Trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với ngành dệt may, da giày chiều 23/11, một số hiệp hội, doanh nghiệp cho biết nhờ Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của ngành có giảm nhưng mức không nhiều. Các đơn hàng tương đối ổn định.
Đại diện Công ty May 10 cảm ơn Thủ tướng quyết định sửa Nghị quyết 20 về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 rất kịp thời.
Nhờ đó, doanh nghiệp từ chỗ có thể giảm mạnh doanh số vẫn tăng trưởng 3%, không những không phải sa thải mà còn tuyển thêm nhiều lao động từ tháng 5 trở lại đây. Các doanh nghiệp cũng bày tỏ vui mừng khi Việt Nam tham gia EVFTA và được hưởng lợi trực tiếp từ cắt giảm thuế suất về 0%.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ ngành dệt may, da giày, túi xách có vai trò quan trọng, sử dụng đến 4,3 triệu lao động. Xuất khẩu của ngành chiếm tỷ trọng 24% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2019, tương đương 62 tỷ USD.
Thủ tướng khẳng định việc Việt Nam ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19, tham gia nhiều hiệp định thương mại tạo lợi thế cho ngành dệt may, da giày bên cạnh yếu tố lực lượng lao động trẻ, nhanh nhẹn, yêu nghề, có kỷ luật lao động. “Tinh thần năng động, tự cường ấy rất đáng trân trọng”. Thủ tướng nêu rõ.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý một số mặt hạn chế như việc tận dụng cơ hội xuất khẩu trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) còn thấp.
Các doanh nghiệp cần tận dụng thời gian đơn hàng không nhiều để tái cơ cấu, đào tạo lại nhân sự trong trạng thái bình thường mới, cải thiện sức cạnh tranh, chú trọng hơn đến thị trường nội địa, nhất là đồng phục công sở, đồng phục học sinh, sinh viên.
“Chúng ta chưa làm tương xứng với thị trường này, chưa tạo thành một cực cân bằng với xuất khẩu để bảo đảm bền vững hơn cho sản xuất kinh doanh dài hạn”, Thủ tướng nói.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với ngành dệt may, da giày. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Thủ tướng muốn ngành dệt may, da giày cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới theo hướng nhanh, quyết liệt để chiếm lĩnh, phát triển.
Song song đó, cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ muốn cộng đồng doanh nghiệp dệt may, da giày tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới của hiệp định RCEP. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần “tăng trưởng xanh”, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, áp dụng kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, ngành này cần tiếp tục nâng cao mức độ tự động hóa, giá trị lao động để tăng thu nhập.
Theo dự báo của Tập đoàn Dệt may, ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 33,5-34 tỷ USD trong năm 2020. Sau 9 tháng, con số thực tế là 25,6 tỷ USD giảm 12% so với cùng kỳ 2019. Đây vẫn là kết quả tích cực trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.