Phát biểu tại diễn đàn M&A do Báo Đầu tư tổ chức chiều 24/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định quan điểm nhất quán của cơ quan quản lý Nhà nước là đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Do đó, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư ngoại làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ trưởng Phương khẳng định Việt Nam đang nỗ lực chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực, cải cách thể chế, tạo hành lang thông thoáng cho nhà đầu tư. Năm nay, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mới với nhiều cải cách.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ Chính phủ sẽ lần đầu ban hành danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là cải cách quan trọng giúp doanh nghiệp ngoại được quyền tiếp cận thị trường bình đẳng, tương tự nhà đầu tư trong nước với toàn bộ ngành nghề không thuộc danh sách trên.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Lê Toàn. |
Kỳ vọng vào nhà đầu tư Nhật Bản, châu Âu
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho biết 3 bộ luật quan trọng là Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi sẽ cùng có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, tác động tích cực trực tiếp đến hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A).
Ví dụ như Luật Doanh nghiệp loại bỏ yêu cầu nhóm cổ đông giữ 10% cổ phần trở lên liên tục trong 6 tháng thì mới có quyền đề cử thành viên vào HĐQT. Việc bỏ quy định này giúp nhà đầu tư có thể nhanh chóng tái cấu trúc doanh nghiệp sau khi mua cổ phần thay vì phải đợi 6 tháng.
Với Luật Đầu tư mới, nhà đầu tư nước ngoài sẽ biết rõ danh mục lĩnh vực không được đầu tư hay hạn chế đầu tư. Trong những ngành hạn chế đầu tư, luật quy định rõ về quyền, phạm vi, hình thức hay tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại.
Đồng thời, chính sách mới cũng bổ sung những lĩnh vực đầu tư được nhận ưu đãi, gói ưu đãi đặc biệt dành riêng cho từng loại dự án và từng nhà đầu tư. Gói ưu đãi đặc biệt sẽ giới hạn trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển, có quy mô vốn đầu tư lớn, đổi mới sáng tạo.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham, kỳ vọng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ gián tiếp tạo động lực cho các giao dịch M&A của nhà đầu tư châu Âu. EVFTA sẽ là cầu nối, bảo hộ cho các doanh nghiệp châu Âu rót vốn vào Việt Nam.
Đánh giá về triển vọng đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản, một trong những quốc gia đang đổ vốn nhiều nhất vào thị trường Việt Nam, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam Masataka Yoshida dự báo xu hướng thực hiện giao dịch M&A của các doanh nghiệp xứ sở mặt trời mọc ở Việt Nam sẽ càng sôi động. Ông Yoshida cho biết Việt Nam đang đứng thứ 5 trong số các quốc gia có nhiều thương vụ M&A nhất của doanh nghiệp Nhật Bản và đủ khả năng thăng hạng lên vị trí thứ hai.
Giá trị M&A tại các nước Đông Nam Á | ||||
Nguồn: MAF, HSF | ||||
Nhãn | 2017 | 2018 | 2019 | |
Singapore | tỷ USD | 25 | 6.7 | 29.2 |
Thái Lan | 9 | 9.3 | 11.3 | |
Việt Nam | 10.2 | 7.6 | 7.2 | |
Indonesia | 10.7 | 2.8 | 4.3 | |
Malaysia | 11.7 | 5.1 | 2 |
Doanh nghiệp Việt sẵn sàng M&A ở nước ngoài
Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty ASL Law chia sẻ tại diễn đàn ông được nhiều nhà đầu tư trong nước nhờ giới thiệu cơ hội kết nối, đàm phán mua lại các nhà máy sản xuất ở Mỹ, châu Âu. Theo ông Khương, các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàn thực hiện các thương vụ M&A ở nước ngoài chứ không phải chỉ bán mình cho nhà đầu tư ngoại.
“Tôi hy vọng trong năm tới có thể chứng kiến cuộc chơi mà nhà đầu tư Việt Nam đóng vai trò lớn. Doanh nghiệp trong nước có thể tạo tiếng vang lớn, đột phá, thể hiện năng lực tài chính ngang ngửa nhà đầu tư nước ngoài”, ông Khương kỳ vọng về xu thế M&A năm 2021.
Phó viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cũng đánh giá nhiều doanh nghiệp Việt lớn mạnh tận dụng được cơ hội xâm nhập thị trường quốc tế nhờ những hiệp định thương mại tự do và mua lại các doanh nghiệp nước ngoài để tạo ra kênh phân phối.
Trong thực tế, một trong 10 thương vụ M&A có giá trị lớn nhất trong năm qua là việc Masan High-Tech Materials, công ty con của Tập đoàn Masan, chi hơn 40 triệu USD mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của Tập đoàn Đức H.C.S để sở hữu nhiều trung tâm sản xuất tiên tiến ở EU, Bắc Mỹ, châu Á.