Tổng thống Trump tweet “mọi chuyện vẫn ổn” sau khi Iran tấn công trả thù vào căn cứ Mỹ. Nhưng có lẽ chỉ mình ông nghĩ vậy. Xung đột được dự đoán sẽ tiếp diễn. Trung Đông bước vào giai đoạn đầy rủi ro.
“Tôi là Qassem!”, cậu bé hét lên, người lớn xung quanh cậu đồng thanh cổ vũ. Dù mặt biến dạng vì mệt mỏi, cậu cố hét lên vài lần nữa: “Tôi là Qassem! Tôi là Qassem Soleimani”.
Một phụ nữ, đeo khăn choàng đen kín mặt để đưa tang, vừa khóc vừa hét lên: “Người Mỹ sẽ phải trả giá! Tôi có hai con trai. Tôi sẵn sàng hy sinh chúng để trả thù cho người đã tử vì đạo!”.
Những người đàn ông xung quanh tiếp lời: “Chúng tôi là Qassem Solemani. Chúng tôi là lính của ông”. Họ liên tục hô vang: “Cái chết cho nước Mỹ”.
Những hình ảnh trên được phát liên tục trên khắp Iran cả tuần qua. Biển người mặc đồ đen, kéo dài hết tầm mắt, đứng chật kín các phố chính để đưa tang cho tướng Soleimani, tay giơ nắm đấm, mắt rơi lệ, miệng hô lời căm phẫn.
Đó là hậu quả căng thẳng đỉnh điểm giữa Mỹ - Iran, cũng như điềm báo cho những nguy hiểm khó lường ở Trung Đông, sau khi Tổng thống Trump ra lệnh trả đũa Iran bằng phương án rủi ro nhất: ám sát tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, rạng sáng 3/1 khi ông tới sân bay Baghdad, Iraq.
Người Iran tưởng nhớ tướng Soleimani ngay sau khi ông bị ám sát. Ảnh: New York Times. |
Khi Iran nã hơn hai chục tên lửa vào hai căn cứ Mỹ ngày 8/1 để trả thù cho tướng Soleimani, Tổng thống Trump tweet rằng “mọi chuyện vẫn ổn”, rồi nói Iran đang muốn hạ nhiệt. Ông cố tỏ ra bình thường, như thể Mỹ chưa hề ám sát vị tư lệnh quyền lực nhất, quan trọng nhất, được người dân yêu mến nhất của Iran.
Nhưng có lẽ chỉ mình ông nghĩ “mọi chuyện vẫn ổn”. Gần như chắc chắn xung đột sẽ tiếp diễn, ngay cả khi Iran nói việc tấn công căn cứ Mỹ là “hoàn thành” sự trả thù cho tướng Soleimani, các chuyên gia cho biết trong bài phân tích trên der Spiegel (Đức).
Trung Đông đang bước vào giai đoạn mới đầy rủi ro, đe dọa thổi bùng lên những mâu thuẫn âm ỉ từ lâu, khi sự giận dữ đồng loạt hướng về phía Mỹ. Mạng lưới phiến quân nguy hiểm ông Soleimani tạo dựng vẫn nguy hiểm dù ông không còn. Vấn đề hạt nhân Iran ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát, giữa lúc bên trong Iran ngả theo hướng cứng rắn hơn với Mỹ.
Sau khi một người Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công rocket vào căn cứ Mỹ phía bắc Iraq cuối tháng 12, Tổng thống Trump hạ quyết tâm phải trả thù Iran.
Như mọi khi, lãnh đạo quân đội Mỹ chuẩn bị một số phương án, bao gồm tấn công các mục tiêu quân sự truyền thống như tàu bè, cơ sở tên lửa hoặc các cứ điểm của Kata’ib Hezbollah, phiến quân thân Iran đứng sau vụ tấn công.
Như mọi khi, họ đưa vào một lựa chọn cực đoan hơn cả. Đó là ám sát tướng Qassem Soleimani, người quyền lực số 2 ở nước này. Chính ông đã tạo ra mạng lưới phiến quân Shi’ite thân Iran trên khắp Trung Đông, chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm người Mỹ.
