Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ xung đột vì Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Iran

Việc Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran có thể khiến nguy cơ xung đột ở Trung Đông ngày càng leo thang.

Người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran. Ảnh: AP>

Trong cuộc họp báo ngày 3/1, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel al-Jubeir tuyên bố "cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và yêu cầu toàn bộ phái đoàn ngoại giao, đại sứ quán, lãnh sự quán và các cơ quan hữu quan rời Iran trong 48 giờ".

Sự việc thổi bùng sự giận giữ của người dân Iran, nơi phần lớn đều là người Hồi giáo dòng Shiite. Hàng nghìn người quá khích đã bao vây, đập phá và ném bom xăng vào Đại sứ quán Saudi Arabia ở thủ đô Tehran.

Theo New York Times, động thái được đưa ra vào thời điểm Mỹ và những nước khác hy vọng rằng, sự hợp tác thậm chí là hạn chế giữa Saudi Arabia và Iran cũng có thể giúp chấm dứt chiến tranh ở Syria và Yemen, giảm xung đột ở Iraq, Bahrain, Lebanon và nhiều nơi khác. Giới phân tích lo ngại sự việc có thể gia tăng chia rẽ bè phái và đầu tư cho chiến tranh ủy nhiệm.

"Đây là hành động leo thang rất đáng lo ngại, gây ra nhiều hậu quả lớn với người dân trong khu vực. Căng thẳng giữa hai bên sẽ khiến tình hình bất ổn tiếp tục kéo dài", chuyên gia phân tích Michael Stephens cho hay.

Giới chức Mỹ nhận định việc hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao không phải dấu hiệu tốt đẹp đối với những nỗ lực hòa bình quốc tế vốn đòi hỏi hai bên cùng thỏa hiệp.

"Chúng tôi tin rằng cam kết ngoại giao và đối thoại trực tiếp vẫn cần thiết trong việc dung hoà sự khác biệt. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực có những bước đi chắc chắn nhằm làm dịu căng thẳng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói, kêu gọi giải pháp hoà bình cho vấn đề này.

Mối thù truyền kiếp

Trong cuộc trò chuyện với người đồng cấp của Iran Mohammed Javad Zarif, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được cho là đã yêu cầu Iran không làm tình hình phức tạp hơn bằng cách trả đũa. Tuy nhiên, triển vọng hoà giải được đánh giá đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. 

Người dân Saudi Arabia và Iran theo các dòng Hồi giáo khác nhau, từ lâu đã là đối thủ trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông. Thực trạng càng căng thẳng hơn khi chiến tranh Iraq và cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab làm thay đổi trật tự khu vực, đẩy hai cường quốc Trung Đông về hai phía đối lập trong các cuộc xung đột. 

Tại Bahrain, Saudi Arabia đưa xe tăng hỗ trợ chế độ quân chủ Sunni, chống lại người biểu tình do phần lớn người Shiite dẫn đầu. Tại Syria, Iran cấp tài chính cho chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Saudi Arabia ủng hộ phe nổi dậy Hồi giáo dòng Sunni muốn lật đổ ông. Saudi Arabia còn dẫn đầu một chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân Hồi giáo dòng Shiite Houthi ở Yemen. 

Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau vụ người biểu tình đốt Đại sứ quán. Ảnh: AFP

Căng thẳng gia tăng khi Saudi Arabia lo ngại thỏa thuận hạt nhân có thể giúp Iran mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Trong khi đó, Iran vẫn tức giận với cách xử lý của Saudi Arabia trong vụ giẫm đạp ở thánh địa Mecca hồi tháng 9/2015, khiến hơn 2.400 người hành hương chết, trong đó có hơn 450 người Iran. Mối quan hệ rạn nứt khi Saudi Arabia xử tử giáo sĩ dòng Shiite Sheikh al-Nimr cùng 46 tù nhân khác vì cáo buộc tội khủng bố.

Các nhà lãnh đạo Shiite lên tiếng phản đối, trong khi người Hồi giáo dòng Sunni ở Saudi Arabia hoan nghênh cái họ gọi là nỗ lực nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani chỉ trích vụ hành quyết giáo sĩ, nhưng nói rằng vụ tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran và lãnh sự quán Saudi Arabia ở Mashhad đã ảnh hưởng đến danh tiếng của đất nước họ. Ngoài khu vực Trung Đông, một số nước chỉ trích hệ thống tư pháp Saudi Arabia và vụ hành quyết tập thể lớn nhất nước này trong nhiều năm qua. 

Khoét sâu mâu thuẫn

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm 2/1 cho biết ông "vô cùng thất vọng" vì vụ xử tử Sheikh Nimr và những người khác, sau khi sự việc làm dấy lên lo ngại về bản chất và tính công bằng của quyết định hành quyết. Liên minh châu Âu cũng đưa ra câu hỏi tương tự về quyền tự do ngôn luận, các quyền dân sự và chính trị cơ bản.

Một số quan chức cấp cao Mỹ tỏ ra tức giận vì cho rằng các vụ hành quyết được thực hiện khi không có thủ tục pháp lý cần thiết và sự coi thường đó có thể "đổ dầu vào lửa".

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đáp lại lời chỉ trích của Iran bằng lời cáo buộc "chủ nghĩa bè phái mù quáng" và truyền bá chủ nghĩa khủng bố của Tehran. Vài giờ sau đó, ông Jubeir tuyên bố kết thúc mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước và nói rằng Saudi Arabia không cho phép Iran phá hoại an ninh của vương quốc này. 

Quân nổi dậy Houthi ở Yemen. Ảnh: AP

Các nhà phân tích nhận định sự chia rẽ có thể khiến tình hình mất ổn định khu vực nghiêm trọng hơn. 

"Hai cường quốc Trung Đông không tin tưởng nhau. Họ coi mỗi sự việc là cơ hội để làm gia tăng căng thẳng", Abbas Kadhim, chuyên gia chính sách ngoại giao tại Đại học Johns Hopkins, nhận định.

Ông lo ngại rằng vì Saudi Arabia và Iran đều miễn cưỡng tấn công trực diện, họ sẽ đẩy mạnh đầu tư cho các cuộc đối đầu ở những nơi khác và khiến tình hình hỗn loạn hơn. Điều này sẽ gây bất lợi cho các cuộc đàm phán hoà bình quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria. 

Nhiều ý kiến cho rằng một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite ở Syria và Yemen sẽ bùng phát mạnh hơn, ít nhất là trong một thời gian. 

Iran có thể tiếp cận số tài sản bị đóng băng hơn 100 tỷ USD khi thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 được thực thi. Các nhà phê bình cho rằng điều này sẽ giúp Iran đổ tiền cho các cuộc xung đột ở Syria.

Saudi Arabia phát động chiến dịch quân sự tại Yemen 10 tháng trước, chủ yếu do lo ngại rằng Iran hỗ trợ quân nổi dậy Houthi. Các cuộc không kích của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu và được Mỹ hậu thuẫn đã khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng. 

Các bên xung đột đã ngồi vào bàn đàm phán tại Thụy Sĩ hồi tháng trước nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Yemen, tuy nhiên không đạt được thoả thuận. Kế hoạch đàm phán, dự kiến diễn ra tuần này, được cho là khó có kết quả khả quan hơn. 

Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran

Chính quyền Saudi Arabia đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran vào ngày 3/1 và yêu cầu các nhà ngoại giao rời Đại sứ quán ở thủ đô Tehran trong 48 giờ.

Hoàng Anh (Theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm