Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo 2,16 tỷ cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ bắt đầu niêm yết từ ngày 9/12 tới. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu ACB tại HoSE là 26.400 đồng. Biên độ giá dao động trong phiên giao dịch đầu tiên là 20%.
Như vậy, ACB sẽ chào sàn HoSE với giá trị vốn hóa 57.065 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD. Trước đó, cổ phiếu ACB có phiên giao dịch cuối cùng trên HNX vào ngày 1/12, đóng cửa ở thị giá 27.300 đồng.
Như vậy, ACB sẽ là ngân hàng thứ ba niêm yết trên HoSE trong năm nay sau LienVietPostBank (LPB) và VIB. Ngoài ra, MSB, OCB, SHB và mới nhất là SeABank cũng đã nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE.
So với mức đáy 13.700 đồng hồi cuối tháng 3, cổ phiếu ACB tăng giá gần 100% sau 8 tháng. Đây là một trong các cổ phiếu ngân hàng có mức tăng giá mạnh nhất trong năm nay.
Diễn biến giá cổ phiếu ACB từ đầu năm đến nay. Ảnh: ACB. |
Theo đánh giá từ ban lãnh đạo ACB, nếu ngân hàng chuyển niêm yết trên HoSE, cổ phiếu ngân hàng này có thể lọt vào các rổ chỉ số như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%), VNFIN Lead (12%). Nhờ đó, cổ phiếu ACB có thể tăng giá trị thị trường.
Mới đây, ngân hàng này vừa ký hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm của Sun Life. Hai bên không tiết lộ giá trị thương vụ nhưng nhóm phân tích của VCBS nhận định chi phí Sun Life trả trước cho ACB có thể lên tới 370 triệu USD (8.500 tỷ đồng). Đây là con số cao hơn nhiều so với mức phí tương tự tại các ngân hàng có cùng quy mô tài sản nhận được từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền.
VCBS cho rằng lý do ACB nhận được khoản phí “lót tay” hàng trăm triệu USD kể trên nhờ doanh thu bán bảo hiểm năm 2019 đứng thứ 6 toàn hệ thống các ngân hàng (đạt 939 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nhà băng này đã vươn lên đứng thứ 3 về doanh số bán bảo hiểm 6 tháng đầu năm nay theo thông tin từ hiệp hội các doanh nghiệp bảo hiểm.
Đây cũng được đánh giá là nhà băng có tập khách hàng nhiều tiềm năng để khai thác với mạng lưới 371 chi nhánh cùng số lượng khách hàng cá nhân thường xuyên lớn lên tới 3,6 triệu người.
Theo VCBS, khoản phí “lót tay” trên sẽ được ACB hạch toán qua nhiều năm để tránh ảnh hưởng lớn tới vốn chủ sở hữu ngân hàng cũng như ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh các năm sau.