Các binh sĩ tại căn cứ không quân Al-Udeid tham gia một chương trình phát sóng trực tiếp của Fox NFL Sunday vào ngày 13/11. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Căn cứ không quân Al-Udeid được xây dựng trên một dải sa mạc cách thủ đô Doha, Qatar, khoảng 30 km về phía tây nam. Căn cứ này hiện có khoảng 8.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân, AP đưa tin ngày 2/12.
Khi người hâm mộ bóng đá thế giới hướng về Qatar, cơn sốt World Cup cũng đang tràn vào căn cứ Al-Udeid, với sự xuất hiện của nhiều biểu ngữ ủng hộ giải đấu bằng tiếng Arab.
Binh sĩ Mỹ cho biết họ thường lái xe đến các sân vận động để cổ vũ cho đội tuyển Mỹ khi có thời gian. Trong đó, một người đã đến xem 7 trận đấu.
“Tôi rất phấn khích khi thấy (đội tuyển Mỹ) thi đấu, đặt trái tim và tâm hồn của họ vào sân cỏ, giống như những người lính không quân ở đây đặt trái tim và tâm hồn của họ vào nhiệm vụ”, Đại úy Kayshel Trudell chia sẻ, đề cập đến chiến thắng 1-0 của Mỹ trước Iran vào đầu tuần này.
Cô cũng cho biết sẽ mặc trang phục màu đỏ, trắng và xanh lam, để cổ vũ tuyển Mỹ trong trận đấu với Hà Lan vào ngày 3/12 (giờ địa phương).
Căn cứ Al-Udeid có một quầy bar riêng dành cho các binh sĩ theo dõi World Cup. Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã cấp phép cho cơ quan quản lý dịch vụ truyền hình thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ phát sóng các trận đấu.
Trung tá Erin Brilla trong cuộc trò chuyện với AP tại căn cứ không quân Al-Udeid, Qatar, vào ngày 2/12. Ảnh: AP. |
“Thật là một trải nghiệm thú vị khi có mặt tại Qatar trong thời gian diễn ra World Cup”, Trung tá Erin Brilla nói, đồng thời cho biết thêm rằng “gần như mọi chiếc TV” trong căn cứ đều chiếu các trận đấu, ngoại trừ những màn hình theo dõi bầu trời.
Căn cứ Al-Udeid từng được coi là địa điểm nhạy cảm đến mức các sĩ quan quân đội Mỹ luôn từ chối tiết lộ vị trí chính xác.
Theo AP, việc xây dựng và củng cố căn cứ Al-Udeid phản ánh “cuộc chiến không hồi kết” chống lại các tổ chức khủng bố sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 ở New York. Khi Saudi Arabia yêu cầu các lực lượng Mỹ rời khỏi vương quốc, Qatar đã đề nghị xây dựng căn cứ Al-Udeid, với chi phí ban đầu ước tính một tỷ USD.
Sau đó, căn cứ Al-Udeid nhanh chóng trở thành trụ sở tiền tuyến của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ. Căn cứ không quân này theo dõi các nhiệm vụ chiến đấu, chuyến bay giám sát và máy bay không người lái trên khắp Trung Đông, Bắc Phi và châu Á.
Hiện nay, căn cứ Al-Udeid được xem là "viên ngọc" chiến lược của Qatar, thể hiện mối quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ của nước này với Mỹ.
Đối với Qatar, căn cứ này giúp đảm bảo an ninh trong một khu vực vốn bị rạn nứt, khi chỉ hai năm trước, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ai Cập và Bahrain đã tẩy chay nước này, cắt đứt các liên kết thương mại và du lịch.
Theo Washington Post, căn cứ này có sức chứa hơn 10.000 quân. Tuy nhiên, số lượng binh sĩ Mỹ tại đây đã giảm kể từ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden bắt đầu rút quân khỏi Trung Đông.
Song Qatar vẫn tiếp tục đổ tiền vào căn cứ này, với hơn 8 tỷ USD kể từ năm 2003. Căn cứ Al-Udeid hiện có bãi đậu máy bay vận tải quân sự C-17 và đường băng dài phục vụ máy bay ném bom hạng nặng nhất. Đồng thời, căn cứ cũng có quầy đồ ăn của Burger King, Pizza Hut và phòng tập gym cho các binh sĩ.
5 quyển sách hay về Qatar
Zing xin giới thiệu 5 quyển sách hay về Qatar - nước chủ nhà World Cup 2022. Quốc gia chủ nhà Qatar có diện tích nhỏ bé nhưng thuộc nhóm giàu nhất thế giới. Có nhiều đặc điểm về chính trị, văn hóa, kinh tế của quốc gia này chưa được biết đến rộng rãi.