Tân Hoa Xã dẫn lời Xiao Jie, thị trưởng của cái gọi là "thành phố Tam Sa" cho biết theo kế hoạch, họ sẽ xây dựng một trường mẫu giáo và một trường tiểu học rộng khoảng 4.650 m2 với tổng số vốn đầu tư khoảng 5,7 triệu USD và dự kiến sẽ hoàn thành trong một năm rưỡi.
Trung Quốc còn ngang nhiên đặt tên trường là Vĩnh Hưng, tên gọi ngụy xưng của Bắc Kinh đối với đảo Phú Lâm.
Trụ sở của cái gọi là "chính quyền thành phố Tam Sa" xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế, đơn phương thành lập "thành phố Tam Sa" vào tháng 7/2012 nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Điều này đã gây nên sự phản đối kịch liệt từ phía các nước láng giềng của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Quốc vụ viện Trung Quốc nhiều lần công bố kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép cho "thành phố Tam Sa" và đưa người tới nơi đây để sinh sống và làm việc. Khoảng 40 trẻ em đang trong độ tuổi đi học có cha mẹ sống và làm việc tại đây. Hầu hết số trẻ phải tới nơi khác học tập hoặc ở nhà với ông bà.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Kể từ khi đưa giàn khoan trái phép tới vùng biển Việt Nam, Trung Quốc không những thường xuyên phủ nhận những hành vi gây hấn của mình ở Biển Đông mà ngược lại còn xuyên tạc sự thực gây bất lợi cho Việt Nam.
Ngày 13/6, Vụ phó Vụ Biên giới và Hải đảo thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương, khẳng định Bắc Kinh không bao giờ điều các lực lượng quân sự đến khu vực hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương-981 ở Biển Đông.
"Tôi có thể nói rõ rằng, từ ngày 2/5 tới nay và ngay cả khi khi hoạt động thăm dò của giàn khoan hoàn tất, chúng tôi đã, đang và không bao giờ cử lực lượng quân sự tới đó. Bởi vì chúng tôi đang thực hiện các hoạt động dân sự cũng như thương mại một cách bình thường”, ông Dịch Tiên Lương ngang ngược tuyên bố trong một cuộc họp báo.
Ông Dịch trắng trợn cho rằng: "Việt Nam hiện có 61 tàu ở khu vực trên, trong khi số tàu của Trung Quốc là 71 chiếc, bao gồm cả tàu chính phủ và các tàu phụ trợ". Theo ông này, số lần mà tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc ở vùng biển gần giàn khoan Hải Dương-981 là 1.547 lần.
Ngay lập tức, một quan chức cấp cao của Mỹ tại Washington đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc khi cho rằng đó là những lời “nguỵ biện lố bịch” và khẳng định, Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng không quân và hải quân cũng như lực lượng bảo vệ bờ biển "để đe dọa các nước khác".
Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện quân sự lớn mạnh và liên tục gần giàn khoan dầu kể từ ngày 2/5 khi họ hạ đặt giàn khoan này, trong đó có máy bay trực thăng và chiến đấu cơ quần thảo phía trên và xung quanh giàn khoan. Hiện nay có nhiều tàu quân sự có mặt ở khu vực gần giàn khoan".