Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khó khăn chồng chất cho Iran sau vụ bắn nhầm máy bay Ukraine

Vụ bắn rơi máy bay của hãng hàng không Ukraine International khiến chính quyền Tehran đối mặt sự giận dữ của người dân trong nước, cũng như chỉ trích từ quốc tế.

Trong lời biện hộ đưa ra hôm 11/1, Tehran cho biết những người điều hành hệ thống phòng không thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran chỉ có 10 giây để đưa ra quyết định liệu máy bay của hãng hàng không Ukraine International có phải mối đe dọa hay không. Quyết định cuối cùng được đưa ra, một tên lửa phòng không phóng đi, bắn hạ chiếc máy bay dân dụng, tước đi sinh mạng của 176 thường dân vô tội.

Iran thừa nhận "sai sót của con người" đã khiến chiếc máy bay Boeing 737 số hiệu 752 bị bắn rơi trên bầu trời thủ đô Tehran. Hiện nay, cộng đồng quốc tế quan tâm nhất là liệu Iran sẽ đáp ứng đòi hỏi tiến hành điều tra minh bạch và toàn diện vụ việc đến đâu, và liệu nhà chức trách Iran sẽ xử trí những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ bắn rơi máy bay dân dụng của Ukraine như thế nào.

Sức ép đang đè nặng lên chính quyền Tehran hiển nhiên đến từ Ukraine và các quốc gia có công dân thiệt mạng trong vụ việc như Canada, Anh, Thụy Điển.

Nhưng không dừng lại ở đó, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên đường phố thủ đô Tehran hôm 11/1, hàng trăm người tụ tập lên án vụ bắn nhầm, cũng như cách phản ứng thiếu minh bạch và vô trách nhiệm của chính quyền Iran sau đó. "Khamenei đã hết thời", "Hãy từ chức đi", là những khẩu hiệu được hô vang trong các cuộc biểu tình.

Nội công, ngoại kích

Các quan chức Iran hôm 11/1 thừa nhận lực lượng vũ trang đã khai hỏa tên lửa vào chiếc máy bay khi nó di chuyển gần một "cơ sở quân sự nhạy cảm" khi vừa rời sân bay ở thủ đô Tehran. Thông báo này như một cú tát vào thể diện quốc gia khi vài ngày trước đó Tehran liên tục bác bỏ cáo buộc của phương Tây về khả năng máy bay của hãng Ukraine International bị bắn hạ bởi tên lửa.

Ukraine hiện là quốc gia đi đầu trong yêu cầu Iran phải bồi thường và nhận trách nhiệm, có thể buộc Tehran phải xoa dịu cộng đồng quốc tế bằng một lời xin lỗi công khai vì hành động quân sự của mình. Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã yêu cầu giới chức quân sự nước này tiến hành một cuộc điều tra toàn diện vụ việc.

Iran ban roi may bay Ukraine anh 1

Hàng trăm sinh viên biểu tình chống chính quyền Iran tại Đại học Công nghệ Amirkabir ngày 11/1. Ảnh: AFP.

Tại Iran, thảm kịch hôm 8/1 đã làm tái bùng phát các cuộc biểu tình trên đường phố, cho thấy sự phẫn nộ của người dân đối với chính quyền trung ương không hề suy giảm bất chấp cuộc khủng hoảng với Mỹ sau cái chết của Tư lệnh Soleimani. Hồi tháng 11/2019, biểu tình bạo lực bùng phạt khắp cả nước Iran sau quyết định tăng giá bán xăng dầu, dẫn tới các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.

Các cuộc biểu tình trong ngày 11/1 do sinh viên thủ đô Tehran dẫn đầu. Điều này được lý giải là bởi đa phần các nạn nhân người Iran trên chiếc máy bay bị bắn rơi là sinh viên trong nước hoặc đang du học tại Canada. Các trường đại học ở thủ đô Tehran đã trở thành tâm điểm các cuộc biểu tình hôm 11/1.

Tại Đại học Công nghệ Sharif, đám đông sinh viên đồng thanh hô lớn "Hạ bệ Khamenei". Trong khi đó, tại Đại học Công nghệ Amirkabir, người biểu tình thể hiện sự giận dữ đối với lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh được cho là hàng triệu người Iran đổ xuống đường khóc thương cho Tư lệnh Soleimani chỉ vài ngày trước đó.

