Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tại sao Grab không chịu nộp toàn bộ VAT trên mỗi cuốc xe?

“Đây là cán cân lợi ích kiềng 3 chân. Khách hàng, Grab, tài xế cùng có lợi thì mới duy trì được dịch vụ", lãnh đạo Grab nói về lý do hãng không chịu nộp hết VAT trên mỗi cuốc xe.

grab tang gia anh 1

Buổi đối thoại trực tuyến vào sáng nay tại Hà Nội giữa ban giám đốc Grab và đại diện các tài xế về việc thực hiện Nghị định 126 với kết thúc phần lớn tài xế GrabBike tham gia cảm thấy thất vọng khi không đạt được mục đích từ ban đầu đề ra là yêu cầu Grab giảm khấu trừ về mức 20%. Đến 13h30 chiều cùng ngày, cuộc đối thoại trực tiếp được tiếp diễn ở TP.HCM. Bên ngoài trụ sở Grab tại quận 7, nơi diễn ra đối thoại, có khoảng hơn 50 người mặc áo GrabBike tập trung.

Có 8 tài xế đại diện cộng đồng tài xế xe 2 bánh của Grab tại TP.HCM đến buổi đối thoại. Tuy nhiên, 3 tài xế không đồng ý với quy định không được ghi âm trong thời gian đối thoại của Grab nên ra về. Do đó, chỉ còn 5 tài xế GrabBike tại TP.HCM đối thoại với Grab. Ngoài ra, có khoảng 10 tài xế tham dự cuộc đối thoại qua hình thức trực tuyến tại TP. Đà Nẵng.

"Đã cân nhắc lợi ích kiềng 3 chân"

Bà Hoàng Thị Bích Hà, đại diện ban điều hành Grab Việt Nam cho biết hơn 3 năm nay, ứng dụng chưa điều chỉnh giá dù vật giá thay đổi. Lý do là việc tăng giá cước không có lợi cho khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến hãng và tài xế.

Đại diện Grab nhấn mạnh khi tăng giá cước vào đầu tháng 12, khách hàng, công ty và tài xế đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây là giải pháp để đảm bảo thu nhập của tài xế.

Phía Grab cho biết từ trước đến nay, công ty luôn tuân thủ việc đóng thuế VAT 10% trên phần doanh thu chia sẻ 20% của tổng giá trị mỗi cuốc xe. Theo quy định mới của Nghị định 126, toàn bộ giá trị cuốc xe chịu 10% thuế VAT. Phía Grab cho biết đã áp dụng khấu trừ 10% thuế VAT trên 80% doanh thu chia sẻ của tài xế từ ngày 5/12.

Do đó, tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế tăng từ 20% lên 27,273%. Thực chất, phí sử dụng ứng dụng vẫn là 20% và thuế VAT là thuế gián thu, người dùng cuối phải chịu.

Trước câu hỏi tại sao Grab không chịu hết 10% thuế VAT của giá trị cuốc xe, bà Bích Hà cho biết nếu áp dụng phương pháp này, tỷ lệ VAT công ty phải chịu lên đến 50% trên phần doanh thu chia sẻ 20% của mỗi cuốc xe. Điều này là sai quy định.

“Đây là cán cân lợi ích kiềng 3 chân. Khách hàng, Grab, tài xế đều phải cùng có lợi thì mới duy trì được dịch vụ kinh doanh. Duy trì cán cân này không dễ trong lúc kinh tế khó khăn vì dịch Covid-19”, đại diện công ty cho biết.

grab tang gia anh 2

Các đối tác tài xế lắng nghe ban lãnh đạo Grab giải thích về việc tăng giá cước, khấu trừ. Ảnh: Việt Đức.

Phía Grab cũng khẳng định đang tiếp tục làm việc với với cơ quan chức năng để bảo vệ đối tác, đưa ra chính sách hợp lý. Nếu cơ quan quản lý có văn bản hướng dẫn khác, Grab sẽ hoàn lại tiền thuế VAT trên phần chia sẻ doanh thu 80% của tài xế.

Bà Hà cho biết Grab đang đồng thời đưa ra các chương trình tăng nhu cầu của khách hàng sau khi áp dụng giá cước mới. Đồng thời, ngoài giá cước cơ bản, hãng có giá cước linh động để hỗ trợ tài xế.

Khấu trừ chi phí đầu vào cho tài xế

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, CEO Grab Việt Nam, nhấn mạnh quan điểm Nghị định 126 khi áp dụng lên mô hình kinh doanh hợp tác của Grab có nhiều điểm không phù hợp, bất cập, ảnh hưởng trực tiếp tới tài xế, khách hàng, doanh nghiệp.

Bà Vân cho biết Nghị định 126 đang áp dụng hình thức đánh thuế của mô hình kinh doanh vận tải truyền thống cho mô hình hợp tác chia sẻ doanh thu của Grab. Trước đây, Grab và tài xế chia sẻ doanh thu rồi mới đóng thuế VAT thay vì đóng VAT ngay trên giá cước rồi chia sẻ doanh thu như hiện tại.

CEO Grab cho biết công ty đã gửi công văn góp ý dự thảo Nghị định 126 đến Tổng cục Thuế vào tháng 5, 6 tháng trước ngày nghị định được ban hành. Trong đề xuất của Grab, công ty đưa ra 2 giải pháp.

Phương án đầu tiên là giữ nguyên phương pháp tính thuế như hiện hành (VAT là 3% trên phần doanh thu chia sẻ của tài xế nếu tổng doanh tru trong năm của tài xế trên 100 triệu). Phương án hai, Grab đồng ý áp dụng VAT đầu ra cho tài xế là 10% nhưng muốn cho phép khấu trừ giá trị đầu vào 7%. Như vậy, thuế VAT áp dụng với phần doanh thu chia sẻ của tài xế sẽ giữ nguyên ở mức 3%.

Tuy nhiên, bà Vân cho biết đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể dù công ty sau đó đồng thời gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ. CEO Grab khẳng định mong muốn nhận được hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý trong việc áp dụng Nghị định 126 để phù hợp hơn với mô hình chia sẻ doanh thu.

Phía Grab khẳng định đã nêu vấn đề với cơ quan thuế về việc tài xế cần được khấu trừ chi phí đầu vào (mua xe, xăng, sửa chữa, khấu hao), giảm trừ gia cảnh khi tính thuế. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa nhận được hướng dẫn và sẽ tiếp tục theo đuổi các câu hỏi này.

grab tang gia anh 3

Bà Nguyễn Thái Hải Vân (đeo kính) đối thoại với các tài xế GrabBike. Ảnh: Việt Đức.

“Chính sách bất cập nhưng phải tuân thủ”

Một tài xế đặt câu hỏi lãnh đạo Tổng cục Thuế trả lời báo chí rằng Nghị định mới không làm phát sinh nghĩa vụ thuế với tài xế vì ứng dụng sẽ đóng 10% VAT trên giá trị cuốc xe và tài xế chỉ chịu 1,5% thuế thu nhập cá nhân nhưng tại sao Grab lại khấu trừ 10% thuế VAT trên doanh thu của tài xế.

Lãnh đạo Grab cho biết công ty đang tuân thủ đúng tất cả các luật, quy định pháp lý bằng văn bản. Phía Grab nhấn mạnh chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện Nghị định 126 và công ty không thể thực hiện chính sách dựa trên phát biểu của đại diện Tổng cục Thuế trên báo chí.

Một tài xế khác đề nghị phía Grab tạm dừng việc khấu trừ 10% VAT trên doanh thu chia sẻ của tài xế cho đến khi công ty nhận được hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng để tránh làm ảnh hưởng thu nhập của tài xế.

Tuy nhiên, bà Vân nhấn mạnh Grab không có cách nào khác ngoài việc phải tuân thủ quy định ngay từ ngày đầu tiên nghị định có hiệu lực mặc dù công ty có quan điểm khác. CEO Grab nhắc lại việc trừ ngay thuế VAT của đối tác 10% như một doanh nghiệp nhưng không cho giải pháp khấu trừ đầu vào là không phù hợp.

“Một mặt, Grab phải tuân thủ từ ngày đầu. Một mặt không biết làm thế nào đòi hỏi hướng dẫn thực thi công bằng, phù hợp nhất cho đối tác, Nhà nước và doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tuân thủ quy định mới kiến nghị, ý kiến được. Nếu không tuân thủ mà đi đòi hỏi thì doanh nghiệp sẽ không được Nhà nước lắng nghe. Đó là lý do Grab chọn con đường tuân thủ trước rồi tiếp tục kiến nghị”, bà Vân phát biểu kết luận buổi đối thoại.

Trao đổi với Zing vào chiều cùng ngày, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), cho rằng: “Grab có quyền tăng khấu trừ đối với tài xế và tăng giá cước nhưng không thể đổ do Nghị định 126”.

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định cơ quan này không can thiệp vào chuyện kinh doanh của Grab (tăng khấu trừ, tăng giá cước dựa trên sự thỏa thuận của Grab với tài xế), tuy nhiên, Grab không được đổ lỗi hành động của hãng do quy định về thuế mới.

Trước đó, khi Nghị định 126 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12, Grab lập tức điều chỉnh tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 23,6% lên 27,273%; với GrabCar, mức khấu trừ mới là 28,364% và 32,841% so với mức 23,6% và 28,375% trước kia.

Đến ngày 7/12, hàng trăm tài xế GrabBike tại TP.HCM và Hà Nội đồng loạt tắt ứng dụng, tập trung trước văn phòng Grab rồi diễu hành để phản đối. Tài xế cho rằng cuốc xe đặt qua ứng dụng Grab phải tính VAT 10% là phần thuế mà người dùng phải trả và Grab nộp hộ, không liên quan đến tài xế. Tuy nhiên, chính sách mới của công ty khiến thu nhập của họ giảm.

Grab nói chưa thể thay đổi tỷ lệ khấu trừ với tài xế

Tổng giám đốc Grab Việt Nam cho rằng hãng gọi xe này phải tuân thủ Nghị định 126 nên chưa thể thay đổi tỷ lệ khấu trừ 27,273% với tài xế GrabBike trên mỗi cuốc xe.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm