Một người đàn ông đứng bên khu nhà đổ sập do động đất tại Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters. |
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria, trong những ngày qua, hai đại sứ quán vẫn tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên với các cơ quan chức năng sở tại, các đầu mối cộng đồng người Việt Nam tại địa phương để tìm hiểu thông tin về khả năng có người Việt bị thương vong trong trận động đất và chuẩn bị kế hoạch để triển khai nhanh chóng các biện pháp bảo hộ trong trường hợp cần thiết.
Hai Đại sứ quán cho biết khu vực xảy ra động đất không có nhiều người Việt Nam sinh sống và đến nay chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong trong sự kiện này.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã ghi nhận sáu công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi động đất, hiện rất khó khăn và thiếu thốn. Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tài chính và vật dụng để khắc phục phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Cũng trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã nhiều lần trao đổi với chính quyền sở tại, chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo Việt Nam và triển khai một số hoạt động thiết thực để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn như quyên góp ngày lương, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Hiện tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ duy trì năm cán bộ, trong đó đại sứ trực tiếp có mặt tại địa điểm xảy ra động đất để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn. Đại sứ quán Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại nhanh chóng giải quyết các thủ tục phát sinh, đón và đưa đoàn công tác Việt Nam gồm 24 chiến sĩ công an tới địa điểm cứu hộ trong chiều ngày 10/02 và chuẩn bị đón 76 cán bộ, chiến sĩ Bộ Quốc phòng sẽ tới trong vài ngày tới.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, hai Đại sứ quán sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, kịp thời tiến hành các biện pháp bảo hộ và hỗ trợ công dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất, tham gia cứu trợ, hỗ trợ nạn nhân của trận động đất theo khả năng và tình hình thực tế.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.