Một người phụ nữ được cứu sống hôm 10/2 tại tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters. |
Người phụ nữ này có tên Menekse Tabak, CNN Turk cho biết. Khi được cứu, bà đã ở dưới đống đổ nát 121 giờ.
Khi các hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bước sang ngày thứ sáu, hy vọng tìm thấy những người sống sót bên trong các tòa nhà đổ sập ngày một vơi đi. Dù vậy, phép màu vẫn xảy ra.
Bên cạnh bà Tabak, lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/2 cũng cứu được bà Masallah Cicek, 55 tuổi, cư dân Diyarbakir - thành phố lớn nhất ở khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Reuters đưa tin.
Đêm 10/2 - rạng sáng 11/2, Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết các nhân viên cứu hộ đã đưa được 67 người ra khỏi các đống đổ nát trong vòng 24 giờ trước đó. Hiện có khoảng 31.000 nhân viên cứu hộ đang hoạt động tại quốc gia này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận gần 21.000 trường hợp tử vong do động đất. Khoảng 80.000 người đang được điều trị ở bệnh viện, trong khi hơn một triệu người đã mất nhà cửa và phải sinh hoạt ở các cơ sở tạm trú, ông Oktay cho biết thêm.
“Mục tiêu chính của chúng tôi là đảm bảo họ có thể quay lại cuộc sống bình thường. Chúng tôi sẽ giúp họ có nhà trong vòng một năm để họ có thể vượt qua nỗi đau sớm nhất có thể”, ông Oktay tuyên bố.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Syria, số người thiệt mạng do động đất - tính cả khu vực do lực lượng chính phủ kiểm soát lẫn khu vực do các phe phái đối lập nắm giữ - đã vượt mốc 3.500 người. Tổng số người chết ở cả hai quốc gia đã vượt 24.000 - cao hơn nhiều con số 20.000 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo ngay sau thảm họa.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.