Washington cáo buộc tướng Qassem Soleimani chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm người Mỹ. Ảnh: AP. |
Giống những người tiền nhiệm, Tổng thống Trump coi tư lệnh cấp cao như ông Soleimani là không thể đụng tới, vì sợ nổ ra chiến tranh. Ông chọn phương án tấn công các cứ điểm của Kata’ib Hezbollah ngày 29/12, làm 25 người thiệt mạng.
Nhưng phiến quân Hồi giáo không chùn chân, lại tấn công đại sứ quán Mỹ ở Baghdad hai hôm sau. Tổng thống Trump, nổi giận khi theo dõi hình ảnh lửa cháy ở khu ngoài đại sứ quán Mỹ, chọn phương án rủi ro nhất: tiêu diệt tướng Soleimani.
Đó là quyết định hệ trọng nhất về ngoại giao trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ, làm rung chuyển cục diện Trung Đông. Nhưng theo truyền thông Mỹ, ông ra quyết định đó mà không tham khảo các cố vấn chuyên về Iran - một quyết định bột phát.
Căng thẳng đỉnh điểm sớm để lại hậu quả ngoài dự tính vào sáng 8/1, chỉ vài giờ sau khi Iran nã rocket vào căn cứ Mỹ để trả đũa. Với báo động ở mức cao nhất, Iran bắn nhầm máy bay dân dụng Boeing 737 vừa cất cánh từ Tehran để đi Kyiv. Tổng cộng 176 người thiệt mạng, bao gồm 63 người Canada.
Học giả về Trung Đông Vali Nasr nói việc Mỹ phải ám sát tướng Soleimani cho thấy cấm vận Iran về kinh tế đã không có tác dụng. “Giờ đây, ông Trump bị cuốn vào vòng xoáy tiến gần đến chiến tranh”, ông Nasr nói. “Và ông ấy không có chiến lược rút lui”.
Hassan Nasrallah, lãnh đạo phiến quân Hezbollah ở Lebanon, tuyên bố sẽ buộc lính Mỹ phải rút khỏi khu vực, và ưu tiên tấn công căn cứ, tàu và lính Mỹ, dùng cả đánh bom cảm tử.
“Chưa xong đâu”, Brett McGurk, đặc phái viên chống IS của Mỹ cho tới năm 2018, nói với Spiegel. Ông cho rằng Iran sẽ trở lại chiến lược bất đối xứng, trong đó Tehran dùng lực lượng ủy nhiệm Shi’ite để gây chết chóc.
Ám sát tướng Soleimani, ông Trump hy vọng dẹp hẳn vấn đề Iran sang một bên, nhưng cuối cùng ông lại làm “to chuyện”. Căng thẳng Iran sẽ còn ám ảnh ông suốt nhiệm kỳ.
Việc thay thế liên tục các vị trí cao cấp như ngoại trưởng, bộ trưởng Quốc phòng, cố vấn an ninh quốc gia phần nào khiến quá trình ra quyết định của Tổng thống Trump thiếu cẩn trọng. “Tổng thống Trump không nắm kỹ hậu quả thứ hai, thứ ba từ quyết định của mình”, Douglas A. Silliman, cựu đại sứ Mỹ ở Iraq cho tới 2019, nói với Spiegel. “Ông ấy không chú ý tới chi tiết các cảnh báo về hậu quả”.
Các nhóm tay chân của ông Soleimani thừa khả năng tấn công lính Mỹ ở Afghanistan và Syria, trong khi phiến quân Houthi có khả năng đẩy mạnh tấn công ở Yemen.
Sự nguy hiểm của Iran được thể hiện tháng 9/2019, khi hàng loạt tên lửa hành trình và drone tấn công một cách tinh vi vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi, tạm thời cắt đi một nửa sản lượng dầu của vương quốc. Iran phủ nhận trách nhiệm, nhưng Mỹ, Anh, Pháp, Đức kết luận Tehran là thủ phạm.
“Có lý do để sợ rằng... sắp tới sẽ có những cuộc tấn công bởi các đồng minh của Iran” nhắm vào cơ sở quân sự, ngoại giao của Mỹ và Israel, Spiegel dẫn một dự báo sơ bộ của cơ quan cảnh sát hình sự liên bang Đức.
Iran cũng có đội ngũ hùng hậu cho chiến tranh mạng. Kể từ sau khi Mỹ hack cơ sở làm giàu uranium của Iran và khiến máy li tâm tự phá hủy, Iran đã xây dựng kho vũ khí tấn công mạng của riêng mình, và đã tấn công con đập ở New York, máy chủ của ngân hàng Mỹ hay sàn giao dịch cổ phiếu New York (NYSE).
Trung tâm nghiên cứu an ninh của Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ) cho biết có tới hơn 50 nhóm chiến tranh mạng đang được Iran thuê. Chỉ riêng cuối tuần trước, hacker Iran xâm nhập trang web một cơ quan chính phủ Mỹ, hiển thị hoạt hình một người mang quân phục Iran đấm chảy máu Tổng thống Trump, và cảnh báo đó “chỉ là phần nhỏ tiềm lực tấn công mạng của Iran”.
Lễ đưa tang khắp các thành phố dành cho ông Soleimani là sự kiện chưa từng có ở Iran. Ngay cả cố lãnh đạo tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini năm 1989 cũng không được đưa tang trên nhiều thành phố như ông Soleimani, hãng tin AP nhận xét.
Trên TV, xen giữa cảnh biển người mặc áo đen đưa tang là các thước phim về ông Soleimani, cảnh ông tới thăm, bắt tay, vỗ vai, cầu nguyện cùng binh lính.
Người Iran coi như chính họ bị tấn công. Đoàn người đưa tang bao gồm cả thành phần truyền thống lẫn thành phần cấp tiến. Họ bao gồm không chỉ phụ nữ trùm kín mặt (truyền thống), mà còn phụ nữ đeo khăn choàng hở mặt hay trang điểm đậm (hiện đại), cả những người thường xuyên chỉ trích chính phủ.
Truyền thông Iran từ lâu là cỗ máy tuyên truyền cho nhà nước, như trong các đợt kỷ niệm Cách mạng Hồi giáo hàng năm. Cỗ máy đó nhanh chóng vào cuộc sau vụ ám sát. Chân dung tướng Soleimani được dán lên bảng hiệu trên khắp Iran. Chỉ riêng ngày đầu tiên trong ba ngày quốc tang, một nhà quan sát ở Tehran đã đếm 32 bài hát mới được sáng tác và biểu diễn trên TV dành cho vị tư lệnh.
Nhưng theo Spiegel, sự tưởng nhớ và căm phẫn đồng loạt của hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người ở mỗi thành phố trên khắp Iran không chỉ là do cỗ máy tuyên truyền nhà nước.
“Có tuyên truyền, nhưng người dân không xuống đường vì điều đó”, Arash Mussavi, một doanh nhân ở Tehran, cho biết.
Sự giận dữ của người dân khiến họ biểu tình phản đối tình hình kinh tế chỉ vài tuần trước, giờ đây hướng về phía Mỹ. Với việc ám sát tướng Soleimani, Tổng thống Trump đã làm được điều mà lãnh đạo Iran trong mơ cũng không đạt được: đoàn kết một đất nước đầy chia rẽ và bất mãn, Spiegel bình luận.
Dù vậy, sự đoàn kết hiện giờ không giải quyết được những khó khăn căn bản của Iran. Nền kinh tế vẫn kiệt quệ, lạm phát và thất nghiệp vẫn cao và giới trẻ cảm thấy không có triển vọng tại quê hương.
Người dân ở quê hương Kerman của tướng Soleimani đưa tang ông ngày 7/1. Ảnh: Tasnim/AP. |
Ông Soleimani đã nổi tiếng khi còn sống, nhưng chưa tới mức biểu tượng. Giờ đây, khi chết đi, ông còn hơn thế, trở thành người hùng dân tộc.
Người dân ủng hộ ông Soleimani, vì họ coi chiến lược xây dựng phiến quân Shi’ite khắp Trung Đông của ông là nhằm bảo vệ đất nước, thay vì gây ảnh hưởng khu vực. Dẫu sao, ký ức vẫn còn đó về cuộc chiến kinh hoàng khi Iraq do Mỹ hậu thuẫn xâm lược Iran những năm 1980, và hiện 60.000 lính Mỹ vẫn đóng ở khu vực.
8 năm chiến tranh đẫm máu, cướp đi sinh mạng hàng trăm nghìn người, đã ảnh hưởng sâu sắc tới tướng Soleimani. Sự nghiệp của ông lên cao trong chiến tranh, nhờ sự dũng cảm và khả năng chiến thuật.
Bài học mà ông Soleimani rút ra là rõ ràng: Không bao giờ nên hy sinh nhiều lính như vậy mà đổi lại không được nhiều. Sau này, ông nhất quyết tránh chiến tranh tổng lực dù Iran tiếp tục châm ngòi cho xung đột trong khu vực.
Ông trở thành tư lệnh Lực lượng Quds năm 1998. Ban đầu Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran có mục tiêu hỗ trợ cách mạng ở các nước khác. Nhưng tướng Soleimani biến lực lượng này thành công cụ khủng bố để kiểm soát các nước. Mạng lưới vẫn sẽ hiệu quả chết người dù vị tư lệnh không còn.
Người Hồi giáo dòng Shi’ite sống ở đâu, mạng lưới trường học, tổ chức từ thiện, truyền giáo mọc lên ở đó để lấy lòng dân chúng, tuyển mộ dân quân. Tướng Soleimani lợi dụng thù hằn tôn giáo lâu năm giữa dòng Sunni và Shi’ite, nhưng ông đủ thực dụng để vẫn hợp tác với người Sunni khi cần.
Ông Soleimani không hoàn toàn sùng đạo, và chỉ thi thoảng tới thánh đường. Điều thôi thúc ông là chủ nghĩa dân tộc, và sự thích thú dành cho chiến trận, Ryan Crocker, đại sứ Mỹ ở Iraq từ 2007-2009, nói.
Người biểu tình ở Tehran đốt cờ Mỹ và Anh ngày 3/1 sau khi tướng Soleimani bị ám sát. Ảnh: WANA/Reuters. |
Quyền lực của ông lớn mạnh nhờ dầu mỏ, khi phe cánh của ông ở Iraq bắt đầu chuyển hàng tỷ USD lợi nhuận dầu mỏ vào túi Lực lượng Quds, một cách bí mật, nhưng đôi khi cũng không cần che giấu.
Ở Lebanon, lực lượng Hezbollah như một nhà nước riêng, không chính phủ nào ở Beirut dám đụng tới. Khi Lebanon cố giành kiểm soát sân bay Beirut và mạng di động quốc gia từ tay Hezbollah, nhóm này làm tê liệt thủ đô trong vài ngày.
Ở tây Afghanistan, Iran bắt đầu xâm nhập chính quyền từ trước 2010, dùng phiến quân để tấn công căn cứ Mỹ và công trình hạ tầng.
Ở Iraq, phiến quân Shi’ite nổi lên sau khi Mỹ xâm lược năm 2003, thực hiện chiến tranh du kích, làm chết khoảng 600 lính Mỹ.
Nhưng quyền lực của tướng Soleimani thể hiện rõ nhất ở chiến trường Syria, một nước đồng minh của Iran. Ông cử Hezbollah cùng hàng chục nghìn chiến binh từ Iraq, Afghanistan và Pakistan vào Syria, cứu chính quyền Assad khỏi bờ vực sụp đổ, cho tới khi Nga yểm trợ từ trên không năm 2015.
Tới lúc này, mạng lưới chiến binh trong tay tướng Soleimani trở nên đa quốc gia, có thể huy động số lượng lớn trong “nháy mắt”. Mô hình này đầy lợi thế vì Iran có thể phủ nhận trách nhiệm, tránh các tranh luận trong nội bộ về vấn đề can thiệp nước ngoài, cũng như không phải đối phó với sự đau đớn của thân nhân khi binh lính tử trận.
Bản thân ông rất cẩn thận khi đi lại trên khắp Trung Đông. Ông Soleimani như một bóng ma: Ai cũng thấy ông quan trọng, nhưng ít ai từng thấy ông. Chỉ những năm gần đây, ông mới để mình xuất hiện rộng rãi trong ảnh: ngoài mặt trận ở Syria, ở Beirut, ở Baghdad.
