Khi Thượng Hải mở cửa trở lại, Helena Shu - Giám đốc điều hành ByteDance - rất vui mừng khi được gặp lại bạn bè. Sau hai tháng phong tỏa và chính quyền kiểm soát được số ca nhiễm, người dân lại được tự do ra khỏi nhà.
Tuy nhiên, niềm hứng thú ấy nhanh chóng bị dập tắt khi cô phải xếp hàng 30 phút để xét nghiệm Covid-19. Kể từ khi trung tâm tài chính của Trung Quốc mở cửa trở lại vào cuối tháng trước, người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 được thực hiện trong vòng 72 giờ để vào các địa điểm hoặc đi phương tiện giao thông công cộng.
Shu cho biết cô thậm chí còn phải xét nghiệm để đi lấy hàng ở gần nhà. “Các đợt xét nghiệm Covid-19 vô tận không phải để kiểm tra tình trạng sức khỏe của tôi mà là ‘tấm vé’ để tôi được ra ngoài đường”, cô nói. “Điều này thật nực cười”.
Phong tỏa có thể đã kết thúc, nhưng “bình thường mới” đồng nghĩa với việc người dân phải tuân thủ hệ thống xét nghiệm và quét mã phức tạp. Và mọi thứ không chỉ diễn ra ở mỗi Thượng Hải mà còn cả ở nhiều nơi khác trên khắp Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Xét nghiệm, xét nghiệm rồi lại xét nghiệm
Bản đồ trực tuyến hiển thị hàng chục nghìn gian xét nghiệm trên khắp Trung Quốc. Giới chức tìm cách đảm bảo rằng ở tất cả thành phố lớn, người dân ở bất cứ vị trí nào cũng có thể bắt gặp một gian xét nghiệm chỉ với 15 phút đi bộ.
Đầu tháng 4, chỉ riêng tại Thượng Hải đã có hơn 500 gian xét nghiệm. Tuy nhiên, với yêu cầu kiểm tra chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính liên tục, cảnh tượng người dân xếp hàng dài tại các gian này là điều không khó bắt gặp.
Rose Chan - người đã ở Thượng Hải từ năm 2020 - cho biết cô luôn cảm thấy lo lắng khi kết quả xét nghiệm sắp hết hạn vì cô cần bỏ rất nhiều thời gian để xếp hàng.
Mặc dù kết quả xét nghiệm có giá trị trong 72 giờ, Chan bắt đầu bồn chồn sau khoảng 48 giờ và cảm thấy muốn xét nghiệm mỗi khi đi ngang qua khu vực có gian xét nghiệm "để đề phòng". Cô so sánh cảm giác này giống như muốn đảm bảo thực phẩm không quá hạn sử dụng.
Giới chức Thượng Hải yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ để được đi phương tiện công cộng. Ảnh: Reuters. |
Shu nói rằng cô phải lên kế hoạch và xét nghiệm trước ít nhất 12 giờ nếu muốn ra ngoài, bởi sẽ mất thời gian để kết quả hiện trên ứng dụng mã sức khỏe. Cô cũng cần phải quét mã trong một ứng dụng khác để lên tàu điện ngầm, và các mã khác nhau để vào trung tâm mua sắm, rồi tới siêu thị bên trong trung tâm mua sắm.
Một số người ở Thượng Hải đề nghị thành phố áp dụng duy nhất một hệ thống như Bắc Kinh. Gần đây, thủ đô đã liên kết hệ thống mã y tế với hệ thống bán vé giao thông công cộng.
Một người dân Thượng Hải bình luận trên Weibo rằng mỗi khi ra ngoài, cô phải mở tới vài ứng dụng để chứng tỏ mình có đầy đủ giấy tờ cần thiết.
Tuy nhiên, giáo sư luật Lao Dongyan tại Đại học Thanh Hoa cho biết một hệ thống duy nhất như vậy có thể xâm phạm quyền riêng tư.
"Thông tin cá nhân như chúng ta đi đâu, sống với ai và cách chúng ta tương tác với đồng nghiệp sẽ được công khai", ông Lao viết trên Weibo. Hiện tại bài đăng này đã bị xóa.
Trong khi đó, quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia He Qinghua phản đối việc “mở rộng phạm vi xét nghiệm một cách mù quáng”. Ông nói rằng xét nghiệm “không nên trở thành tiêu chuẩn” ở những vùng không có ca nhiễm nào gần đây hoặc không có nguy cơ xuất hiện ca nhập cảnh.
Không chỉ ở Thượng Hải
Tuy vậy, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ nới lỏng quy định xét nghiệm.
Đầu năm nay, tỉnh Hà Nam cho biết họ có kế hoạch đào tạo hơn 50.000 nhân viên lấy mẫu xét nghiệm. Ở mỗi thành phố phía đông như Hàng Châu, Ninh Ba và Ôn Châu có hơn 10.000 nhân viên.
Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu đều cần nhân viên lấy mẫu và nhân viên giám định. Tại đây có dán nhiều biển quảng cáo tuyển dụng với mức lương hàng tháng từ 5.000 NDT (748 USD) đến 15.000 NDT.
Phong tỏa kết thúc nhưng xét nghiệm vẫn là một phần trong cuộc sống người dân Thượng Hải. Ảnh: Reuters. |
Ở Chaoyang, thuộc tỉnh Liêu Ninh, nơi ghi nhận một trường hợp dương tính trong vài tháng qua, tất cả người dân phải xét nghiệm mỗi 15 ngày. Nhưng họ cũng phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ để vào địa điểm công cộng, và phải tự trả tiền cho các xét nghiệm này.
“Chỉ để ra ngoài mua một ít hành lá, tôi phải trả 20 NDT để xét nghiệm Covid-19", sinh viên Zhang Ru nói. Zhang nói rằng để tránh tốn thêm chi phí, cô cố gắng ở nhà và sắp xếp các cuộc hẹn trong 48 giờ sau những lần xét nghiệm bắt buộc miễn phí.
Cư dân Thượng Hải cũng sẽ phải tự trả tiền xét nghiệm Covid-19 từ ngày 1/7. Một số người trẻ cho biết họ sẵn sàng làm vậy.
“Tôi không quan tâm liệu mình có cần trả tiền hay không”, nhiếp ảnh gia Roman Zhang nói. “Tôi không quan tâm tôi có mắc Covid-19 hay không. Tôi chỉ quan tâm đến việc liệu tôi có thể có một cuộc sống bình thường ở đây hay không”.