Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai Cập: Máu và nước mắt trên vùng đất của những Pharaoh

Chưa ai nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở bán đảo Sinai hôm 24/11, trong khi người dân Ai Cập vẫn chưa thôi bàng hoàng về vụ tấn công đẫm máu nhất thế giới kể từ ngày 11/9/2001.

Người dân Ai Cập đã dành hai ngày cuối tuần để tưởng niệm nạn nhân của vụ tấn công bằng súng và bom kinh hoàng nhất trong lịch sử nước này, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Nguồn tin từ chính phủ Ai Cập cho biết khoảng 30 kẻ mang vũ khí cùng cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tấn công những tín đồ đang cầu nguyện ở một nhà thờ Hồi giáo.

Theo AFP, trong số hơn 300 người thiệt mạng, 27 người là trẻ em.

khung bo o Ai Cap anh 1
Người dân Ai Cập vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tấn công. Ảnh: Getty.

IS chưa lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công, nhưng tổ chức này gần như là nghi phạm duy nhất bởi nhà thờ Hồi giáo này là nơi cầu nguyện của các tín đồ Sufi thuộc dòng Sunni, vốn được IS coi là dị giáo.

Đám tang của hàng trăm người đã được tổ chức trong đêm. Nhiều người được chôn cất trong những bộ trang phục còn đẫm máu.

Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã tuyên bố 3 ngày tưởng niệm những người ngã xuống trong vụ tấn công được coi là đẫm máu nhất trong lịch sử nước này, đồng thời là vụ tấn công đẫm máu nhất thế giới kể từ ngày 11/9/2001.

"Quân đội và cảnh sát sẽ trả thù cho những người đã ngã xuống, an ninh và ổn định sẽ quay lại trong thời gian tới", tổng thống Ai Cập khẳng định.

Bóng tối bao trùm

Văn phòng công tố Ai Cập cho biết khoảng 305 người đã thiệt mạng và 128 người bị thương trong vụ tấn công vào đền thờ Hồi giáo Rawda, nằm ở bán đảo Sinai.

Những kẻ tấn công, được mô tả là có râu rậm và để tóc dài giống những phần tử thánh chiến, đã bao vây nhà thờ trong ngày 24/11. Các nhân chứng kể lại họ nghe thấy tiếng súng và bom trước khi những kẻ tàn ác bước vào nhà thờ.

Chúng còn phóng hỏa 7 chiếc xe khác bên ngoài ngôi đền và đứng chặn ở các cửa ra vào để tấn công bất kỳ ai có ý định bỏ chạy.

khung bo o Ai Cap anh 2
Hiện trường vụ tấn công. Ảnh: Getty.

"Chẳng ai trong nhà thờ có thể trốn thoát mà không bị thương", một nhân chứng kể lại.

Một nạn nhân khác nói với AFP rằng những kẻ tấn công đeo mặt nạ và mặc đồng phục quân đội. Chúng từng nhiều lần đe dọa tới cuộc sống của người dân trong vùng.

Đối với những người may mắn sống sót, họ đang vật lộn với nỗi đau thể xác và cả tinh thần trong những bệnh viện ở thành phố Ismailia gần kênh đào Suez.

Người dân địa phương vẫn không thôi hối tiếc về nhà thờ Hồi giáo bị đánh bom, nơi được họ mô tả là một trong những công trình vô cùng nổi bật.

"Đây là nhà thờ lớn nhất trong vùng. Nó là nhà thờ chính, nơi tổ chức các sự kiện từ đám tang đến đám cưới với sức chứa lên tới 700 người", ông Ahmed Sweilam, một người có họ hàng sống trong vùng, cho biết.

Bóng tối đã bao phủ ngôi làng, nơi bỗng chốc mất đi hàng trăm công dân trong một vụ tấn công đẫm máu. 

Ác mộng dai dẳng

Lực lượng IS tại Ai Cập đã giết hàng trăm cảnh sát, quân nhân và cả dân thường bị nghi ngờ làm việc cho chính quyền.

Chúng nhắm vào những người theo dòng Hồi giáo Sufi và cả những tín đồ Thiên chúa giáo. IS vốn coi Sufi là dị giáo và cho rằng những người theo dòng Hồi giáo này chỉ biết cầu xin sự giúp đỡ từ thánh thần.

khung bo o Ai Cap anh 3
Ai Cập vẫn loay hoay quanh hàng loạt vụ tấn công nhằm vào cảnh sát, quân nhân và dân thường. Ảnh: Getty.

Tới thời điểm hiện tại, IS đã giết hơn 100 tín đồ Thiên chúa giáo trong các vụ đánh bom nhà thờ ở Sinai và trên toàn Ai Cập, khiến nhiều người sợ hãi và phải bỏ xứ.

Quân đội Ai Cập vẫn loay hoay xử lý những kẻ đã thề trung thành với chủ nghĩa khủng bố trong những năm qua. Cùng lúc đó, chúng chuyển dần mục tiêu sang dân thường, giết bất cứ ai hợp tác với chính quyền hoặc quân đội.

Chính nhóm khủng bố này đã gây ra vụ tai nạn máy bay kinh hoàng hồi cuối tháng 10/2015, khiến một máy bay của Nga phát nổ, kéo theo sinh mạng của 224 người.

Không chỉ IS, Al-Qaeda cũng là mối đe dọa lớn ở Ai Cập. Tổ chức khủng bố khét tiếng đang hoạt động mạnh mẽ và không ngừng mở rộng mạng lưới tại Lybia.

Hồi tháng 10, một nhóm tự gọi là Ansar al-Islam, đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công ở sa mạc phía tây Ai Cập, khiến 16 cảnh sát thiệt mạng.

Trong tuyên bố ngày 24/11, Liên Hợp Quốc hy vọng những người bị thương trong vụ tấn công sớm bình phục, và bày tỏ mong muốn đưa thủ phạm cùng bất cứ ai bảo trợ cho các hành động khủng bố ra xét xử trước pháp luật.

Ngày 25/11, quân đội Ai Cập đã mở hàng loạt cuộc không kích vào các mục tiêu nghi là nơi ẩn náu của lực lượng khủng bố ở nhiều khu vực đồi núi. Tuy nhiên, chưa ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra sau đó ở mảnh đất của những vị Pharaoh.

Hiện trường vụ đánh bom kinh hoàng ở Ai Cập Vụ đánh bom kinh hoàng nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo ở Ai Cập khiến ít nhất 235 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Bán đảo Sinai: Đứa con bất trị của Ai Cập bất ổn

Ít nhất 235 người đã chết trong cuộc tấn công đẫm máu nhất lịch sử Ai Cập hôm 24/11 và bán đảo Sinai mãi mãi không còn là chốn thiên đường bình yên giữa một quốc gia bất ổn.

305 người đã thiệt mạng trong vụ khủng bố ở Ai Cập

Văn phòng công tố Ai Cập ngày 25/11 cho biết số người chết trong vụ đánh bom khủng bố ở nhà thờ Rawdah đã tăng từ 235 lên 305 người.

Thế Long

Bạn có thể quan tâm