Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ai chịu thiệt nhất khi Grab tăng giá?

Grab tăng giá cước và tỷ lệ khấu trừ, khách hàng phải chi trả thêm trên mỗi cuốc xe. Doanh thu của ứng dụng tăng tương ứng còn thu nhập của tài xế biến động phức tạp.

grab tang gia anh 1

Gần một tuần trôi qua từ ngày 5/12 khi Grab tăng giá cước và tỷ lệ khấu trừ với đối tác, ứng dụng gọi xe này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với tài xế. Trong thực tế, giá cước của Grab, thu nhập của tài xế thay đổi thế nào sau ngày 5/12?

Khách hàng trả thêm bao nhiêu cho mỗi cuốc xe?

Grab giữ nguyên tỷ lệ chia sẻ doanh thu 20:80 với tài xế trên từng cuốc xe. Nếu không tăng giá cước, doanh thu của Grab không đổi. Nhưng doanh thu của tài xế sẽ giảm so với trước. Lý do là Grab vẫn đóng VAT như cũ trên phần doanh thu của mình còn tỷ lệ VAT với phần doanh thu của tài xế tăng lên.

Grab đã tăng giá cước. Công thức giá cước của Grab tương đối phức tạp với giá cơ bản trên km, giá theo thời gian di chuyển, phí nền tảng và giá linh động tăng theo giờ cao điểm, nhu cầu khách hàng.

grab tang gia anh 2

Doanh thu Grab không đổi, doanh thu tài xế giảm nếu không tăng giá cước. Giả định tài xế có doanh thu dưới 100 triệu/năm.

Với GrabBike, giá cước 2 km đầu tiên được giữ nguyên là 12.000 đồng. Giá cước mỗi km tiếp theo tăng từ 3.400-3.500 đồng lên 4.000 đồng. Với GrabCar, giá cước 2 km đầu tiên tăng từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng, giá mỗi km tiếp theo tăng từ 8.500-9.000 lên 9.500 đồng.

Do đó, tỷ lệ tăng giá của Grab sẽ khác nhau tùy thuộc vào quãng đường di chuyển từng cuốc xe, dịch vụ xe 2 bánh hay 4 bánh, địa bàn TP.HCM hay Hà Nội.

Với cuốc xe GrabBike dài dưới 2 km, giá cước vẫn là 12.000 đồng, không thay đổi. Nếu cuốc xe dài 5 km, giá cước mới tăng 8%. Nếu cuốc xe dài 10 km, giá cước mới lại tăng tới 12%.

grab tang gia anh 3

Tính toán dựa trên giá cước cơ bản ở TP.HCM, chưa gồm phụ phí.

Trong khi với chuyến xe GrabCar 4 chỗ dài 5 km, giá cước mới cao hơn 7% so với trước ngày 5/12. Nhưng nếu di chuyển với quãng đường 10 hoặc 15 km, mức tăng giá đều là 6%.

Như vậy, khách hàng sẽ là đối tượng chịu thiệt nhất khi Grab tăng giá cước. Khách đi GrabBike sẽ phải trả thêm 8-12% chi phí mỗi cuốc xe, trong khi khách đi GrabCar phải tốn thêm 6-7% chi phí mỗi cuốc xe.

grab tang gia anh 4

Tính toán dựa trên giá cước cơ bản ở TP.HCM, chưa gồm phụ phí.

Đây là tính toán dựa trên mức giá cơ bản áp dụng trên km tại TP.HCM do Grab niêm yết, chưa bao gồm phí di chuyển theo thời gian, phụ phí, giá linh động tăng vào giờ cao điểm, trời mưa.

Thu nhập tài xế biến động như thế nào?

Từng cuốc xe tăng giá khác nhau, nên việc tăng hay giảm thu nhập của tài xế so với thời điểm trước 5/12 cũng khác nhau tùy thuộc quãng đường.

Nếu cuốc xe GrabBike có độ dài dưới 2 km, giá cước là không đổi 12.000 đồng. Thu nhập thực nhận của tài xế với cuốc xe này giảm 9% từ 9.600 đồng còn 8.727 đồng.

Với cuốc xe GrabBike 5 km, giá cước tăng 8%, thu nhập thực nhận của tài xế giảm 2%. Nếu tài xế GrabBike thực hiện cuốc xe dài 10 km, doanh thu thực nhận của tài xế tăng 2%.

grab tang gia anh 5

Tính toán dựa trên giá cước ở TP.HCM, giả định tài xế có doanh thu dưới 100 triệu/năm.

Điều đó có nghĩa là tài xế GrabBike phải chạy quãng đường rất dài (10 km trở lên) mới đảm bảo thu nhập không giảm sau khi Grab tăng khấu trừ. Với những cuốc xe 2-5 km (phổ biến trong nội thành), tài xế GrabBike sẽ phải chấp nhận chuyện bị giảm thu nhập.

Đây là tính toán giả định với tài xế GrabBike có doanh dưới 100 triệu/năm tại TP.HCM. Nếu có doanh thu trên 100 triệu/năm, thực nhận của tài xế tăng 1-5% trên 2 quãng đường tương ứng 5 km và 10 km.

Trong khi đó, con số lại khác với tài xế xe 4 bánh. Một tài xế chạy GrabCar 4 chỗ tại TP.HCM, với các quãng đường 5, 10 hay 15 km, thu nhập thực nhận của người này sau ngày 5/12 thay đổi nhỏ, lần lượt tăng 0,1%, giảm 0,4% và giảm 0,6% so với trước.

Như vậy, với tài xế GrabCar, càng chạy nhiều cuốc xe đường xa (10-15 km), thu nhập của họ sẽ giảm sau khi Grab tăng khấu trừ.

grab tang gia anh 6

Tính toán dựa trên giá cước áp dụng tại TP.HCM. Giả định tài xế Grabcar có doanh thu trên 100 triệu/năm.

Tuy nhiên, đây chỉ là tính toán trên từng cuốc xe. Lãnh đạo Grab thừa nhận khi tăng giá, công ty đối diện nguy cơ khách hàng giảm sử dụng ứng dụng, kéo theo thu nhập tài xế giảm. Grab tính toán tổng thu nhập các tài xế giảm 1-2%/năm.

Trao đổi với Zing, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định thu nhập của tài xế Grab có thể giảm nhiều hơn. Giá tăng khiến nhu cầu giảm, lượng khách ít đi. Khi đó, số lượng cuốc xe giảm, thu nhập của tài xế không thể bằng trước kia.

Về lâu về dài, khi các yếu tố đầu vào tăng lên như giá xăng, khấu hao xe, giá dịch vụ bảo dưỡng... sẽ khiến tài xế bức xúc. Ví dụ, khi giá xăng tăng, chi phí chạy xe sẽ tăng trong khi thu nhập đã bị giảm nhẹ từ trước. Khi đó, số tiền lãi thực nhận từ chạy xe của tài xế sẽ thấp.

Doanh thu của Grab thay đổi thế nào?

Grab vẫn nhận 20% doanh thu chia sẻ trên mỗi cuốc xe và đóng 10% VAT trên phần doanh thu này như cũ. Do đó, khi giá trị mỗi cuốc xe tăng lên, phần thu của Grab sẽ tăng bằng đúng tỷ lệ tăng giá. Như vậy, trong khi khách hàng phải chịu thêm chi phí và tài xế gặp khó khăn, Grab vẫn đảm bảo được doanh thu.

Tài xế Grab tắt ứng dụng, đòi đối thoại với hãng Tại Hà Nội và TP.HCM, hàng trăm tài xế GrabBike đồng loạt tắt ứng dụng, tập trung để phản đối mức tăng khấu trừ và nhiều chính sách khác của hãng.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm