National Interest dẫn lời Kyle Mizokami - một chuyên gia quốc phòng ở San Franciso, Mỹ - cho biết, Ấn Độ sở hữu nhiều loại vũ khí có khả năng đối trọng với sức mạnh của quân đội Trung Quốc nếu chiến tranh Trung - Ấn nổ ra.
Tàu sân bay INS Vikramaditya
Ấn Độ là một trong số vài quốc gia sở hữu tàu sân bay. INS Vikramaditya, tàu sân bay mà Ấn Độ mua từ Nga, đang phục vụ Hải quân. Nó có khả năng mang theo 30 phản lực chiến đấu MiG-29K hoặc số lượng tương tự máy bay Tejas của Ấn Độ và 12 trực thăng. Tàu sân bay giúp tăng đáng kể bán kính hoạt động của hạm đội tàu Ấn Độ.
Tàu sân bay NS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ. Ảnh: Wikipedia |
Mizokami nhận định, nếu chiến tranh Trung - Ấn nổ ra, chiến trường sẽ nằm trên biển. Trung Quốc phải nhập khẩu số lượng lớn dầu mỏ từ nước ngoài và hai phần ba số đó di chuyển bằng đường biển qua Ấn Độ Dương. Hải quân Ấn Độ dễ dàng kiểm soát và chặn tuyến đường này để gây bất lợi cho phía đối thủ.
INS Vikramaditya sẽ đảm trách nhiệm vụ phong tỏa và cắt đứt các tuyến đường vận tải huyết mạch của Trung Quốc. Không lực cực mạnh của nó đủ khả năng đáp trả mọi hạm đội của Trung Quốc nếu họ muốn khai thông tuyến đường biển. Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm vận hành hạm đội tàu sân bay hơn Trung Quốc bởi tàu sân bay đầu tiên của New Delhi gia nhập biên chế năm 1961.
Máy bay chiến đấu tàng hình FGFA
FGFA là phản lực chiến đấu thế hệ thứ năm, được thiết kế riêng cho không quân Ấn Độ. Đây là sản phẩm của quá trình hợp tác Nga - Ấn. Nó là một phần của chương trình máy bay chiến đấu tàng hình PAK-PA (Sukhoi T-50) mà Nga đang thử nghiệm. Những chiếc FGFA giúp Ấn Độ san bằng khoảng cách với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang thử nghiệm J-20, phản lực chiến đấu thế hệ thứ năm.
Máy bay chiến đấu tàng hình Sukhoi T-50 của Nga có nhiều điểm tương đồng với máy bay FGFA của Ấn Độ. Ảnh: Wiki |
Theo thiết kế, FGFA có chiều dài 19,8 m, sải cánh 14 m với tải trọng cất cánh tối đa đạt 37 tấn. Chúng có khả năng di chuyển với vận tốc Mach 2+, tương đương hơn 2.400 km/h. Trần bay tối đa của chúng lên tới 20.000 m, còn phạm vi hoạt động đạt 5.500 km. Ngoài một súng nhiều nòng, FGFA có 6 giá treo vũ khí trong thân và 6 giá treo dưới các cánh.
Tên lửa hành trình chống hạm BrahMos
BrahMos là nỗi ám ảnh với các chiếm hạm Trung Quốc. Chúng có thể tấn công mục tiêu với vận tốc Mach 3, tương đương hơn 3.600 km/h, khiến đối phương không kịp trở tay. Đây là phép thử hiệu quả nhất với hệ thống phòng thủ mà Trung Quốc khẳng định “chỉ mất vài giây để đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào mục tiêu trên bộ và trên biển”.
Tên lửa chống hạm BrahMos phóng từ tàu chiến Ấn Độ. Ảnh: Wiki |
Quân đội Ấn Độ có thể phóng BrahMos từ tàu ngầm, tàu chiến, máy bay hay các hệ thống trên đất liền. Nó là kết quả hợp tác giữa hai tập đoàn quốc phòng của Ấn Độ và Liên bang Nga. Là loại tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới, nó có thể mang đầu đạn nặng 200 kg đến 300 kg, bao gồm các loại đầu đạn xuyên giáp và đầu đạn hạt nhân. Phạm vi hoạt động của BrahMos dao động từ 300 đến 500 km.
Tàu khu trục lớp tàng hình Kolkata
Trong chiến tranh, các tàu lớp Kolkata sẽ làm nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay INS Vikramaditya. Nhằm chống các hạm đội của Trung Quốc, mỗi tàu mang 16 tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos. Ngoài ra, chúng có khả năng hoạt động độc lập, tăng khả năng cơ động khi tấn công các tàu chiến Trung Quốc.
Tàu khu trục tàng hình lớp Kolkata. Ảnh: Wiki |
Các tàu lớp Kolkata có chiều dài 163 m, chiều rộng 17,4 m, tải trọng choán nước đạt 7.500 tấn. Trong huấn luyện, chúng có thể di chuyển với vận tốc 56 km/h. Phạm vi hoạt động của chúng đạt 15.000 km nếu di chuyển với vận tốc 33 km/h. Chúng có khả năng chống ngầm, chống hạm, tấn công mặt đất và phòng không nhờ hệ thống vũ khí đa dạng và hiện đại.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant
Arihant là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo liên lục địa, chính thức hoạt động thử nghiệm trên biển trong tháng 8/2013. Theo kế hoạch, Hải quân Ấn Độ sẽ đóng mới 6 tàu ngầm lớp Arihant trong tương lai gần. Trong trường hợp hai quốc gia đông dân hàng đầu thế giới đối đầu quân sự, chúng sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng với các tàu chiến Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant của Ấn Độ đang thử nghiệm trên biển. Ảnh: Wiki |
Ngoài ra, các tàu ngầm loại Arihant mang theo 12 tên lửa đạn đạo có khả năng chứa đầu đạn hạt nhân K-15 Sagarika (tầm bắn 3.500 km). Nhờ loại vũ khí này, các tàu ngầm có thể tấn công chiến lược, chiến thuật các mục tiêu ở Bắc Kinh khi hoạt động trong lãnh hải Ấn Độ.