Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến truyền thông về vụ Saudi Arabia xử tử 'khủng bố'

Báo chí Trung Đông trái ngược về việc Saudi Arabia xử tử một giáo sĩ dòng Shiite và vụ tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia ở Iran, phe ủng hộ Riyadh, phe ủng hộ Tehran.

Các nhật báo ở Vùng Vịnh, Jordan và Ai Cập ủng hộ lập trường của Saudi Arabia, lên án “thái độ hung hăng” của Iran. Trái lại, các tờ báo ở Syria, Lebanon và Iraq cho rằng việc Saudi Arabia hành quyết giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr cùng 46 tù nhân khác là "hành động tội ác".

Trong khi đó, một vài tờ báo của Iran nhấn mạnh rằng, những người biểu tình tại Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran không phản ánh quan điểm của chính phủ.

Nhật báo Etemad đăng bài về vụ biểu tình tại đại sứ quán Saudi Arabia tại Iran. Ảnh: 

Etemad

Phản đối Iran

Một bài viết của báo Al-Riyadh ủng hộ Saudi Arabia thể hiện sự phẫn nộ về vụ việc ở thủ đô Tehran: “Iran từng có nhiều cuộc tấn công nhắm mục tiêu vào các đại sứ quán. Các cuộc tấn công làm tổn hại cho Iran, diễn ra trong tình trạng quá khích do một đám côn đồ dẫn đầu”.

Tương tự, Al-Jazira cũng cho hay: “Iran đã cho thấy mặt tiêu cực của mình. Hành động đập phá và ném bom xăng Đại sứ quán Saudi Arabia chứng minh rằng nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”.

Tác giả Khalid al-Sulayman viết trên báo Ukaz cho rằng hành động hung hăng của chính phủ Iran không gây ngạc nhiên. Những tuyên bố gây hấn đã được dự đoán từ trước bởi Tehran thường đưa ra những lời lăng mạ thấp hèn và lời đe dọa sáo rỗng.

Trong bài viết trên Al-Ahram, báo của chính phủ Ai Cập, tác giả Amr Abd-al-Sami nhấn mạnh quan điểm của Ai Cập: “Chúng tôi sẽ đứng bên Saudi Arabia trong cuộc chiến của nước này với Iran. Chúng tôi phản đối sự can thiệp từ bên ngoài của Iran vào công việc nội bộ của Saudi Arabia".

Bài viết trên Al-Rayah, nhật báo hàng đầu của Quatar, cho rằng vụ tấn công vào cơ quan đại diện của Saudi Arabia tại Tehran là một hành vi tội ác và hoàn toàn bị phản đối. Chính phủ Iran nên nhận ra rằng đây là những hành động vi phạm công ước quốc tế.

Báo Al-Rai của Jordan nhận định cuộc tấn công là một phần thủ đoạn xung quanh cuộc bầu cử ở Iran sắp tới. “Những nhân tố chính đang chuẩn bị cho cuộc tranh cử và họ cần có một lý do đủ lớn để tranh đấu thông qua các cuộc biểu tình”, tờ báo viết.

Hành động của Iran

Báo Khorasan của Iran chỉ trích chính phủ nước này vì không đảm bảo cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình. Điều này đồng nghĩa với việc trọng tâm của vấn đề bị chuyển đổi đột ngột từ vụ hành quyết sang hành động tấn công đại sứ quán: "Sai lầm từ sự nóng giận nhất thời của vài người làm thay đổi vấn đề chính - vụ hành quyết giáo sĩ al-Nimr”.

Etemad, nhật báo của Iran, cho rằng vụ tấn công đại sứ quán đặt Iran vào thế bị động. "Hành vi đáng ngờ và không thể biện hộ của các nhóm cực đoan tại Đại sứ quán Saudi Arabia buộc Iran phải hành động sau khi nước này cho rằng nhân quyền của công dân Saudi Arabia bị xâm phạm", tờ báo viết. 

Trong khi đó, báo Mardom Salari, Iran, đổ lỗi cho những người tấn công. "Thật không may, hành động của những kẻ tự cho mình là 'người nhện' trèo lên các bức tường của Đại sứ quán Saudi Arabia và ném bom xăng khiến vụ hành quyết giáo sĩ Sheikh Nimr bị gạt ra ngoài lề. Việc này còn tạo điều kiện cho Saudi Arabia gây căng thẳng với Iran".

Vụ xử tử giáo sĩ 

dòng Shiite Nimr al-Nimr gây ra nhiều cuộc biểu tình của người Hồi giáo dòng Shiite. Ảnh: Getty

"Saudi Arabia là vương quốc bóng tối"

Iran nhận được sự ủng hộ từ báo Al-Sabah. Nhật báo có trụ sở tại Kuwat miêu tả vụ hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr là "tội ác". Muhammad Abd-al-Jabbar al-Shabbut, nhà báo của tờ Al-Sabah cho rằng: "Việc hành quyết giáo sĩ Al-Nimr sẽ phản tác dụng và đây chỉ nên là phương án cuối cùng". 

Cùng quan điểm, bài báo của Al-Adalah, Iraq, khẳng định: "Hành quyết Al-Nimr không giúp giảm căng thẳng tại Saudi Arabia. Nó chỉ càng khiến bạo lực gia tăng". 

Báo Al-Thawrah của Syria, đả kích giới chức Saudi Arabia: "Chế độ dưới sự quản lý của quốc vương al-Saud vi phạm quyền con người, kìm hãm tự do ngôn luận và quyền tự do cá nhân, đồng thời sử dụng biện pháp chặt đầu man rợ như thời Trung cổ". 

Trong khi đó, Nasri al-Sayigh, phóng viên của báo Al-Safir, Lebanon, nhận định: "Những báo cáo về quyền con người ở Saudi Arabia nổi bật là sự tàn bạo. Người dân của vương quốc này sống trong sự áp bức. Saudi Arabia là vương quốc của bóng tối".

Saudi Arabia vấp phản đối dữ dội vì tử hình 47 'kẻ khủng bố'

Saudi Arabia đã xử tử 47 người bị cáo buộc hoạt động khủng bố vào ngày 1/1, gồm một giáo sĩ người Shia có ảnh hưởng. Sự việc vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của Iraq, Iran.



Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm