Trận động đất kinh hoàng hôm 6/2 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất hơn 21.000 người ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ảnh: Reuters. |
Theo thông tin trên trang web, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam cho biết sẽ nhận hiện vật chưa qua sử dụng hỗ trợ các nạn nhân ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất tới ngày 17/2 (trong khoảng 10-15h).
Các mặt hàng Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận bao gồm lều, máy sưởi, túi ngủ, đồ lót, bốt, áo khoác, găng tay, tất, áo mưa, khăn quàng cổ, thức ăn trẻ em, đồ ăn liền (thực phẩm không cần nấu và không chứa thành phần liên quan tới thịt lợn), thực phẩm khô (không chứa thành phần liên quan tới thịt lợn), nước đóng chai, tã, băng vệ sinh, khăn ướt, chăn, đệm, gối,...
Đối với khu vực ở phía bắc từ Đà Nẵng trở ra, địa chỉ tiếp nhận sẽ là ở Đại sứ quán Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ - tầng 14, Hanoi Central Office Building, 44B, phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Với khu vực ở phía nam, bao gồm cả Quảng Nam, nơi gửi hiện vật sẽ là tại Kho SCSC, 30 Phan Thúc Duyện, quận Tân Bình, TP.HCM.
Hàng viện trợ được gửi đi nên bọc bằng túi nhựa và đặt vào hộp/thùng. Trên thùng/hộp cần ghi rõ có những hiện vật nào bên trong.
Thông tin nội dung, số lượng, trọng lượng của các hiện vật hỗ trợ cần gửi trước đến địa chỉ email embassy.hanoi@mfa.gov.tr theo mẫu. Những bên hỗ trợ số lượng lớn có thể liên hệ trước với Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam.
Tất cả hàng viện trợ sẽ được gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hãng hàng không Turkish Airlines.
Tính đến ngày 10/2, tổng số người thiệt mạng sau trận động đất kinh hoàng xảy ra hôm 6/2 đã lên tới 21.719 người, theo Guardian. Con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ là 18.342, trong khi ở Syria là 3.377 người.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ước tính có khoảng 13,5 triệu người trong khu vực trải dài 450 km bị ảnh hưởng bởi động đất, theo Reuters. Trong khi đó, cơ quan truyền thông nhà nước của Syria cho biết đã có hơn 298.000 người bị mất nhà cửa sau trận động đất tại quốc gia này.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt ngày 9/2 cho biết vẫn chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong trận động đất này.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.