Trong một chia sẻ trên Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc tới người biểu tình tại Iran, những người ông miêu tả là "dũng cảm, từ lâu đã chịu đựng đau khổ".

"Chúng tôi luôn dõi theo các cuộc biểu tình và được truyền cảm hứng bởi sự dũng cảm của các bạn", ông Trump viết. Chia sẻ của Tổng thống Trump cũng đồng thời được dịch sang tiếng Ba Tư của Iran.

Tại Tehran, Đại sứ Anh Robert Macaire bị lực lượng an ninh Iran bắt giữ sau khi tham gia buổi tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trên máy bay hãng Ukraine International tại Đại học Công nghệ Amirkabir.

Giới chức Iran cho biết Đại sứ Macaire rời khỏi Đại học Công nghệ Amirkabir khi lễ tưởng niệm biến thành cuộc biểu tình. Hãng thông tấn Tasnim của Iran cho biết Đại sứ Macairebị giam giữ khoảng 1 giờ đồng hồ trước khi được trả tự do.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã lên án vụ bắt giữ Đại sứ Macaire và gọi đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Theo Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao mà Anh và Iran đều là thành viên, Đại sứ Macaire được hưởng quyền bất khả xâm phạm và không thể bị chính quyền sở tại bắt giữ.

"Iran đang ở thời điểm phải đựa ra lựa chọn. Họ có thể tiếp tục hành xử ngang ngược và gánh chịu tất cả sự cô lập về kinh tế và chính trị, hoặc có những bước đi giảm căng thẳng và tham gia vào tiến trình ngoại giao", ông Raab nói.

Bối rối khi đối đầu với Mỹ?

Sau vụ không kích khiến Tư lệnh Qassem Soleimani thiệt mạng, mức độ thù địch tại Tehran được đánh giá là lên đến cấp độ mới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trực tiếp đe dọa không kích 52 mục tiêu ở Iran, trong đó gồm cả những địa điểm văn hóa quan trọng với nhân dân và giới lãnh đạo quốc gia.

Chuẩn tướng Amir-Ali Hajizadeh cho biết máy bay Boeing 737-800 của Ukraine International bị bắn hạ bằng một tên lửa tầm ngắn. Đơn vị phòng không đã nhìn nhầm chiếc máy bay dân sự trên màn hình radar thành tên lửa hành trình Mỹ trả đũa cho vụ không kích căn cứ ở Iraq.

Lãnh đạo nhánh không quân IRGC cho biết đơn vị phòng không đã không thể liên lạc được với bộ chỉ huy phòng không trung ương để xác nhận thông tin về vật thể bay nghi vấn. Theo New York Times, tướng Hajizadeh có đề cập đến vấn đề "nhiễu sóng".

Iran ban roi may bay Ukraine anh 2

Điều tra viên làm việc tại hiện trường máy bay bị bắn rơi. Ảnh: CNN.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho biết bày tỏ "sự hối tiếc sâu sắc, chia buồn và xin lỗi" tới gia đình các nạn nhân. Tuy nhiên, ông Zarif vẫn tiếp tục đổ lỗi cho Mỹ về vụ việc bắn nhầm máy bay Ukraine.

"Đó là lỗi của con người trong thời gian khủng hoảng gây ra bởi chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Mỹ đã dẫn tới thảm họa", ông Zarif khẳng định.

Trong suốt một tuần dẫn đến thảm họa Ukraine International, mạng lưới phòng không Iran bị đặt trong tình trạng báo động cao. Sau 2 vụ không kích của Mỹ nhắm vào dân quân thân Iran và ám sát tư lệnh Qasem Soleimani, quan hệ hai nước rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Iran chưa từng trực tiếp đối đầu sức mạnh không quân quy mô lớn của Mỹ. Điều đó dễ dẫn đến bối rối về tín hiệu hiển thị trên radar phòng không, đặc biệt khi Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ tàng hình, theo bình luận trên tạp chí The War Zone. Mỹ đổ khí tài quân sự và tăng viện tại khu vực, gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm dù là nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến hậu quả to lớn. Sai lầm đó đã xảy ra vào ngày 8/1.

Sai lầm vì không cấm máy bay dân dụng hoạt động

Chuyến bay số hiệu 752 của hãng hàng không Ukraine International cất cánh lúc 6h12 ngày 8/1, chỉ là 1 trong 19 chuyến bay được dễ dàng cấp phép rời khỏi sân bay quốc tế Imam Khomeini vài tiếng sau vụ phóng tên lửa sang Iraq.

Sau khi Iran phóng hơn 16 tên lửa vào hai căn cứ tại Iraq có quân Mỹ đồn trú ngày 8/1, chuẩn tướng Amir-Ali Hajizadeh đã đề nghị cấm bay toàn bộ các chuyến bay thương mại trong nước cho đến khi tình hình hạ nhiệt căng thẳng, ông tiết lộ tại buổi họp báo ngày 11/1.

Việc gửi yêu cầu chính thức cho chính phủ và cơ quan hàng không thuộc quyền hạn một số nhân vật khác trong quân đội Iran. Những người này không đồng ý với đề nghị của tướng Hajizadeh.

Lý do cụ thể vì sao lệnh cấm bay không được ban bố vào rạng sáng 8/1 vẫn chưa được tiết lộ. Việc không đưa ra lệnh cấm bay là một sai lầm chết chóc của nội bộ quân đội Iran, đặc biệt trong hoàn cảnh căng thẳng leo thang liên tục với quân đội Mỹ.

Iran ban roi may bay Ukraine anh 3

Lộ trình bay của PS752 và các điểm nhân chứng nhìn thấy máy bay trúng tên lửa, bốc cháy, rơi xuống phía tây nam thủ đô Tehran. Đồ họa: New York Times.

Hơn 2 giờ đồng hồ trước khi chiếc máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế ở thủ đô Tehran, Cục Hàng không Liên bang của Mỹ đã phát cảnh báo cấm các hãng hàng không dân dụng Mỹ hoạt động trên vùng trời Iraq, Iran, vịnh Ba Tư và vịnh Oman. Nhà chức trách Anh cũng ra lệnh cấm bay tương tự với các hãng hàng không nước này.

Tuy nhiên, cả Iran và Ukraine đã không có những cảnh báo nguy hiểm đối với máy bay của mình. Theo cơ quan giám sát không lưu Iran, ít nhất 3 máy bay thương mại hoạt động gần không phận thủ đô Tehran vào thời điểm chiếc máy bay của hãng hàng không Ukraine International bị bắn rơi.

Chiếc máy bay bị bắn rơi hôm 8/1 chở 82 người Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine, còn lại là công dân Đức, Anh và Thụy Điển. Trong bài phát biểu về vụ việc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi vụ bắn rơi máy bay là "thảm họa quốc gia" của Canada.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ông Trudeau khẳng định sự thừa nhận của Iran về liên quan trong vụ việc là "bước tiến quan trọng", nhưng Tehran vẫn cần tiến hành "điều tra toàn diện và đầy đủ" vụ việc, đồng thời bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine đăng tải hình ảnh lỗ chỗ vết thủng trên thân chiếc máy bay Boeing 737, cho thấy các chuyên gia của chính phủ Kyiv từ đầu đã nắm trong tay bằng chứng nguyên nhân vụ việc. Đây có thể là lý do buộc Iran và công khai thừa nhận đã bắn rơi chiếc máy bay hôm 8/1.

Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine, cho biết các nhà điều tra nước này đã sớm có kết luận chiếc máy bay rơi trên bầu trời Tehran do trúng tên lửa.

"Chúng tôi đi tới kết luận này trước cả người Mỹ và Canada. Bởi chúng tôi làm việc tại hiện trường, nơi người Mỹ và Canada không thể tiếp cận. Các chuyên gia đã xác nhận nỗi lo sợ của chúng tôi rằng chiếc máy bay rơi bởi ý do này (bị trúng tên lửa)", ông Danilov nói.

Buổi tưởng niệm nạn nhân máy bay rơi biến thành biểu tình tại Iran Vào hôm 11/1, nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra tại Iran sau khi nhà chức trách thừa nhận trách nhiệm trong vụ bắn nhầm máy bay Ukraine khiến 176 người thiệt mạng.

Bất ổn bùng phát tại Iran sau thú nhận bắn nhầm máy bay Ukraine

Nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra tại Iran sau khi nhà chức trách nước này thừa nhận trách nhiệm trong vụ bắn nhầm máy bay Ukraine khiến 176 người thiệt mạng.

Mỹ gọi vụ Iran bắn hạ máy bay Ukraine là hành động 'liều lĩnh'

Quan chức Mỹ giấu tên cho rằng Iran đã liều lĩnh khi quyết định bắn hạ máy bay dân sự Ukraine và dẫn tới "hậu quả tàn khốc".

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm