để ý đến lợi nhuận thực sự, theo nhiều người biết về công ty.
Không chỉ nợ nhiều, mà chi phí cho khoản nợ đó cũng tăng dần. Ông Siddhartha mượn tiền của ngân hàng này để trả cho ngân hàng khác, hoặc để trả cho nhà đầu tư mức lợi nhuận mà ông đã hứa. Nhưng ngày càng nhiều ngân hàng từ chối cấp vốn, khiến ông phải kiếm vốn từ những nguồn mờ ám hơn.
Vấn đề của ông càng tệ hơn khi một nhà cho vay lớn, mang tên Dịch vụ Tài chính & Cho thuê Hạ tầng (IL&FS), sụp đổ vào cuối 2018, khiến chi phí vay vốn trên toàn Ấn Độ tăng lên.
“Nếu vụ IL&FS không xảy ra, ông Siddhartha có lẽ đã có thể duy trì lâu hơn”, ông Mathew, người thay mặt ông Siddhartha đặt lại vấn đề thương lượng với Blackstone, cho biết.
Giữa tháng 7/2019 - tháng mà ông qua đời - ông Siddhartha đến Mumbai để hỏi vay mượn thêm tiền. Nhưng ông bị từ chối.
“Ông ấy là bậc thầy về chuyện tài chính phức tạp, quay vòng vốn. Nhưng ông ấy đã nợ quá nhiều. Ông ấy có thể lo được nếu ở quy mô nhỏ, nhưng khi dòng tiền không đủ, quả bóng mà ông phải tung hứng cứ to dần lên. Cả vốn lẫn lãi cứ tăng lên và quả bóng trở nên nặng quá không thể tung hứng tiếp”, Sanjay Bhandarkar, một giám đốc vừa nghỉ hưu của công ty đầu tư Rothschild ở Mumbai, nói.
“Ông ấy thích dùng quyền lực của mình và dùng quá dễ dãi. Một khi đã chơi trò chính trị, rồi bạn sẽ đụng chạm. Đã vào cuộc chơi, kiểu gì cũng có hậu quả”.
Trong những tháng cuối đời, ông Siddhartha rõ ràng đang khủng hoảng, dù ông luôn muốn giữ bề ngoài thành đạt.
“Mọi người đều nghĩ về ông ấy là một doanh nhân tài năng”, một luật sư dòng dõi chính trị ở bang Kartanaka, nói. “Ông ấy luôn tự tin, luôn cười. Nhưng ông ấy có lãi đâu”.
“Ông ấy thích hình ảnh của mình”, một người làm ngân hàng nói. Nhưng việc duy trì cái bề ngoài đó ngày càng khó khăn, khi các khoản nợ vượt quá tầm kiểm soát. Ông Siddhartha đi thương lượng để bán tài sản, rồi bất ngờ rút lại như đối với Blackstone.
Đầu năm 2019, ông nói với bạn bè rằng ông cảm thấy bị phản bội khi lãnh đạo công ty phản đối việc bán cổ phần 20% trong công ty công nghệ Mindtree.
“Tôi nhắm mắt cho họ tiền khi họ gặp rắc rối”, ông Siddhartha nói với một người làm ngân hàng. “Để rồi bây giờ làm gì họ cũng chặn tôi”.
Cuối cùng, ông cũng tìm được người mua, đỡ một chút cho số nợ của ông.
Nhưng số nợ vẫn quá lớn, khiến ông mất dần đế chế của mình. Gia đình ông kiểm soát gần 54% đế chế, nhưng 3/4 trong số đó đã được thế chấp cho các chủ nợ. Sau cùng, khi bị các chủ nợ đòi, cổ phần của gia đình ông chỉ còn 17%.
Ông trở nên tuyệt vọng khi đế chế tuột khỏi tay. Ông nói với con trai rằng mình sắp phải vào tù. “Tôi có linh cảm vậy”, ông đã nói, theo lời kể của một người bạn.
