Người biểu tình Shia cầm ảnh phản đối tử hình giáo sĩ al-Nimr. Ảnh: Reuters> |
Reuters cho biết, phần lớn những người bị hành hình là các đối tượng đã tham gia hàng loạt vụ tấn công do al-Qaeda tổ chức nhằm vào Saudi Arabia từ năm 2003, bao gồm một vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Jeddah năm 2004.
Ngoài ra, một số người thuộc nhóm người Shia thiểu số đã tham gia tấn công cảnh sát trong những vụ biểu tình năm 2011 - 2013.
Theo CNN, những vụ hành quyết diễn ra ở 12 địa điểm khác nhau. Trong số này, chính quyền cho biết 4 người bị chặt đầu. Họ không nêu cụ thể về những hình thức còn lại.
Một nhân vật nổi bật trong số các tử tù là giáo sĩ người Shia Nimr al-Nimr. Ông là người thường xuyên chỉ trích hoàng tộc Saudi rất gay gắt. Ông bị buộc tội kích động xung đột sắc tộc.
Việc xử tử al-Nimr có thể gây ra căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran. Năm ngoái, Tehran từng cảnh báo vương quốc Arab rằng, Saudi Arabia sẽ tổn thất đáng kể nếu hành hình ông al-Nimr. Sau vụ việc, Iran đã triệu tập đại diện ngoại giao của Saudi Arabia tại Tehran để phản đối.
Ngày 2/1, Ayatollah Ahmad Khatami, một trong những giáo sĩ cao cấp nhất ở Iran, lên án việc hành hình ông al-Nimr. "Hoàng gia Saudi sẽ sụp đổ vì việc làm này", ông nói với hãng tin Mehr.
Đợt tử hình 47 người trong cùng một ngày là lần xét xử tập thể lớn nhất kể từ năm 1980. Khi đó, 63 chiến binh thánh chiến bị hành hình vì tội chiếm nhà thờ lớn ở Mecca năm 1979.
Trong năm 2015, Saudi Arabia trải qua nhiều vụ tấn công bằng bom hoặc xả súng do những phần tử thánh chiến ủng hộ Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra. Do vậy, việc xử tử ngày đầu năm mới cho thấy phần nào "áp lực rất lớn phải trừng phạt những kẻ khủng bố của chính quyền".
"Những kẻ bị hành quyết gồm các thủ lĩnh của al-Qaeda và những tên phải chịu trách nhiệm cho những vụ tấn công đẫm máu. Hành động này rõ ràng ẩn chứa thông điệp", nhà phân tích an ninh Mustafa Alani nói.
Việc Saudi Arabia xử tử một giáo sĩ người Shia có ảnh hưởng trong số 47 đối tượng bị cáo buộc “khủng bố” vấp phải sự chỉ trích của một số nước như Iraq, Iran. Bộ Ngoại giao Iran cáo buộc Saudi Arabia có hành vi ủng hộ khủng bố khi tử hình đối phương.
“Họ ủng hộ những kẻ khủng bố và các phần tử cực đoan người Sunni, trong khi tiến hành đàn áp những người chỉ trích ở bên trong đất nước”, người phát ngôn Hossein Jaber Ansari nói.
Cựu thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki nói ông “lên án mạnh mẽ” hành động của chính quyền Saudi Arabia khi tử hình giáo sĩ al-Nimr. “Chính quyền Saudi sẽ sụp đổ vì tội ác này”.
Nghị sĩ Mohammed al-Sayhud thuộc liên minh cầm quyền Shia ở Iraq lo ngại việc ông al-Nimr bị hành quyết sẽ thổi bùng lên những mâu thuẫn giữa người Sunni và Shia, dấy lên cuộc chiến sắc tộc trong khu vực.
Nhiều cuộc tuần hành phản đối chính quyền Saudi Arabia cũng diễn ra ở một số quốc gia. Tại Bahrain, cảnh sát phải bắn đạn hơi cay để ngăn cản dòng người biểu tình. Trong khi đó, tại Saudi Arabia, hàng chục người Shia đã tuần hành ở quận Qatif để phản đối việc giáo sĩ al-Nimr bị hành quyết.