Nimr al-Nimr là thần tượng của giới trẻ theo dòng Hồi giáo |
Nimr al-Nimr là một thủ lĩnh tôn giáo uy tín trong cộng đồng Hồi giáo dòng Shia, vốn chiếm thiểu số ở một đất nước mà đa số dân theo dòng Sunni như Saudi Arabia.
Nhà chức trách bắt al-Nimr vào năm 2012, một năm sau khi các cuộc biểu tình bùng phát ở tỉnh Đông của Saudi Arabia sau phong trào Mùa xuân Arab. Lực lượng an ninh đuổi theo giáo sĩ khi ông ngồi trong xe hơi ở huyện Qatif. Họ bắn vào chân ông 4 phát đạn. Trong những ngày tiếp theo, người dân biểu tình để phản đối vụ bắt al-Nimr. Cảnh sát trấn áp cuộc biểu tình khiến 3 người chết.
Giới truyền thông địa phương cho hay những thanh niên Hồi giáo Shia ở Saudi Arabia ủng hộ al-Nimr. Ngay cả thanh niên Hồi giáo ở Bahrain cũng sùng bái ông. Trong năm 2011, Bahrain đã buộc phải trấn áp làn sóng biểu tình của người Hồi giáo Shia, vốn chiếm đa số tại đây, nhờ sự hỗ trợ của quân đội Saudi Arabia.
Vị giáo sĩ trong độ tuổi ngũ tuần chỉ trích những vị vua theo Hồi giáo Sunni ở cả hai nước. Trong một thập kỷ qua, al-Nimr đã vào tù nhiều lần.
Án tử hình gây tranh cãi
Saudi Arabia xác nhận bản án tử hình dành cho al-Nimr hồi tháng 10/2014. Gia đình giáo sĩ cho hay, tòa án kết luận ông phạm nhiều tội, bao gồm vận động thế lực bên ngoài can thiệp vào nội tình của đất nước.
Al-Nimr chưa bao giờ phủ nhận những cáo buộc chính trị đối với ông, song những người ủng hộ vị giáo sĩ khẳng định ông chỉ tán thành những cuộc biểu tình hòa bình, đồng thời lên án hành động bạo lực đối với chính phủ.
Hồi năm 2011, trong một cuộc phỏng vấn với BBC, al-Nimr nói ông ủng hộ uy lực của ngôn từ hơn vũ khí trong cuộc đấu tranh với chính quyền.
“Lời nói mạnh hơn những viên đạn, vì chính quyền sẽ hưởng lợi từ những cuộc xung đột bằng vũ khí”, ông lập luận.
Thanh niên ở Bahrain biểu tình để phản đối vụ hành quyết Nimr al-Nimr ở Saudi Arabia. Ảnh: AFP |
Khi phiên xử al-Nimr diễn ra hồi tháng 3/2013, các công tố viên muốn hành quyết ông bằng hình thức chặt đầu rồi đóng đinh thi thể trên giá chữ thập.
Các tổ chức nhân quyền lo ngại tòa án không xét xử ông một cách công bằng. Họ cũng nói nhà chức trách không điều trị những vết thương mà cảnh sát gây ra khi họ bắn ông vào tháng 7/2012. Tuy nhiên, giới chức phủ nhận cáo buộc này.
Muna Jabir al-Shariyavi, vợ của al-Nimr, chết trong bệnh viện ở New York, Mỹ khi ông ở trong tù. Cái chết của bà khiến dư luận càng ủng hộ và đồng cảm với ông hơn, Guardian đưa tin.
Trở thành cái gai vì kêu gọi tự do tôn giáo
Chào đời năm 1959 hoặc 1960 tại huyện Qatif, tỉnh Đông, Saudi Arabia, giáo sĩ al-Nimr học nhiều năm ở Tehran và Syria.
Ông trở về Saudi Arabia năm 1994. Những lời kêu gọi tự do tôn giáo của al-Nimr khiến ông nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của lực lượng an ninh. Al-Jazeera đưa tin họ từng bắt và giam ông trong thời gian ngắn vào năm 2004 và 2006. Song những vụ bắt ấy chỉ khiến danh tiếng của ông vươn lên tầm quốc gia.
Wikileaks tiết lộ al-Nimr từng gặp các quan chức Mỹ vào năm 2008 nhằm chứng minh ông không hề chống Mỹ hay ủng hộ Iran. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng vụ bắt al-Nimr là một phần trong chiến dịch trấn áp những người bất đồng chính kiến của giới chức Saudi Arabia.
Giới bảo vệ nhân quyền và các cộng đồng Hồi giáo Shia khắp thế giới lên án mạnh mẽ vụ hành quyết al-Nimr. Bà Sarah Leah, giám đốc vùng Trung Đông của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhận định rằng al-Nimr bị kết tội trong phiên tòa không công bằng và việc xử tử ông chỉ làm tăng thêm sự thù hận và bất ổn.