Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9X thử thách mình với những đề tài 'khó nhằn' về lịch sử

Lấy bối cảnh một thời đại đã qua, tác giả Huỳnh Trọng Khang khắc họa những tuổi trẻ tuyệt vọng trong bom đạn, biến động thời thế.

Đối với văn học trẻ hiện nay, cái tên thu hút có lẽ là nhà văn Huỳnh Trọng Khang. Bởi hai lẽ, tuổi đời của anh khá trẻ, nhưng anh sở hữu hai tác phẩm tiểu thuyết viết về lịch sử Việt Nam những năm 1960-1975, Mộ phần tuổi trẻ Những vọng âm nằm ngủ, từng gây chú ý văn đàn và đạt một số giải thưởng về sách. 

Chiến tranh và những hồi ức miên man

Tôi, cũng như nhiều bạn trẻ sinh ra sau thập niên tám mươi của thế kỷ 20, khi nói về chiến tranh là một cái gì đó quá đỗi xa xôi. Mặc dù chúng tôi được nghe những người đã đi qua chiến tranh kể đi kể lại hàng trăm lần.

Huỳnh Trọng Khang cũng thế, tác giả sinh năm 1994, có lẽ, với anh, chiến tranh là một cái gì đó chỉ được nghe kể, thông qua những con người, những trang sách, những bài báo… để rồi từ đó anh cho ra đời hai tiểu thuyết.

Tac gia tre viet ve lich su anh 1
Sách Mộ phần tuổi trẻ

Mộ phần tuổi trẻ là câu chuyện trong hồi ức của một người không có tên, là con của một vị tướng quân, ở tuổi hai mươi, anh trải qua chiến tranh, anh không tìm thấy lý tưởng, không tìm thấy ý nghĩa của việc sinh tồn, ngoài tình yêu và những cuộc chơi. Chính điều đó là nỗi day dứt của cuộc đời anh, khi anh tự kể câu chuyện của mình của 50 năm về trước.

Những vọng âm nằm ngủ cũng là câu chuyện của một người nữ, kể về mình, 50 năm về trước, nhưng trên vai trò của một người nước ngoài, từng làm phóng viên ở Việt Nam khi tuổi trẻ đầy hoài bão, lý tưởng. Ở Việt Nam trong 7 năm, Sylvia Milosz yêu một người bản địa, yêu say đắm và điên dại.

Hồi ức của cô là câu chuyện về chính cuộc đời cô, về danh tiếng và sự vô nghĩa của danh tiếng, về chiến tranh và sự vô nghĩa của chiến tranh, chuyện về người tình tên K của cô, chuyện những người đàn bà cùng thời với cô (những người trải qua trăm nghìn kiểu bi kịch khác nhau do chiến tranh mang lại).

Cả hai tiểu thuyết, Huỳnh Trọng Khang luôn cho nhân vật tôi kể chuyện, rồi những hồi ức về những kỷ niệm, những nỗi đau dày xé, những lần làm tình, cứ thế, miên man không dứt.

Ký ức không bao giờ nằm ngủ

Thông qua các trường thiên miêu tả của tác giả về những cựa động bên trong của người kể ra câu chuyện cuộc đời mình, độc giả biết rằng, những hồi ức đó sẽ mãi còn ám ảnh, còn day dứt, còn khứa vào lòng, cho đến khi câu chuyện của đời mình được kể ra, thì may ra lòng mới vơi đi đôi phần.

Hồi ức của một đời người, nhất là hồi ức về thời thanh xuân, luôn luôn là những ký ức dù muốn quên đi chăng nữa, thì nó vẫn sống dậy, sống dậy một cách sinh động nhất khi chúng ta về già. Nắm bắt quy luật tâm lý đó, tác giả Huỳnh Trọng Khang đã tưởng tượng ra câu chuyện, để phản ánh về một thời đại trong lịch sử Việt Nam.

Với Huỳnh Trọng Khang, anh nhìn nhận cuộc chiến như một khách thể, mà mỗi thân phận trải qua chiến tranh đều mang lấy khổ đau, cay đắng.

Tac gia tre viet ve lich su anh 2
Sách Những vọng âm nằm ngủ.

Cái “vọng âm” mà Trọng Khang muốn nhắc đến, không chỉ là những con người Việt sinh sống ở miền Nam những năm 1960-1970, mà còn nói về những thân phận ngoại quốc có dính líu ít nhiều đến chiến tranh Việt Nam. Có lẽ, ở góc nhìn này, cho thấy Trọng Khang là một nhà văn đi theo chủ nghĩa hiện sinh, Trọng Khang muốn khắc họa từng số phận con người cụ thể trong một thời cuộc cụ thể. Tác giả muốn đi tìm kiếm câu trả lời cho sự tồn tại của một kiếp người, nhưng được đặt trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Ký ức là điều luôn tồn tại vĩnh viễn, dù ta muốn quên đi

Đọc Mộ phần tuổi trẻ Những vọng âm nằm ngủ, dù tác giả không cố tình, nhưng trên phương diện người đọc, tôi nghĩ rằng, tác giả muốn nhắc nhở chúng ta - những người thuộc thế hệ hòa bình - về những đau thương, mất mát, những số phận trong chiến tranh.

Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, may mắn cho những ai tìm thấy lý tưởng và một lòng trung thành với lý tưởng ấy. Nhưng cũng trong chiến tranh, nếu sống dưới một chế độ khác, số phận của họ trở nên đầy u uất. 

Tac gia tre viet ve lich su anh 3
Tác giả Huỳnh Trọng Khang.

Dù cả hai tiểu thuyết đều có những điểm chưa thực sự lấp lánh, nhưng với một tác giả trẻ, viết về cái mà mình không từng trải qua, lại tạo ra được một không khí thời cuộc sinh động đến thế, để người đọc phải cảm, phải nghĩ về số phận những con người đã trải qua chiến tranh như một nỗi day dứt không thể nào quên được, quả là điều đáng mừng.

Huỳnh Trọng Khang vẫn còn viết tiếp, về thời đại đó, về những cuộc đời trong hoàn cảnh lịch sử đó, như ở cuối tiểu thuyết Những vọng âm nằm ngủ đề chữ “Còn tiếp”. Dù ai đó có muốn quên đi, nhưng ký ức của lịch sử thì tồn tại vĩnh viễn.



Hà Hương Sơn

Bạn có thể quan tâm