Nguy cơ chiến tranh Trung - Mỹ tại Thái Bình Dương
Việc lần đầu tiên Tổng thống Obama gọi Bắc Kinh là “đối thủ” và yêu cầu nghiên cứu mức độ đe dọa của khả năng hạt nhân Trung Quốc, quan hệ Trung - Mỹ dường như rơi vào thế đối đầu tương tự thời Chiến tranh Lạnh.
Quan hệ Trung - Mỹ lâm vào khủng hoảng tương tự thời Chiến tranh Lạnh? |
Lý do đứng đằng sau đối đầu Trung - Mỹ bắt nguồn từ cả yếu tố kinh tế lẫn chính trị. Trung Quốc hiện nay là quốc gia duy nhất có khả năng vượt mặt Mỹ, trở thành nền kinh tế số 1 của thế giới (theo giới chuyên gia, khả năng đó có thể sẽ xảy ra trong khoảng 8 năm nữa).
Hiện nay, Mỹ đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế, thất nghiệp cao và nguy cơ vỡ nợ. Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển vững vàng, cố duy trì tỷ giá hối đoái thấp cho đồng nhân dân tệ, kích thích sản xuất trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, gần đây, Trung Quốc đã loại bỏ đồng USD khỏi dự trữ ngoại hối, thay vào đó, đầu tư vào vàng, đồng euro và nguyên vật liệu.
Đối với bất cứ động thái nào của Trung Quốc, Mỹ đều chú ý với con mắt quan ngại và đang nỗ lực tác động đến các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, Tổng thống Obama vừa ký một tuyên bố gửi tới Tổ chức Thương mại thế giới WTO, cáo buộc “đối thủ châu Á” trợ cấp cho các công ty ô tô trong nước. Giới lập pháp Mỹ khẳng định, Chính phủ Trung Quốc đang thao túng cặp tiền tệ, nhân dân tệ - đô la. Không chỉ vậy, Mỹ còn áp đặt thuế quan thương mại lên 20 loại hàng hóa Trung Quốc trong đạo luật Jason-Vanik.
Còn về quan điểm chính trị, trước hết, Mỹ và Trung Quốc là hai hệ thống hoàn toàn khác nhau, đối lập với nhau. Quan hệ chính trị giữa hai nước trở nên tồi tệ hơn sau khi Mỹ thực thi học thuyết quân sự mới đầu năm ngoái với chiến lược “xoay trục về châu Á”. Theo đó, trong những năm tới, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương (APR).
Trong khi Trung Quốc tích cực phô diễn sức mạnh bằng cách dàn dựng các cuộc tập trận với mật độ dày đặc tại châu Á – Thái Bình Dương, đứng sau các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ và kích động quần chúng nhân dân biểu tình chống Nhật Bản rầm rộ..., Mỹ cũng tích cực tiến hành các cuộc tập trận riêng của họ, cố thể hiện vai trò trung gian đối với các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các láng giềng trong khu vực, ký thỏa thuận hợp tác phát triển tên lửa đạn đạo với Hàn Quốc và lập căn cứ quân sự tại Australia...
Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, Hans Kristensen cho rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đang cùng dấn thân vào các hành động khiêu khích nguy hiểm, làm tăng căng thẳng quân sự dẫn đến khả năng chiến tranh bùng nổ trên Thái Bình Dương. Trong khi đó, ông Ian Bremmer, một nhà khoa học chính trị người Mỹ nhấn mạnh, các quan hệ chiến lược giữa hai nước hiện nay tương tự với những gì từng diễn ra thời Chiến tranh Lạnh.
Phương Đăng
Theo Infonet