Ảnh do truyền thông Iran công bố ngay sau khi tướng Soleimani bị ám sát, cho thấy sự thân tình giữa ông và lãnh đạo lực lượng Hezbollah Hassan Nasrallah trong cuộc gặp được cho là cuối tháng 12. Ảnh: Daily Mail. |
Dần dần, ông chuyển từ chiến lược gia quân sự thành nhân vật được hâm mộ như ngôi sao ca nhạc. Nhiều người Iran không ưa chính phủ vẫn coi ông là người đang bảo vệ Iran khỏi các mối nguy, bao gồm IS.
Theo Spiegel, gần đây, thế lực của ông bị thách thức trên nhiều mặt trận. Ở Yemen là giằng co giữa phiến quân Houthi thân Iran và liên minh do Saudi Arabia ủng hộ. Ở Lebanon, nền kinh tế đã sụp đổ. Ở Iraq, hàng nghìn người xuống đường nhiều tuần phản đối sự thao túng chính trị của Iran.
Để dập tắt sự phản đối, ông Soleimani chọn giải pháp cực đoan và rủi ro: giật dây để nhóm Kata’ib Hezbollah ở Iraq tấn công hàng loạt căn cứ Mỹ vào tháng 10, nhằm chọc giận, buộc Mỹ trả đũa quân sự, khiến người dân hướng sự căm phẫn về phía Mỹ.
Những toan tính đó khởi đầu cho chuỗi trả đũa ngày một leo thang, cuối cùng dẫn đến chính cái chết của ông và chỉ huy nhóm Kata’ib Hezbollah vào sáng ngày 3/1 trong vụ không kích bằng drone của Mỹ.
Quốc hội Iraq ngay sau vụ ám sát tướng Soleimani đã bỏ phiếu ra nghị quyết yêu cầu Mỹ rút quân khỏi nước này.
Bản thân cuộc bỏ phiếu thiếu vắng nhiều nghị sĩ người Kurd và người Sunni, vốn đại diện cho những nhóm thiểu số ở Iraq cần quân Mỹ bảo vệ nhất. Thủ tướng Iraq Abd Al-Mahdi cũng đã yêu cầu Washington đặt ra cơ chế rút quân, nhưng chưa rõ ông có quyền lực tới đâu khi là thủ tướng tạm quyền. Ông đã từ chức và chỉ phụ trách công việc cho tới khi có người thay thế.
Liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Iraq sau đó được cho là đã gửi bức thư cho Bộ Quốc phòng Iraq nói quân Mỹ sẽ rút. Nhưng ngay lập tức, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley bác bỏ và coi lá thư là một sai lầm.
Đó là mục tiêu lớn của tướng Soleimani. Ông từng thành công trong việc khiến Mỹ rút khỏi Baghdad. Khi các phe phái ở Iraq không thành lập được chính phủ sau bầu cử năm 2010, ông Soleimani tác động để Nouri al-Maliki lên làm thủ tướng. Ông Maliki đã buộc Mỹ rút toàn bộ vào năm 2011.
Nhưng năm 2014, người kế nhiệm ông Maliki đề nghị Mỹ quay lại để cứu Iraq khỏi IS, và kể từ đó, ông Soleimani tìm mọi cách khiến Mỹ rút quân. Phương thức chủ yếu là tấn công du kích và buộc Mỹ đánh trả, chiến thuật sau này khiến ông bị Mỹ ám sát.
Một phụ nữ Iran mở ảnh tướng Soleimani trên điện thoại khi xuống đường tưởng nhớ ông. Ảnh: Reuters. |
Nếu Mỹ rút quân, Tehran sẽ càng củng cố ảnh hưởng lên Iraq, và các lực lượng khác cũng hưởng lợi, đặc biệt là IS.
“Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến cục diện Trung Đông mà trong đó, người Kurd chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ rút lui, Iran muốn trả thù”, một quan chức an ninh cao cấp của Đức nói với Spiegel. “Đó là tình thế tuyệt vời cho IS”.
Tổng thống Mỹ tin rằng việc ám sát tướng Soleimani sẽ giúp ông khi tái tranh cử. Nhưng quyết định đó cũng có thể phản tác dụng. Chủ đề ngoại giao giờ sẽ thành tâm điểm của bầu cử 2020. Thăm dò cho thấy Mỹ đã chán chiến tranh dai dẳng, sau 18 năm lính Mỹ ở Afghanistan và 16 năm ở Iraq, thương vong tổng cộng là 7.000 lính, theo Spiegel.
