Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao giá dầu vẫn giảm dù Saudi Arabia - Iran căng thẳng?

Việc dầu thế giới tăng giá nhẹ sau khi Tehran - Riyadh nảy sinh căng thẳng, rồi lại giảm dần vào đầu tuần cho thấy biến động ở Trung Đông không còn tác động lớn đến giá dầu.

Khu vực khai thác dầu trên sa mạc ở Bahrain. Ảnh: AP>

Cuối tuần qua, Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran nhằm đáp trả việc người biểu tình xông vào đốt phá sứ quán của nước này tại Tehran. New York Times cho biết, căng thẳng giữa hai nhà sản xuất lớn thứ nhất và thứ 5 trong Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khiến giá dầu Brent giao tháng 2 ở châu Âu tăng 4% vào đầu phiên giao dịch ngày 4/1, nhưng giảm 6 cent và còn 37,22 USD/thùng ở cuối ngày. Tại sàn New York, Mỹ, giá giao dịch khởi đầu là hơn 38 USD nhưng chốt phiên là 36,76 USD/thùng.

Dư thừa nguồn cung

Việc giá dầu tăng trong ngắn hạn rồi lại suy giảm vào ngày 4/1 cho thấy những bất ổn chính trị hiện tại ở Vịnh Persian, vùng sản xuất dầu lớn nhất thế giới, không còn là nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng vọt; trừ phi căng thẳng ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung, dẫn đến cản trở hoạt động ở các tuyến đường ống vận chuyển lớn, hoặc tại các cảng và tuyến đường thủy.

Stewart Glickman, nhà phân tích của S&P Capital IQ, nói với AP rằng các rủi ro địa chính trị hiện tại không có tác động đáng kể đến giá dầu "như so với 3, 4 năm trước đây".

Đồng tình với quan điểm trên, Tushar Tarun Bansal, nhà phân tích tình hình dầu mở ở Singapore, nói với Bloomberg rằng: "Tình hình biến động giá do căng thẳng vừa qua không đáng kể, do dầu dự trữ trên thế giới đang trong tình trạng dư thừa".

Glickman nêu ra nguyên nhân là do quá trình sản xuất dầu mạnh mẽ ở Mỹ. Theo Wall Street Journal, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vào tuần qua cho biết sản lượng dầu trong 9 tháng đầu năm 2015 cao hơn dự báo. Bên cạnh đó, ngày 4/1, công ty dữ liệu Genscape thông báo dầu dự trữ ở Cushing, bang Oklahoma, tăng đến mức kỷ lục vào cuối tuần qua. Theo giới phân tích, Mỹ có thể nhanh chóng bổ sung dầu cho thế giới trong trường hợp OPEC bị thiếu hụt nguồn cung. Việc đẩy mạnh sản xuất ở Mỹ đã trấn an thế giới về sự phụ thuộc lớn vào khu vực Trung Đông so với giai đoạn trước.

Người Iran cầm ảnh vị giáo sĩ bị Saudi Arabia xử tử để phản đối hành động của Riyadh. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, Iran đã thông báo kế hoạch tăng cường sản xuất hướng đến xuất khẩu hàng triệu thùng dầu mỗi ngày ra thị trường trong 6 tháng, ngay sau khi phương Tây nới lỏng các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran nói, chính sách trên không phải nhằm gây gián đoạn thị trường, mà là "giành lại thị phần bị thiếu hụt của Iran" sau một thời gian dài bị cấm vận kể từ năm 2010.

Hani Sabra, giám đốc nhóm nghiên cứu Trung Đông - Bắc Phi của tổ chức Eurasia Group nói với CNBC, rằng: "Tôi nghĩ lợi ích cơ bản của Iran là các ưu tiên kinh tế của họ. Khao khát bán dầu của họ không phải là đẩy giá dầu xuống thấp để gây tổn hại đến nền kinh tế của Saudi Arabia, mà là để kiếm tiền".

Bên cạnh đó, nếu Iran thực sự muốn dùng giá dầu để trả đũa Saudi Arabia, kế hoạch này sẽ không thành công về lâu dài. Riyadh tỏ tín hiệu đã sẵn sàng kế sách cho việc giá dầu thấp trong một giai đoạn dài, qua việc cắt giảm các trợ cấp và nhiều chi tiêu nhà nước khác nhằm cắt giảm các khoản thâm hụt.

Bất đồng ở OPEC

Điều khiến các chuyên gia lo ngại là việc Saudi Arabia và Iran sẽ ngày càng bất hợp tác trong nội khối OPEC. Những diễn biến thời sự vừa qua cho thấy, không chỉ Saudi Arabia mà cả các đồng minh của vương quốc này như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Kuwait đều đứng về phía chống đối Iran.

Các nhà quan sát lo ngại, căng thẳng giữa Saudi Arabia - Iran kéo dài sẽ làm sâu sắc thêm những bất đồng hiện tại ở OPEC, khiến khối này không thể đạt đồng thuận về chiến lược bình ổn giá dầu trong năm 2016, qua thỏa thuận giảm sản xuất ở các nước thành viên.

Trong cuộc họp gần nhất vào đầu tháng 12/2015, OPEC không đạt được thỏa thuận nào, bao gồm chỉ tiêu sản xuất của mỗi nước. "Bất đồng ở OPEC đã kéo dài hơn cả năm qua. Căng thẳng mới nhất này sẽ khiến vấn đề trầm trọng hơn", Bhushan Bahree, nhà phân tích ở công ty IHS (Mỹ), nói với New York Times.

Trước đây, Iran từng kêu gọi các thành viên OPEC giảm sản lượng. Điều này ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ Saudi Arabia và những đồng minh. Phần lớn các ý kiến đều nhận định Riyadh cũng có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất. Saudi Arabia không có ý định giảm sản xuất để nhường chỗ bớt cho dầu từ Iran, kiên quyết giữ chặt miếng bánh thị trường của họ.

Nhiều nước cắt quan hệ với Iran vì phản đối tử hình giáo sĩ

Nhiều quốc gia Hồi giáo đã cắt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, sau vụ chính quyền và người dân Iran phản đối mạnh mẽ việc Saudi Arabia xử tử một giáo sĩ người Shiite.

Những điều cần biết về đối đầu Saudi Arabia - Iran

Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia căng thẳng trong vòng 20 năm qua do xung đột giữa hai dòng Hồi giáo Sunni - Shia và đạt đỉnh điểm khi Riyadh cắt đứt quan hệ với Tehran hôm 3/1.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm