Tất cả đều hồi hộp chờ xem Tổng thống Donald Trump sẽ quyết định thế nào đối với kho tài liệu bí mật này.
Nếu tổng thống không can thiệp, Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ sẽ có thời gian từ giờ đến 26/10 để công bố những tài liệu mật về vụ ám sát này. FBI và CIA, 2 cơ quan đã đóng góp phần lớn trong các tài liệu này, từ chối cho biết liệu họ có đề nghị tổng thống chặn việc giải mật không.
"Công chúng Mỹ xứng đáng được biết sự thật, ít nhất họ xứng đáng được biết chính phủ đã giấu điều gì trong những năm qua", AP dẫn lời Larry Sabato, giám đốc Trung tâm Chính trị học của Đại học Virginia và là tác giả một cuốn sách về Kennedy.
Tổng thống Kennedy ngồi trong xe và mỉm cười với người dân tại Dallas, vài phút trước khi ông bị ám sát ngày 22/11/1963. Ảnh: AP. |
Chuyến đi trước ngày ám sát
Thẩm phán John Tunheim, chủ tịch một cơ quan độc lập trong thập niên 1990 chuyên công bố các tài liệu về vụ ám sát và quyết định những tài liệu khác cần được giấu kín thêm bao lâu nữa, nói rằng gần như chắc chắn các tài liệu sắp công bố sẽ không chứa đựng thông tin gì gây chấn động.
Trong khi đó, ông Sabato và những học giả về cựu tổng thống Kennedy tin rằng kho dữ liệu trên sẽ mang lại cho họ thêm thông tin về chuyến đi đến Mexico City của sát thủ Lee Harvey Oswald trước ngày ra tay ám sát tổng thống. Trong chuyến đi đó, Oswald đã ghé qua đại sứ quán của Cuba và Liên Xô. Ủy ban Warren, cơ quan điều tra do tổng thống Lyndon B. Johnson thành lập, cho biết lý do Oswald đưa ra là đi xin visa để vào Cuba và Liên Xô. Dù vậy, phần còn lại của chuyến đi này vẫn là một bí mật.
Thẩm phán Tunheim cho biết một trong những thông tin đang chờ được công bố là chi tiết về thỏa thuận của Mỹ với chính phủ Mexico cho phép Mỹ theo dõi các đại sứ quán trên và nhiều đại sứ quán khác.
Nghi phạm ám sát Lee Harvey Oswald. Ảnh: AP. |
Nhà Trắng vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận về việc này. FBI cũng từ chối cho biết họ có yêu cầu Tổng thống Trump can thiệp để những thông tin này tiếp tục được bảo mật hay không. Một người phát ngôn của CIA chỉ nói rằng CIA "sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình xác định các bước tiếp theo phù hợp, với sự tôn trọng dành cho bất kỳ thông tin nào chưa được tiết lộ của CIA".
Cơ quan Lưu trữ Quốc gia cũng không tiết lộ liệu có bên nào đang ngăn chặn việc giải mật không.
Năm 1992, Quốc hội đã bắt buộc tất cả các tài liệu về vụ ám sát phải được công bố trong vòng 25 năm, trừ khi tổng thống quyết định rằng việc này có thể gây tổn hại cho lực lượng chấp pháp, tình báo, các chiến dịch quân sự hoặc quan hệ ngoại giao. Những tài liệu đang được chờ đợi này bao gồm hơn 3.000 hồ sơ chưa từng công bố và hơn 30.000 hồ sơ đã qua "biên tập" rồi mới công bố.
Những thuyết âm mưu
Một cuộc khảo sát năm 2003 của đài ABC cho thấy 70% người Mỹ được hỏi tin rằng cái chết của tổng thống là kết quả từ một âm mưu lớn hơn đằng sau.