Chỉ vài tuần sau cái chết của ông Siddhartha, công ty Blackstone ký thỏa thuận với vợ ông, mua lại bất động sản khu công nghệ với giá 385 triệu USD. Các công ty đầu tư đã xem xét phần còn lại trong đế chế của ông, nhưng theo dự đoán, sẽ không có thêm đề nghị mua nào. “Tài chính có vấn đề, thì chúng tôi khắc phục được”, một nhà đầu tư nói. “Nhưng mô hình kinh doanh có vấn đề thì khó chữa hơn”.
Công ty đã thuê Ashok Kumar Malhotra, cựu quan chức của cục điều tra trung ương Ấn Độ, để điều tra vụ tự sát của ông Siddhartha, nhưng vẫn chưa rõ đã có kết quả gì hay chưa. Công ty kiểm toán Deloitte cũng đang kiểm toán, rà soát lại đế chế của ông Siddhartha. Điều tra chính thức cũng đang được chính quyền tiến hành.
Còn một bí ẩn cuối cùng: một bức thư trên bàn của ông Siddhartha, được trợ lý của ông tìm thấy.
Được gõ bằng tiếng Anh, có cả phụ lục gồm các con số, bức thư ghi rõ những bên mà ông tố cáo đang sách nhiễu ông, từ các công ty đầu tư đến cơ quan thuế. Bức thư nói tài sản của ông nhiều hơn nợ, và nêu rõ các vấn đề mà cuộc điều tra thuế gây ra, chẳng hạn như vụ bán cổ phần Mindtree bị trì hoãn. Bức thư cũng nhắc đến một số vấn đề khác của công ty ông, mà trước đó chưa được biết đến.
“Tôi xin lỗi những người đã tin tưởng tôi. Tôi chiến đấu rất lâu nhưng hôm nay tôi bỏ cuộc vì không thể chịu nổi áp lực từ một trong số các cổ đông quỹ đầu tư, buộc tôi phải mua lại cổ phần (của họ), mà tôi đã làm một phần từ 6 tháng trước, nhờ tiền mượn của một người bạn. Sức ép từ các chủ nợ khác đã khiến tôi từ bỏ”, bức thư viết.
Đồng thời, bức thư cũng nói ông Siddhartha có phần lỗi. “Mình tôi chịu trách nhiệm cho toàn bộ sai lầm”, bức thư viết. “Mọi giao dịch tài chính là trách nhiệm của tôi. Nhân viên của tôi, bên kiểm toán và ban lãnh đạo hoàn toàn không biết hết về các giao dịch của tôi. Luật pháp nên quy trách nhiệm cho tôi và chỉ riêng tôi, vì tôi đã giấu thông tin khỏi mọi người, bao gồm gia đình tôi”.
Đó trông giống bức thư tuyệt mệnh từ một giám đốc đã tuyệt vọng. Nhưng, như một chủ nợ đã chỉ ra, các con số đều đã cũ. Một quan chức từ cục thuế nói chữ ký trên bức thư khác với chữ ký trên các tài liệu mà ông Siddhartha đã nộp lên cục thuế.
Bạn bè, cấp dưới và đối tác nói rằng gần như không thể có chuyện một người có tiếng là dễ sao nhãng như ông Siddhartha lại có thể viết một bức thư dài và logic như vậy.
“Ông ấy có tầm chú ý ngắn lắm”, một nhà đầu tư nói. “Ông ấy rất kiệm lời”.
Không lâu sau khi bức thư được phát hiện, hội đồng quản trị Cafe Coffee Day ra thông cáo nói chưa thể xác định độ tin cậy của bức thư, và đang đợi một cuộc điều tra nội bộ.
Vòng xoáy huy hoàng rồi thất bại của ông Siddhartha và Cafe Coffee Day như lời cảnh báo với những doanh nhân ở Ấn Độ đang chọn phe phái, giữa bối cảnh chính trị tại nước này thay đổi liên tục.
Tuy nhiên, dù câu chuyện của ông Siddhartha có công khai và bi kịch đến vậy, ít người tin rằng câu chuyện đó sẽ khiến người ta suy ngẫm lại. Bạn bè và đối tác của ông Siddhartha nói vụ việc sẽ chìm đi, và mọi thứ vẫn tiếp tục.
“Không làm sáng tỏ được đâu”, một chủ nợ nói. “Vì chẳng ai có lợi khi làm sáng tỏ câu chuyện”.