Căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia liên quan đến vụ hành quyết giáo sĩ dòng Shia Sheikh Nimr al-Nimr vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguy cơ xảy ra xung đột giữa 2 cường quốc Hồi giáo dòng Shia và Sunni vẫn rất lớn.
Nhà phân tích quân sự Dave Majumdar nhận định, lực lượng vũ trang Iran có công nghệ và trang thiết bị quân sự kém hơn so với Saudi Arabia. Tuy nhiên, Tehran có thể vận dụng trang thiết bị quân sự khiêm tốn trong một chiến thuật hợp lý để duy trì thế chủ động.
Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến nền kinh tế và lực lượng vũ trang nước này chịu nhiều thiệt hại. Iran sẽ phải dựa vào chiến thuật và phương tiện tác chiến phi đối xứng để chống lại Saudi Arabia cho đến khi hệ thống phòng không hiện đại S-300 mua từ Nga được chuyển giao.
Tạp chí National Interest đã bình chọn 5 vũ khí nguy hiểm nhất của Iran có thể làm thay đổi cục diện trong một cuộc xung đột nếu có với Saudi Arabia.
Lực lượng đặc nhiệm Quds
Quds là đơn vị chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, lực lượng này có thể công cụ hiệu quả nhất để Tehran chống lại Riyadh. Đơn vị có quân số khoảng 15.000 người hoạt động một cách bí mật. Quds từng gây nhiều khó khăn cho quân đội Mỹ trong quá trình chiếm đóng Iraq vào năm 2003.
Đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Iran. Ảnh: World Intel Report |
Đặc nhiệm Quds được cho là huấn luyện quân nổi dậy người Shia địa phương và cung cấp vũ khí cho họ chống lại quân đội Mỹ. Đặc biệt, đơn vị đã hướng dẫn cho dân quân cách sử dụng mìn nổ lõm EFP để tấn công xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ. Ở thời điểm căng thẳng nhất của chiến tranh Iraq, EFP gây ra khoảng 20% thương vong cho quân đội Mỹ.
Quds đang giúp quân đội Syria trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tên lửa đạn đạo
Tên lửa đạn đạo Shahab 3 trong một lần phóng thử nghiệm. Ảnh: Timesofisrael |
Trang thiết bị của Không quân Iran chủ yếu là các máy bay chiến đấu lỗi thời, nhưng Tehran vẫn có khả năng tấn công mạnh mẽ với các tên lửa đạn đạo. Lực lượng tên lửa Iran sở hữu nhiều vũ khí có tầm bắn bao phủ hầu hết khu vực Trung Đông.
Nổi bật nhất là gia đình tên lửa đạn đạo Shahab với tầm bắn từ 300 đến 4.000 km tùy phiên bản. Tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng Emad có tầm bắn khoảng 1.600 km. Đặc biệt, tên lửa đạn đạo di động Sejjil là vũ khí có năng lực nhất của Iran. Nó thuộc loại tên lửa nhiên liệu rắn 2 giai đoạn lắp trên khung gầm xe tải chuyên dụng nên có khả năng cơ động cao. Tên lửa này có tầm bắn tối đa khoảng 4.000 km.
Tàu tên lửa tấn công nhanh
Tàu tấn công nhanh của Hải quân Iran. Ảnh: National Interest |
Nền kinh tế Saudi Arabia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ nên Hải quân Iran có thể làm gián đoạn giao thông hàng hải qua eo biển Hormuz và vịnh Ba Tư. Trong chiến tranh Iran – Iraq những năm 1980, hải quân nước này đã thực hiện chiến dịch tấn công vào đội tàu chở dầu của Iraq gây cho Baghdad nhiều thiệt hại.
Hải quân Iran sở hữu lực lượng tàu tấn công nhanh hùng hậu. Những tàu chiến này có tốc độ rất cao, hỏa lực mạnh có thể tấn công vào đội tàu chở dầu của Saudi Arabia gây tổn thất lớn.
Tàu ngầm lớp Ghadir
Tàu ngầm lớp Ghadir do Iran chế tạo. Ảnh: Militaryedge |
Ghadir được thiết kế để hoạt động ở vùng nước nông tại vịnh Ba Tư, những tàu ngầm này là vũ khí lợi hại để đột kích đội tàu chở dầu hoặc tàu chiến của Saudi Arabia. Tàu được trang bị 2 ống 533 mm có thể phóng ngư lôi hoặc đặt mìn. Ngoài ra, tàu ngầm Ghadir có thể sử dụng để triển khai biệt kích.
Tàu có chiều dài 29 m, lượng giãn nước khoảng 120 tấn, tốc độ tối đa 11 hải lý/giờ. Mỗi tàu có chi phí khoảng 20 triệu USD cho phép Iran có thể sản xuất với số lượng lớn phục vụ cho chiến thuật phi đối xứng.
Tên lửa hành trình Soumar
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Soumar. Ảnh: Press TV |
Tháng 3/2015, Iran bất ngờ giới thiệu tên lửa hành trình tấn công mặt đất Soumar tầm bắn 2.500 km. Giới phân tích nước ngoài nhận định, Soumar là sản phẩm sao chép từ tên lửa Kh-55 của Liên Xô. Vì nền tảng công nghệ của Tehran khó lòng có thể sản xuất động cơ phản lực cỡ nhỏ R95-300.
Iran làm chủ được bao nhiêu phần trăm công nghệ trong chương trình tên lửa hành trình Soumar là một dấu hỏi, nhưng việc Tehran sở hữu vũ khí này có thể uy hiếp các căn cứ quan trọng của Saudi Arabia.