Những gì người ta biết chắc chắn về sự kiện này là ông bị ám sát bằng 2 viên đạn khi đang đi trên chiếc xe mui trần ở Dallas (bang Texas). Một viên đạn ghim vào đầu, viên kia trúng cổ ông. Lee Harvey Oswald bị buộc tội đã ám sát tổng thống, sau đó một ủy ban do thẩm phán Earl Warren đứng đầu đã kết luận rằng Oswald hành động một mình.
Quá trình điều tra Oswald bị gián đoạn vì người này bị bắn chết chỉ 2 ngày sau cái chết của tổng thống. Trên đường chuyển trại giam, Oswald bị một chủ hộp đêm tại Dallas là Jack Leon Ruby bắn chết.
Tổng thống Kennedy vào năm 1960, sau ngày đắc cử tổng thống. Ảnh: AP. |
Một số người cho rằng đường bay của viên đạn không khớp với vị trí đứng của Oswald là từ tầng 6 của kho chứa sách một trường học ở Texas. Họ tin rằng có tay súng thứ hai đã thay gia vào vụ ám sát này.
Một số thuyết âm mưu đi xa hơn khi cho rằng chính các đặc vụ của CIA, tức giận vì sự kiện Vịnh Con Lợn, đã ra tay ám sát tổng thống. Sau sự kiện Vịnh Con Lợn, tổng thống đã sa thải những người bất đồng với ông.
Một giả thiết khác là các băng đảng mafia đã ám sát Kennedy để trả thù việc anh trai ông truy tố những băng nhóm tội phạm có tổ chức. Thậm chí còn có giả thiết cho rằng cựu tổng thống Johnson, khi đó là phó tổng thống dưới quyền Kennedy, đã ám sát tổng thống để bản thân được thay thế.
Việc Oswald bị một chủ hộp đêm bắn chết 2 ngày sau cái chết của tổng thống được xem là hành động "thủ tiêu nhân chứng" và càng bồi đắp thêm cho các thuyết âm mưu.
Những 'viên đá quý' giấu kín
Những tài liệu được giữ lại là những phần mà Ủy ban Xem xét Hồ sơ Ám sát tin rằng "không liên quan". Các thành viên ủy ban đảm bảo rằng họ không giấu kín bất cứ thông tin nào liên hệ trực tiếp đến cái chết của tổng thống. Dù vậy, thẩm phán Tunheim nói rằng có thể có một số thông tin trong các hồ sơ này mà cách đây 2 thập kỷ, ủy ban không nhận ra chúng quan trọng.
"Trong đó có thể có 'đá quý' vì tầm hiểu biết của chúng ta vào năm những năm 1990 đã khác với hôm nay", ông nói.
Hồi tháng 7, cơ quan lưu trữ từng công bố hơn 400 hồ sơ chưa từng được biết đến và hàng nghìn tài liệu đã được tiết lộ nhưng có biên tập. Trong số đó có một ghi chép nội bộ của CIA về cuộc thẩm vấn đối Oswald. Sát thủ này được hỏi liệu có phải anh ta lên kế hoạch ám sát tổng thống sau khi đọc một bản tin của AP trên báo với trích dẫn cố lãnh tụ Cuba Fidel Castro nói rằng "các lãnh đạo Mỹ sẽ gặp nguy hiểm nếu họ hậu thuẫn cho bất cứ nỗ lực nào lật đổ các lãnh đạo Cuba".
"Oswald có thể có một động cơ cụ thể, động cơ mà chúng ta có thể không bao giờ hiểu được, vì anh ta nghĩ rằng bằng việc ám sát Kennedy, anh ta đang cứu sống Castro", Philip Shenon, một cựu phóng viên New York Times từng viết sách về vụ ám sát Kennedy, nhận định.
Một số tài liệu vẫn sẽ được giữ kín. Ngoài ra, AP nhận định dẫu có công bố tất cả tài liệu liên quan, chính phủ Mỹ cũng không thể dập tắt được những thuyết âm mưu vẫn phủ quanh cái chết của Kennedy.