Nhưng giờ đây, hàng nghìn lính lại đang được điều động tới Trung Đông từ căn cứ Fort Bragg, bang Bắc Carolina. Một cuộc xung đột đẫm máu sẽ không giúp gì ông Trump.
Căng thẳng leo thang ngấp nghé vượt tầm kiểm soát đã khiến các đồng minh của Mỹ dù chống Iran nhưng vẫn phải e dè.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có lẽ mừng thầm vì tướng Soleimani bị Mỹ tiêu diệt, nhưng vẫn cẩn trọng đứng tránh người đồng minh. Ông mô tả vụ tấn công là “một sự kiện của Mỹ”, và nói Israel nên “tránh xa”, còn quân đội Israel cho biết đang theo dõi xung đột “từ bên ngoài”.
Như vậy khác hẳn ông Netanyahu của quá khứ, thường yêu cầu Mỹ đánh bom cơ sở hạt nhân Iran. Điều này cho thấy các đồng minh ngày càng không chắc chắn về cam kết của Mỹ đối với họ.
Tương tự, Saudi Arabia cũng chọn cách im lặng. Thái tử Mohammed bin Salman từ lâu đã dựa vào Mỹ để đối đầu với Iran, nhưng ông nhận ra đó là chiến lược rủi ro. Mỹ đã không đáp trả sau khi Iran tấn công hai cơ sở dầu mỏ của Saudi cuối năm ngoái.
Cố vấn của thái tử Saudi khi tới Washington thường vận động Mỹ cứng rắn với Iran. Lần này, ngay sau vụ ám sát, phái đoàn mà ông cử sang Washington lại vận động Mỹ hãy kiềm chế.
Ngoài biên giới Trung Đông, châu Âu cũng chăm chú lắng nghe. Nhìn chung, các nước châu Âu không công khai chỉ trích ông Trump về quyết định ám sát tư lệnh Iran, và chia sẻ góc nhìn của Mỹ rằng Iran là bên tài trợ khủng bố, gây bất ổn cho khu vực.
Trong thông báo chính thức, họ kêu gọi kiềm chế, nhưng sau cánh cửa, họ đang bực mình “chửi bới” ông Trump, theo Spiegel.
Nếu Trung Đông rơi vào hỗn loạn, châu Âu sẽ bị đe dọa bởi giá dầu tăng và khủng hoảng di dân. Mỹ có thể không nằm trong tầm bắn tên lửa Iran, nhưng châu Âu thì có.
Biểu tình phản đối chiến tranh bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Manila (ảnh trái) và ở Seoul (ảnh phải). Ảnh: AFP, Reuters. |
Khi Washington rút khỏi thỏa thuận với Iran tháng 5/2018, châu Âu vẫn cố cứu vãn một thỏa thuận.
Nhưng Brussels chưa tìm được cách giúp Iran, chừng nào Mỹ còn cấm vận. Chẳng hạn, các ngân hàng lớn của châu Âu, ngay cả Ngân hàng Đầu tư châu Âu, một ngân hàng công, không thể giao dịch với Iran, vì đều phải dựa vào thị trường vốn Mỹ. Đồng USD có vai trò áp đảo, giúp Washington dễ dàng thực thi lệnh trừng phạt của mình.
Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phàn nàn với nhà ngoại giao trưởng của EU rằng thỏa thuận hiện không cho Iran điều gì về kinh tế.
Ngày 5/1, Iran tuyên bố sẽ tăng số máy li tâm để làm giàu uranium, gạt đi những giới hạn còn lại của thỏa thuận hạt nhân 2015. Nếu Iran và các nước châu Âu không sớm tìm được giải pháp, châu Âu có thể sẽ áp đặt cấm vận, đặt dấu chấm hết hoàn toàn cho thỏa thuận.
Nếu mọi việc đi quá xa, cách duy nhất để Mỹ ngăn Iran chế tạo bom hạt nhân là dùng vũ lực. Trung Đông đang đứng trước những toan tính vô cùng nguy hiểm của Mỹ và Iran.