Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến đấu cơ Saudi Arabia bị tố tấn công Đại sứ quán Iran

Iran ngày 7/1 cáo buộc các máy bay chiến đấu Saudi Arabia đã cố tình tấn công Đại sứ quán Iran ở thủ đô của Yemen, trong bối cảnh hai nước căng thẳng vì vụ một giáo sĩ bị tử hình.

Sứ quán của Iran tại thủ đô của Yemen. Ảnh: AFP

Truyền hình quốc gia Iran dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hossein Jaberi Ansari cho biết, vụ không kích của máy bay Saudi Arabia "là hành động cố ý" của chính phủ này, "vi phạm tất cả các luật và điều ước quốc tế về bảo vệ và quyền miễn trừ ở những cơ quan ngoại giao dù trong hoàn cảnh nào".

"Iran yêu cầu chính phủ Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm cho việc làm khiến nhân viên đại sứ quán của chúng tôi bị thương, trụ sở bị hư hại", hãng tin nhà nước IRB trích lời ông Ansari nói.

Tại Yemen, Saudi Arabia đang dẫn đầu liên quân tấn công những khu vực do phiến quân Houthi nổi dậy chiếm giữ. Liên quân này cáo buộc Iran đã hỗ trợ phiến quân, trong khi Tehran phủ nhận sự liên quan.

Thông tin về thiệt hại ở Đại sứ quán của Iran chưa được xác nhận độc lập. Hãng AP cho biết, Đại sứ quán Iran ở thủ đô Sanaa không có hư tổn nào ở bên ngoài.

Ahmed Asseri, người phát ngôn của chính quyền Saudi trong liên quân đang không kích tấn công phiến quân Houthi ở Yemen, cam kết sẽ điều tra cáo buộc của Iran. Tuy nhiên, ông khẳng định "chưa có bằng chứng nào ở thời điểm hiện tại".

Lời cáo buộc của Iran được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với Saudi Arabia đang căng thẳng, sau khi Riyadh ra lệnh xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr có ảnh hưởng đối với cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite.

Sự việc khiến người dân Iran phẫn nộ, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Saudi Arabia. Cá biệt, một đám đông đã kéo đến đốt phá Đại sứ quán Saudi Arabia ở thủ đô Tehran. Sau hành động này, Saudi Arabia và nhiều đồng minh trong khu vực như Bahrain, Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, đã hạ cấp hoặc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.

Những điều cần biết về đối đầu Saudi Arabia - Iran

Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia căng thẳng trong vòng 20 năm qua do xung đột giữa hai dòng Hồi giáo Sunni - Shia và đạt đỉnh điểm khi Riyadh cắt đứt quan hệ với Tehran hôm 3/1.

Vì sao giá dầu vẫn giảm dù Saudi Arabia - Iran căng thẳng?

Việc dầu thế giới tăng giá nhẹ sau khi Tehran - Riyadh nảy sinh căng thẳng, rồi lại giảm dần vào đầu tuần cho thấy biến động ở Trung Đông không còn tác động lớn đến giá dầu.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm